8
category
327062

Không thể thu hồi quyết định, gần 1 tỷ lắp camera nhà lãnh đạo là xong

01/10/2019 07:38

Nếu báo chí không phản ánh, ngân sách Sóc Trăng thất thoát gần tỷ đồng do chi sai quy định. Thu hồi văn bản và tiền không phải là xong, phải xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan.

Chiều 30/9, Tỉnh uỷ Sóc Trăng thông báo hủy quyết định và thu hồi gần 900 triệu đồng đã chi để gắn camera tại nhà riêng cán bộ Ban Thường vụ sau khi báo chí phản ánh và dư luận bức xúc.

Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là chuyện hủy quyết định và thu hồi tiền về ngân sách là xong, bởi dự án lắp đặt camera tại nhà riêng các lãnh đạo ở Sóc Trăng đã hoàn thành và bàn giao, gần 900 triệu tiền từ ngân sách đã được chi. Nếu báo chí không vào cuộc phản ánh, số tiền gần 1 tỷ đồng chi sai quy định sẽ thế nào?

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng nhận sai, vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm để thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu ngân sách.

Zing.vn ghi lại ý kiến của luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích các góc độ pháp lý trong vụ việc này.

Chi sai quy định, sai đối tượng

20190930_194130-1944
Sóc Trăng hủy quyết định việc lắp camera an ninh tại nhà riêng cho cán bộ.

Văn bản của Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc lắp đặt camera an ninh bằng tiền ngân sách để bảo vệ nhà riêng của 16 lãnh đạo với mức kinh phí gần 1 tỷ đồng rõ ràng là không phù hợp với quy định pháp luật. Việc hủy bỏ văn bản này là cần thiết; tuy nhiên, Sóc Trăng cần truy trách nhiệm pháp lý của các cá nhân có liên quan.Theo danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 37/2009/NĐ-CP quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ, thì mục tiêu cần bảo vệ là trụ sở của những tổ chức quan trọng, cụ thể ở đây là trụ sở Tỉnh ủy Sóc Trăng, chứ không phải là nhà riêng của cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ngoài ra, theo Thông tư số 01/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định về hoạt động vũ trang canh gác, bảo vệ mục tiêu của lực lượng cảnh sát thì không có nhà riêng của lãnh đạo Thường vụ Tỉnh ủy.

Khoản 4 Điều 3 và Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định ở cấp tỉnh không có cán bộ nào thuộc đối tượng cảnh vệ. Chỉ có cán bộ thuộc đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ mới được bảo vệ tại nơi làm việc, trên đường đi công tác và tại nhà riêng.

Do đó, nhà riêng và bản thân cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy không phải là mục tiêu bảo vệ hay mục tiêu cảnh vệ của lực lượng công an. Những người này sẽ được bảo vệ khi làm việc tại trụ sở cùng với việc bảo vệ trụ sở theo Nghị định số 37/2009 và Thông tư 01/2011.

Khi họ rời trụ sở, trên đường đi công tác hoặc ở nhà riêng thì không có chính sách được bảo vệ hoặc được cảnh vệ.

Như vậy, để thấy rằng căn cứ lắp camera tại nhà riêng của cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy là hoàn toàn sai. Tỉnh ủy Sóc Trăng không hủy bỏ thì văn bản này cũng sẽ bị hủy bỏ theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp nếu cơ quan chức năng vào cuộc.

Báo chí không lên tiếng, ngân sách đã mất gần tỷ

Trong vụ việc này, văn bản quyết định chi ngân sách lắp camera tại nhà riêng lãnh đạo đã được ban hành, tiền từ ngân sách của Đảng đã chi ra sai quy định nên việc thu hồi văn bản, khắc phục hậu quả chỉ là một góc của vấn đề, chưa phải là xong chuyện.

Khong the thu hoi quyet dinh, gan 1 ty lap camera nha lanh dao la xong hinh anh 2
Trước cổng nhà một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng có gắn 2 camera. Ảnh: Tuấn Anh.

 

Điều quan trọng hơn là cần xem lại động cơ, mục đích và nhận thức của cơ quan tham mưu cũng như người ký văn bản quyết định chi gần 1 tỷ từ ngân sách dự phòng của Đảng để lắp camera tại nhà riêng lãnh đạo.

Ngoài việc hủy bỏ văn bản, các cá nhân, tổ chức sử dụng số tiền này phải hoàn lại cho ngân sách Nhà nước thì cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

Để làm rõ một cách khách quan, cơ quan công an cấp bộ cần vào cuộc, xác minh xem có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quản lý tài sản công, và có cá nhân nào có hành vi tham ô tài sản hay không… Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm thì có thể xử lý theo quy định pháp luật hình sự.

Nếu vụ việc không bị báo chí phản ánh, dư luận lên tiếng thì rõ ràng ngân sách Đảng của địa phương này đã bị thất thoát gần tỷ đồng. Bởi vậy, việc truy trách nhiệm cá nhân là cần thiết.

Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu của các tội phạm về chức vụ thì phải xử lý, nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cũng phải xem lại năng lực của các cán bộ, lãnh đạo có liên quan trong việc quản lý tài sản công, trong việc thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao.

Ngày 27/9, lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng xác nhận đã triển khai kế hoạch lắp camera an ninh tại nhà riêng của những cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kinh phí thực hiện việc lắp camera gần 982 triệu đồng, được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng. Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tiến hành ký hợp đồng kinh tế với chủ một cơ sở kinh doanh tin học – điện tử trên địa bàn.

Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, chiều 30/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan đã để xảy ra sai sót này; báo cáo đầy đủ sự việc, xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương.

Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng việc lắp camera an ninh nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Trong đó, việc giám sát khu vực nhà riêng của các cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với giám sát an ninh lối xóm, cộng đồng… Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã sai về quy mô, số lượng, nguồn kinh phí thực hiện.

Anh Thư /Zing News

Tags :
Đọc nhiều