Khủng hoảng toàn cầu, lựa chọn nào để an ninh năng lượng có thể phát triển bền vững?

Bảo Trâm 23/07/2022 16:00

Đối phó thiếu hụt năng lượng, một số nước cho bơm thêm dầu và hồi sinh điện than, khiến họ rơi vào thế mâu thuẫn với mục tiêu bền vững. Gần đây, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, liệu thế giới có quyết định ngưng trệ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch?

Chuyển đổi năng lượng xanh gặp khó trước khủng hoảng nhiên liệu từ chiến sự Nga – Ukraine

Cú sốc năng lượng năm nay là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông năm 1973 và 1979. Kết quả là nó sẽ mang lại những khó khăn ngắn hạn và định hình lại ngành năng lượng về lâu dài.

Những tác động trước mắt thì đã được nhìn thấy. Do giá nhiên liệu và điện cao, hầu hết quốc gia đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, lạm phát leo thang, đời sống người dân bị thắt chặt và bất ổn về chính trị.

Nhưng nhiều hậu quả lâu dài vẫn chưa thể lường trước được. Nếu các chính phủ phản ứng không khéo léo, họ có thể kích hoạt sự bùng nổ trở lại của nhiên liệu hóa thạch, khiến các mục tiêu khí hậu càng xa vời hơn. Thay vào đó, bài toán cho họ là phải đi trên một con đường rất ngặt nghèo để giải quyết cả an ninh năng lượng lẫn vấn đề khí hậu.

Ở châu Âu, khi cơn ác mộng về những đêm đông lạnh giá còn chưa đến thì một “giấc mơ sốt” giữa mùa hè đã hiển hiện. Đợt nắng nóng đã buộc nhu cầu khí đốt của Tây Ban Nha lên mức cao gần kỷ lục trong bối cảnh Nga giảm dần nguồn cung qua tuyến Nord Stream 1 đến Tây Âu từ hôm 14/6. Điều này khiến giá khí đốt tăng vọt 50% và làm dấy lên lo ngại rằng việc viễn cảnh dùng khí đốt theo định mức phân bố sẽ thành hiện thực vào cuối năm nay.

Tại Mỹ, người lái xe đang trả khoảng 5 USD cho một gallon xăng (3,78 lít). Giá xăng góp phần thúc đẩy lạm phát, mà theo các cuộc thăm dò dư luận là nỗi lo lớn nhất và khiến Tổng thống Joe Biden đau đầu nhất. Thị trường điện của Australia thì chật vật. Trong khi, nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang chứng kiến sự thiếu hụt của năng lượng.

Các nhà máy điện than hoạt động trở lại sẽ là bước đi lùi trong việc giảm phát thải

Các cú sốc năng lượng có thể trở thành thảm họa chính trị. Ước khoảng một phần ba mức lạm phát 8% của các nước giàu là do chi phí năng lượng và nhiên liệu tăng cao. Các hộ gia đình đang phải vật lộn và tức giận để thanh toán các hóa đơn tiện ích. Điều này dẫn đến các chính sách giải quyết thiếu hụt năng lượng bằng thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch, dù biết nó không sạch.

Tổng thống Joe Biden, người lên nắm quyền với hứa hẹn một cuộc cách mạng xanh, có kế hoạch đình chỉ thuế xăng dầu và đến thăm Saudi Arabia để đề nghị nước này bơm thêm dầu. Ở Đức, khi nhu cầu dùng điện cho điều hòa tăng cao, các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh.

Thực tế, các hoạt động khoan, lọc dầu và cơ sở hạ tầng bằng nhiên liệu hóa thạch, nhà máy nhiệt điện than đều là những nguồn năng lượng bẩn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra trầm trọng và giết chết Trái đất của chúng ta.

Quá trình biến đổi khí hậu đã tạo thêm một lớp bất ổn ngay cả khi nó đồng thời đòi hỏi sự gia tăng đầu tư lớn. Nay kết hợp thêm việc lạm dụng nhiệt điện than thì theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đầu tư hàng năm cần phải tăng gấp đôi, lên 5.000 tỷ USD một năm. Rủi ro là cuộc khủng hoảng mới nhất này, và phản ứng hỗn loạn của chính phủ đối với nó, đã khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn.

Quá trình tạo điện và nhiệt từ việc đốt cháy nhiên liệu hoá thạch tạo ra lượng khí thải rất lớn trên toàn cầu. Phần lớn điện được tạo ra bằng cách đốt than, dầu hoặc khí đốt, tạo ra cacbon dioxit và nitơ oxit – những loại khí nhà kính mạnh đang bao trùm Trái Đất và giữ lại nhiệt của mặt trời. Chỉ một phần tư lượng điện trên toàn cầu được sản xuất từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Trái ngược với nhiên liệu hoá thạch, năng lượng tái tạo thải ra rất ít hoặc không hề thải ra khí nhà kính hay các chất gây ô nhiễm không khí.

Hiện tại, thế giới đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn mọi thời điểm từng ghi nhận trong lịch sử. Vì thế, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch là việc làm hết sức cấp bách để giúp toàn cầu tránh được biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam

Tại Việt Nam, để đạt được cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng xanh, sạch, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên còn là sự chủ động định hướng dài hạn của Chính phủ.

Vì vậy, chiến lược phát triển ngành năng lượng dài hạn, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế giữ vai trò then chốt trong định hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Đây cũng chính là lối đi giúp Việt Nam định hình vị thế, tự lập tự chủ trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu.

Bảo Trâm (Theo The Economist)

Đọc nhiều