419
category
388583

Không thể có thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền

Bảo An 27/04/2020 07:23

Trên các trang Facebook Việt Tân, Chân trời mới Media, VOA Tiếng Việt và một số trang mạng xã hội khác đồng loạt đăng tải dòng thông tin “Tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do cho nhà văn Trần Đức Thạch”. Nghĩ lại thực sự quá nực cười, cứ vô tư phạm pháp và sau đó phủ phui bằng câu nói “tôi đấu tranh vì nhân quyền” thì sẽ không phạm tội?

Hình ảnh Nhiều đối tượng đang rêu rao đòi thả Trần Đức Thạch – đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia

Sự thực không thể chối cãi

Hôm 23/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Đức Thạch (SN 1952) trú tại xóm 5, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Nhìn lại tiểu sử của Trần Đức Thạch, có thể dễ dàng nhận thấy đây là một đối tượng bất hảo, có ý thức chống đối với Nhà nước sâu sắc. Năm 2008, Trần Đức Thạch đã bị kết án phạt tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đến năm 2013, Trần Đức Thạch được ra tù và tiếp tục có hành động chống phá. Bản thân Trần Đức Thạch từng là một thành viên cốt cán của “Hội anh em dân chủ”. Thời gian gần đây, Trần Đức Thạch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc. Lợi dụng tình hình dịch bệnh, y đã soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống chính quyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trần Đức Thạch từng là một cán bộ quân đội, sinh gia trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố của Thạch là ông Trần Đức Trạch, từng là thường vụ huyện uỷ Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tuy nhiên, Trần Đức Thạch lại sớm có tư tưởng bất mãn, chống đối. Núp dưới tấm áo nhà văn, Trần Đức Thạch đã viết những tác phẩm có nội dung sai lệch về tình hình đất nước và xuyên tạc bản chất chế độ một cách trắng trợn như “Hố chôn người ám ảnh”, “Đau đớn” v.v…

Trong “sự nghiệp” hoạt động “dân chủ” của mình, Trần Đức Thạch đã câu kết, móc nối và có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiều đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, phản động khác như Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Tuyển v.v… Ngoài ra, Trần Đức Thạch cũng nhận được sự o bế, chống lưng hậu thuẫn của tổ chức phản động Việt tan.

Thông qua tiểu sử đầy nguệch ngoạc của Trần Đức Thạch có thể khẳng định đây là một đối tượng cơ hội chính trị nguy hiểm, mang trong mình ý thức chống đối sâu sắc. Việc ca ngợi Thạch là một “nhà dân chủ” như những lời mà Việt Tân, VOA rêu rao, ca tụng là hoàn toàn sai lệch, phi thực tế.

Không thể có thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền

Ngay sau khi Trần Đức Thạch bị bắt giam, các đối tượng dân chủ đã nhanh chóng kêu gào, khóc mướn cho Nguyễn Đức Thạch. Ở hải ngoại, cái gọi là Tổ chức nhân quyền – Human Rights Foundation –  cũng đưa ra nhiều thông tin, bình luận phi lý. Theo thông tin được các đối tượng dẫn lại, Joy Park, Cố vấn pháp lý cho châu Á của Human Rights Foundation, đã đưa ra các phát biểu: “Việt Nam đang lợi dụng đại dịch COVID-19 như một vỏ bọc để bắt giam các nhà hoạt động nhân quyền. Hành động này đã xúc phạm thái quá. Tuần trước, một số nhà hoạt động khác đã bị bắt vì đăng thông tin liên quan đến virus corona trên Facebook”, “Ông Trần Đức Thạch đã phải chịu nhiều năm tù đày. Chính phủ Việt Nam phải ngừng sách nhiễu và thả ông ấy ngay lập tức” v.v…

Các cá nhân, tổ chức núp bóng nhân quyền ngày càng thể hiện sự trắng trợn của mình trong việc xuyên tạc tình hình quốc gia khác và luôn cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác một cách thô bạo. Với Việt Nam, thời gian qua, không ít cá nhân, tổ chức bên ngoài đã sử dụng vỏ bọc cùng các chiêu trò liên quan đến dân chủ, dân quyền để đưa ra các cáo buộc sai lệch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong khi các cá nhân, tổ chức này luôn miệng cho rằng Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế thì chính bản thân họ lại đang chà đạp, coi thường những nguyên tắc cơ bản nhất trong quan hệ quốc tế – nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Không chỉ riêng Việt Nam, với tất cả các quốc gia trên thế giới, độc lập, chủ quyền của đất nước là điều thiêng liêng nhất. Không thể có một thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền, không thể có một thứ nhân quyền tuyệt đối như những gì các đối tượng vẫn đang sử dụng để tấn công Việt Nam. Trong chính Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền đã khẳng định: “Tự do bao gồm khả năng làm bất cứ điều gì mà không gây hại cho người khác” và vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, mỗi người trong xã hội phải có trách nhiệm tôn trọng luật pháp được đưa ra.

Hành động đưa ra yêu sách đòi Việt Nam phải thả tự do cho Trần Đức Thạch là hành động ngông cuồng, không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Không thể có tình trạng vì lợi ích cá nhân mà xâm phạm lợi ích chung của cộng đồng; không thể tồn tại những giá trị nhân quyền hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết mình mà xâm phạm đến người khác; không thể có kiểu thực hiện hành vi phạm tội sau đó lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng, một khi vi phạm pháp luật thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả tương xứng.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều