3
category
419500

Không thể cứ hy sinh kinh tế để chống dịch Covid-19 mãi được!

Đặng Trường 12/01/2020 23:13

Kinh tế đất nước bị “dư chấn” nặng nề sau “cơn bão Covid-19” đợt I, hơn nữa, khó khăn lắm, người dân mới thích ứng và dần dần phục hồi sau giai đoạn giãn cách xã hội. Vì vậy, khi dịch bùng phát trở lại sau chuỗi 99 ngày không có ca nhiễm mới đã kéo theo nhiều nỗi lo cho cả những người lãnh đạo đất nước và người dân. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách. Nhưng một vài địa phương vì quá nóng vội đã giãn cách xã hội. Hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất”. Ngay sau đó, trang Việt Nam thời báo đã đăng đàn cho rằng “Thủ tướng sợ thất thu ngân sách, làm xấu đi bảng thành tích về kinh nên mới không cho giãn cách xã hội”.

Thủ tướng đề nghị các địa phương kiên quyết ngăn chặn dịch và khoanh vùng giãn cách xã hội ở khu vực cụ thể khi có dịch để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Kinh tế Việt Nam cũng không ngoại lệ, GDP quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong 10 năm trở lại đây. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giãn cách xã hội đã có hiệu quả rất lớn trong việc khống chế dịch bệnh, ngăn chặn sự bùng phát, lây lan giữa các tỉnh thành. Tuy nhiên, đúng như dự cảm của Thủ tướng, GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đau lòng nhất, tình hình lao động, việc làm quý II/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II cũng giảm. Tính chung 6 tháng đầu năm, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 là 53,0 triệu người, giảm gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. 1,2 triệu người thất nghiệp là con số không phải nhỏ, tương ứng với con số đó là một cơ số gia đình giảm thu nhập, thậm chí kinh tế gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Không thất nghiệp làm sao được khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.200 doanh nghiệp, 19.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 7.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Chính vì hiểu được nỗi khổ này nên trong giai đoạn chống dịch trước đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11, chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ… với tổng giá trị tương đương gần 22 tỷ USD. Song song đó là triển khai giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng giúp người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không ai phủ nhận, giãn cách xã hội sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng khống chế dịch nhanh và hiệu quả hơn nhưng rồi kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ ra sao? Từng cá nhân giãn cách thì đơn giản thôi nhưng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng cửa 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng thôi là biết bao nhiêu dây chuyền hoạt động đình trệ, bao nhiêu hợp đồng, dự án phải hủy bỏ? Bao nhiêu người sẽ thất nghiệp khi hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản? Đó chưa kể người dân mất thu nhập hoặc giảm sút nghiêm trọng. Không ai muốn bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối tháng cuối năm ảm đảm thêm một lần nữa. Kết quả chống dịch giai đoạn 1, chúng ta đã làm tốt khi chọn hy sinh một phần kinh tế thì giai đoạn 2 chúng ta cần phải nghiên cứu làm sao cho tốt hơn mà vừa bảo vệ được sức khỏe tính mạng của người dân vừa duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vaccine đang diễn ra với tốc độ kỷ lục nhưng thế giới phải học cách sống chung với dịch Covid-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có. Thế nên, việc Thủ tướng phát biểu “giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách” là hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta phải học cách chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch như kiểu “sống chung với lũ”, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội, không để kinh tế đổ gãy nhưng như Thủ tướng từng lưu ý “yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất”.

Hơn nữa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định phương châm phòng chống dịch của Việt Nam là: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đến bây giờ, phương châm này vẫn không thay đổi. Chiến lược của chúng ta là chiến lược của nước còn nghèo, chúng ta buộc phải ngăn chặn để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng”. Thế nên, dù không giãn cách xã hội, dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường nhưng chí ít ở giai đoạn hiện tại, chúng ta vẫn đang kiểm soát được nó, chỉ có những ca lây nhiễm cục bộ ở một số điểm đã bùng dịch trước đây. Hoạt động kinh tế, lao động sản xuất gần như vẫn diễn ra bình thường, chấp hành đúng và nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19. Đôi khi, chính chúng ta cũng quên đi rằng dịch Covid-19 nguy hiểm như thế nào và diễn biến của nó ở Việt Nam ra sao.

Việc trang “Việt Nam thời báo” đặt điều xuyên tạc như trên chẳng có mục đích gì tốt đẹp. Không chỉ muốn hạ uy tín của Thủ tướng, ly gián lòng tin của người dân vào công tác phòng chống dịch của Chính phủ mà chính ra những kẻ đứng sau trang tin vất vưởng này không muốn kinh tế Việt Nam được phục hồi, phát triển. Chúng muốn Việt Nam nghèo đói, người dân Việt khổ sở để chúng được bề lên giọng chửi bới chính quyền. Nhưng xin thưa rằng, dã tâm và những điều chúng muốn sẽ không bao giờ xảy ra.

Nhà thơ Robert Frost từng nói rằng: “Cách tốt nhất để thoát khó khăn luôn luôn là đối diện và vượt qua nó. Bởi lẽ bạn đương đầu với khó khăn là để chinh phục nó chứ không phải bỏ cuộc”. Trong thời điểm hiện nay, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động kinh tế diễn ra bình thường chính là một khó khăn rất lớn đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không chiến đấu một mình mà Chính phủ vẫn đang đồng hành cùng chúng ta mỗi ngày bằng cách động viên, khuyến cáo, bằng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tái sản xuất. Thay vì ngồi ca thán, tìm kiếm, đăng đàn xuyên tạc như trang “Việt Nam thời báo” thì thiết nghĩ, đây là lúc nhân dân ta nên đoàn kết, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, nêu cao tinh thần cảnh giác dịch bệnh và hành động hiệu quả và tối ưu nhất.

Đặng Trường 

Đọc nhiều