Khuyến khích nhập nhẩu công nghệ lõi: Điểm tựa để hóa rồng

An Diễm 21/10/2022 14:11

Trong nhiều cuộc bàn luận tại Quốc hội cũng như ngoài xã hội về vấn đề phát triển kinh tế của đất nước, có một vấn đề mà mọi người đều thừa nhận là năng suất lao trung bình của người Việt Nam còn thấp so với các nước khác. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là trình độ khoa học, công nghệ của chúng ta chưa cao nên chưa tham gia nhiều vào những công đoạn cao trong chuỗi giá trị. Giải pháp khả dĩ nhất là phải có được những công nghệ lõi để đẩy mạnh đổi mới trình độ khoa học kỹ thuật trong nước.

Người Việt hoàn toàn có thể tạo ra, làm chủ được các công nghệ lõi

Nếu so sánh với các dân tộc khác thì người Việt không hề thua kém về sự chăm chỉ, cần cù và thông minh sáng tạo. Chúng ta cũng có ý chí kiên cường vượt qua nghịch cảnh, có ước vọng đưa đất nước phát triển vươn lên không thua kém bạn bè. Thế nhưng có một nghịch lý là hiện nay năng suất lao động của người Việt Nam bị đánh giá là quá thấp so với các nước khác, kể cả là trong khu vực. Lý do đơn giản là chúng ta mới chỉ tham gia vào những công đoạn thấp trong chuỗi giá trị, sản xuất ra những sản phẩm thô như lúa, gạo, nông sản giá trị không cao so với các sản phẩm công nghiệp và công nghệ. Để làm ra những sản phẩm tiên tiến, giá trị cao thì bắt buộc phải có trình độ khoa học kỹ thuật cao, và xuất phát điểm là phải có những công nghệ lõi.

Công nghệ lõi hiểu nôm na là “lõi” của công nghệ, thứ mà từ đó chúng ta có thể triển khai ra nhiều giải pháp công nghệ phục vụ cho những lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra Việt Nam cũng đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hướng tới sở hữu những ngành công nghiệp phát triển, phát minh, sáng chế mới để đáp ứng yêu cầu cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Tuy nhiên việc sở hữu công nghệ lõi không dễ, đòi hỏi chi phí rất cao khiến cho các doanh nghiệp ngần ngại vì khó đảm bảo lợi nhuận kinh doanh. Một vấn đề khác là sự chuyển giao công nghệ đôi khi đi kèm với những yếu tố về bí mật kinh tế hay an ninh quốc gia.

Trước thực tế này, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích nhập khẩu công nghệ lõi. Vừa qua tại hội nghị phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, để đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, Việt Nam sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập công nghệ lõi thông qua viện nghiên cứu, đại học. Có một yếu tố rất thuận lợi là nhờ đường lối ngoại giao linh hoạt, Việt Nam có quan hệ đối tác tốt đẹp với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao những năm gần đây cũng đang khả quan, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ chuyển dịch sang Việt Nam, tạo điều kiện cho người Việt học hỏi, tiếp thu kiến thức và công nghệ.

Hiện nay, Việt Nam đã có các thương hiệu điện thoại riêng như Bkav, Vsmart, ô tô riêng như Vinfast, hay một tập đoàn viễn thông toàn cầu như Viettel. Đây là điều mà không nhiều người nghĩ đến vào thời điểm chục năm về trước. Đã đến lúc chúng ta không chỉ nghĩ đến việc học hỏi, mà phải nghĩ đế việc “làm chủ”, và chúng ta cũng không còn là một nước kém phát triển chỉ hài lòng với những công nghệ giản đơn, mà tầm nhìn của Chính phủ đang hướng về “công nghệ lõi”. Việt Nam đang đi đúng hướng và thực sự đã có một vị thế rất khác.

An Diễm

Đọc nhiều