Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM – động lực mới phát triển kinh tế

16/06/2020 07:02

TPHCM đang hoàn thiện đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM (gọi tắt là Khu đô thị sáng tạo) theo hướng xây dựng nơi đây trở thành vùng động lực mới để phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TPHCM nhanh, bền vững và tiếp tục đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của cả nước.

Tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo

Trong nhiều năm qua, TPHCM luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo và gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn đổi mới, TPHCM không ngừng sáng tạo bằng việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao (SHTP). TPHCM cũng là địa phương sớm quyết định xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Đặc biệt, bước vào giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM xác định nhiệm vụ đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Từ đó, thành phố có chủ trương xây dựng Khu đô thị sáng tạo, như khởi điểm dẫn đầu cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại buổi làm việc của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, cùng các thành viên của Chính phủ với TPHCM mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định thành phố phải xác định những giải pháp trong dài hạn, phải tạo động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới. Trung tâm động lực đó là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM, gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM - động lực mới phát triển kinh tế ảnh 1
Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM.  

Khu vực này đã hình thành 4 cơ cấu nền tảng quan trọng. Đó là SHTP (quận 9) rộng 913ha, hiện đã lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ đồng. Năm 2019, SHTP có giá trị sản xuất khoảng 15 tỷ USD và xuất khẩu 14 tỷ USD (chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của TPHCM). Trong giai đoạn 2016-2020, SHTP cũng phát triển mạnh mẽ khi có giá trị xuất khẩu dự ước đạt 70 tỷ USD, tăng hơn 5 lần so với giai đoạn trước. Hiện nay, TPHCM đang triển khai xây dựng SHTP mới rộng 195ha, cách SHTP hiện tại khoảng 2km.

Nơi này còn có Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) rộng khoảng 643ha, có trên 10.000 giảng viên, trong đó hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và khoảng 100.000 sinh viên. Cùng với đó là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng khoảng 657ha, với chức năng chính là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và dân cư hiện đại. Nền tảng thứ 4 là hệ thống hạ tầng đồng bộ như tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng…

Liên kết và hỗ trợ phát triển vùng 

Hiện nay, Sở QH-KT đang hoàn chỉnh đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo. Đây là một nhiệm vụ cụ thể thuộc chương trình đổi mới quản lý mà TPHCM đang xây dựng cho giai đoạn 2020-2025.

Trước đó, thông qua thi tuyển quốc tế, các đơn vị tư vấn đã khẳng định tiềm năng và sự lựa chọn khu vực phía Đông để phát triển Khu đô thị sáng tạo là chính xác. Việc này nhằm phát huy những lợi thế về tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có (đào tạo bậc cao, sản xuất tiên tiến, trung tâm tài chính và kinh doanh), cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính đang hoàn thiện, trở thành khu vực hạt nhân sáng tạo, liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. Theo Sở QH-KT, Khu đô thị sáng tạo được hình thành sẽ có các đặc trưng là khu vực đô thị phát triển mạnh dựa trên nền tảng kinh tế dịch vụ, khoa học – công nghệ, đổi mới và sáng tạo. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một khu vực phát triển đô thị chú trọng phát triển con người toàn diện; trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.

Cụ thể, khi tích hợp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ tạo thành một vùng động lực rộng 21.000ha, với 1 triệu dân, chiếm khoảng 10% dân số và 10% diện tích toàn TPHCM, nhưng ước tính sẽ đóng góp 30% GRDP của thành phố. Trong khi đó, TPHCM chiếm khoảng 23% GDP cả nước, đóng góp 27% ngân sách quốc gia – vai trò của TPHCM đối với cả nước là cực kỳ quan trọng. Do vậy, khi TPHCM hình thành một vùng động lực phát triển kinh tế mới sẽ tiếp tục tác động tích cực lớn đến kinh tế cả nước. Song điều quan trọng không thể thiếu là phải có mô hình quản lý hành chính thống nhất khi sáp nhập 3 quận này, mà như đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã kiến nghị Trung ương cho phép TPHCM sáp nhập 3 quận thành một thành phố – như là một thành phố trong một tỉnh – để nơi này có thể trở thành “quả đấm kinh tế” cho TPHCM và cả nước.

Các khu vực trọng điểm sáng tạo

Các đơn vị tư vấn (thông qua thi tuyển quốc tế) đề xuất TPHCM về chiến lược phát triển tại các khu vực trọng điểm sáng tạo như sau:

– Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm: Lý tưởng cho hoạt động đổi mới sáng tạo. 

– Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc: Có tiềm năng trở thành một cộng đồng toàn diện, nâng cao chất lượng sống.

– Trung tâm Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP giai đoạn 2): Củng cố ngành sản xuất (đã phát triển) với phương pháp, sản phẩm mang tính đột phá.

– Trung tâm Công nghệ thông tin – công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TPHCM): Giúp mở rộng khả năng nghiên cứu và sáng tạo.

– Khu vực kết nối Đại học Quốc gia TPHCM và SHTP: Hỗ trợ cho 2 đơn vị này và có thể hình thành một trung tâm đổi mới, khởi nghiệp mạnh mẽ.

– Khu vực Tam Đa và lân cận Khu giáo dục đào tạo đại học Long Phước (Trung tâm Công nghệ sinh thái): Lợi thế phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực, nông nghiệp công nghệ cao.

– Khu đô thị cảng Trường Thọ – đô thị tương lai: Là địa điểm lý tưởng phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị”.

KIỀU PHONG/ SGGP

Đọc nhiều