6
category
612799

Khủng hoảng kép nhấn chìm châu Âu

Bảo Trâm 29/11/2022 14:48

Trang Finacial Times (FT) đưa tin tình trạng lạm phát giá năng lượng ngày càng tăng đang tàn phá ngành công nghiệp của châu Âu, mà còn kéo theo một mối đe dọa khác khốc liệt hơn gấp nhiều lần.

Giá khí đốt đã tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn

Theo đó, tình trạng lạm phát giá năng lượng ngày càng tăng đang tàn phá ngành công nghiệp của châu Âu, trong đó những khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Các nhà máy luyện nhôm và thép buộc phải đóng cửa vì chi phí năng lượng đắt đỏ. Cùng với đó, các nhà sản xuất hóa chất phải di dời đến Mỹ để giảm chi phí. Công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF của Đức cũng đang lên kế hoạch thu hẹp quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, tình hình trên đang gây ra hệ lụy lớn hơn đối với các ngành công nghiệp tương ứng khác. Nổi bật là việc các công ty sản xuất phân bón cũng buộc phải đóng cửa nhà máy. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu phân bón lại giảm xuống, vì các nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu là Nga và Belarus đang là mục tiêu trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Cả hai quốc gia trên đã trả đũa các biện pháp trừng phạt bằng cách cắt giảm xuất khẩu phân bón sang châu Âu. Trong khi đó, giới chức châu Âu bào chữa rằng nếu không trừng phạt ngành xuất khẩu phân bón thì khu vực này cũng không thu được lợi ích gì.

Bị cắt nguồn cung phân bón, nông nghiệp châu Âu bị ảnh hưởng nặng

Theo số liệu do FT trích dẫn từ Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại Mỹ (IATP), Nga chiếm 45% nguồn cung amoniac nitrat, 18% nguồn cung muối kali và 14% phosphate trên toàn cầu. Muối chứa kali là một trong những thành phần chính của phân bón.

Cùng với Nga, Belarus cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn, đặc biệt là kali. Tuy nhiên, Belarus đã bị EU trừng phạt từ năm 2021 do các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tình hình thiếu hụt nguồn cung phân bón đã tác động tiêu cực đến an ninh lương thực của châu Âu, thậm chí có nguy cơ dấy lên một cuộc khủng hoảng mới, trong bối cảnh chi phí năng lượng đắt đỏ cũng đã buộc người nông dân EU thu nhỏ quy mô chăn nuôi và trồng trọt.

Giám đốc điều hành của công ty chuyên về phân bón Yara International của Na Uy chia sẻ với FT rằng: “Các chuỗi giá trị đã hội nhập một cách đáng kinh ngạc. Khi bạn nhìn vào bản đồ – vị trí của châu Âu, vị trí của Nga và vị trí các nguồn tài nguyên thiên nhiên – những chuỗi này đã được tạo ra trong nhiều thập kỷ. Ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, những sản phẩm này vẫn được lưu thông nên dòng chảy kinh doanh vẫn diễn ra. Và tất cả đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vài ngày”.

Tương lai châu Âu đang hết sức “u ám”

Giống như đối với khí đốt, EU đã tính toán trước khi hành động, bằng cách tìm kiếm nguồn cung cấp phân bón thay thế. Theo báo cáo của mạng lưới truyền thông châu Âu EurActiv, Maroc là một lựa chọn vì nước này đang cung cấp khoảng 40% lượng phosphate của châu Âu. Con số này thậm chí có thể tăng lên đáng kể.

Trung Á là một sự thay thế khác, cụ thể hơn là Uzbekistan. Hiện tại, Uzbekistan xuất khẩu phân bón chủ yếu sang châu Á và một số nước Trung Đông nhưng điều này có thể thay đổi sau cuộc họp cấp bộ trưởng EU – Trung Á, đang diễn ra tại Uzbekistan.

Ngành phân bón châu Âu đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Một mặt, sản xuất phân bón nội địa suy giảm do chi phí năng lượng cao ngất ngưởng. Mặt khác, các biện pháp trừng phạt đã gây ra phản ứng không mong đợi từ phía Nga. Tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào phân bón nhập khẩu khiến khu vực này trở nên dễ bị tổn thương, đồng thời có thể dẫn tới cú sốc về lương thực cũng như bộc lộ những yếu điểm khác của khu vực này.

Dường như không có giải pháp tức thì cho khó khăn hiện tại của châu Âu. Ngay cả khi châu Âu tìm thấy đủ nguồn thay thế cho tất cả lượng phân bón nhập khẩu từ Nga và Belarus, hóa đơn của họ sẽ “phình to” tương tự như hóa đơn năng lượng, khi họ chuyển đổi từ khí đốt của Nga sang mua khí hóa lỏng (LNG). Và điều này sẽ thúc đẩy lạm phát hơn nữa.

Cơn sóng thiếu lương thực, thực phẩm lan tới trung tâm châu Âu

Báo cáo của Viện Chính sách Thương mại và Nông nghiệp (IATP) – tổ chức luôn ủng hộ canh tác bền vững – cảnh báo rằng thế giới đang “nghiện” phân bón hóa học. Đồng thời, báo cáo trên cũng nhận định phân bón đang trở nên đắt đỏ.

“Các quốc gia G20 đã trả gần gấp đôi số tiền nhập khẩu các loại phân bón chính vào năm 2021 so với năm 2020 và con số này sẽ gấp ba lần vào năm 2022, tương đương với việc phải chi thêm 21,8 tỷ USD. Ví dụ, Anh đã chi thêm 144 triệu USD cho nhập khẩu phân bón vào năm 2021 – 2022 và Brazil đã trả thêm 3,5 tỷ USD”, bản báo cáo của IATP cho biết.

Tất nhiên, nguyên nhân chính của việc tăng giá phân bón là do lạm phát chi phí năng lượng vì sản xuất phân bón là quy trình sử dụng nhiều năng lượng. Và điều này sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu do khu vực này đang ở một vị thế không thuận lợi.

Có thể thấy, Nga tiếp tục cung cấp phân bón cho các nước châu Phi do các nước này không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva. Trong khi đó, châu Âu thực sự không thể đảo ngược quyết định trừng phạt Nga để mua phân bón từ nước này vì điều này sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của EU.

Đối với các nước ủng hộ lập luận của IATP rằng thế giới đang “nghiện” hóa chất, họ có thể nhìn thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng phân bón này. Chính phủ Hà Lan đang chớp lấy cơ hội trên khi thúc đẩy nỗ lực giảm 70% lượng khí thải nitơ từ nông nghiệp, châm ngòi cho các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân trong nước.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây ở Sri Lanka cho thấy việc rũ bỏ sự phụ thuộc vào phân bón hóa học có thể là điều không khôn ngoan, đặc biệt nếu thực hiện một cách đột ngột. Về góc độ này, chứng “nghiện” phân bón cũng mạnh như chứng “nghiện” nhiên liệu hóa thạch mà loài người đang mắc phải.

Bảo Trâm (Theo Financial Times)

Đọc nhiều