Không thể có một xã hội ổn định nếu pháp luật không được thượng tôn
Sau phiên tòa xét xử các bị cáo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, đều là thành viên của cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, các đối tượng xấu, cơ hội chính trị cũng như báo chí và một số cơ quan nước ngoài có cái nhìn tiêu cực đối với Việt Nam đã “nổi đồng”, “lên hương” vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và xuyên tạc bản chất vụ án, hướng lái thông tin theo hướng tiêu cực.
Lấy hiện tượng để chống phá hệ thống
Thời gian vừa qua, hệ thống tư pháp Việt Nam đã đẩy mạnh việc đấu tranh, xử lý với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng quyền tự do, dân chủ, nhân quyền để sản xuất, tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá Nhà nước đã bị xử lý một cách nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cùng với việc chính quyền đẩy mạnh việc xử lý các đối tượng phạm tội, một “xu hướng” chống phá cũng được các đối tượng triệt để tận dụng là xuyên tạc bản chất vụ án, vu khống chính quyền, tấn công hệ thống pháp luật. Việc chống đối của các đối tượng không chỉ diễn ra một cách đơn lẻ mà nó diễn ra có một kế hoạch, kịch bản hết sức bài bản với sự bắt tay của rất nhiều bên như các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước, các đối tượng phản động lưu vong, một số báo đài nước ngoài có nội dung tiếng Việt, đại diện một số cơ quan, tổ chức nước ngoài v.v… Với sự phối hợp, “tung hứng” của các nhóm đối tượng trên, nhiều luồng thông tin sai trái đã được tung ra, tác động đến nhận thức của không ít người, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xã hội.
Gần đây nhất, sau vụ xét xử các đối tượng thuộc nhóm “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” cũng như việc các đối tượng cộm cán trong giới dân chủ như Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh bị bắt, các đối tượng lại tiếp diễn “bài ca không quên” cho rằng chính quyền “đè nén người bất đồng chính kiến”. Đồng thời, các đối tượng này còn đưa ra luận điệu cho rằng một số điều luật trong Luật hình sự của Việt Nam là vô căn cứ, mờ mịt, cần phải thay đổi. Các đối tượng chĩa mũi nhọn tấn công hệ thống pháp luật, đặc biệt là luật hình sự và đòi xóa bỏ một số điều trong nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Để “bảo vệ” luận điệu của mình, chúng bày trò so sánh với pháp luật của các nước tư bản để vu khống pháp luật của Việt Nam không tiến bộ, không hợp lý, không bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Nhưng điều chúng ta cần hiểu là hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa và đặc biệt là thể chế chính trị. Một mẫu số chung Sẽ không thể có một mẫu số chung về pháp luật cho các nước trên thế giới.
Luật pháp Việt Nam quy định công khai rằng mọi hành vi phạm tội đều phải bị xử lý, được quy định trong Bộ Luật hình sự với các điều khoản rõ ràng. Vậy vì động cơ gì các đối tượng ngang nhiên vi phạm đến mức bị đưa ra xét xử lại quay sang xuyên tạc luật pháp, đổ lỗi cho chính quyền?
Không thể có một xã hội ổn định nếu pháp luật không được thượng tôn
Rõ ràng, pháp luật được công khai nhưng nhiều người vẫn cố tình phạm tội, thể hiện bản chất ngông nghênh, coi thường pháp luật. Đặc biệt, ở Việt Nam hiện nay đang có một số đối tượng tự cho mình quyền chà đạp, đứng trên pháp luật. Núp dưới vỏ bọc đấu tranh vì “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, những đối tượng xấu này đã công nhiên sản xuất, tàng trữ, phát tán những thông tin, tài liệu chống phá đất nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chúng ta cần hiểu rằng phản biện xã hội, đóng góp ý kiến và việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ để chống phá đất nước là hoàn toàn khác nhau. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tiến hành giám sát và thực hiện quyền phản biện xã hội nhằm mục đích xây dựng một chính quyền hiện đại, văn minh, giàu đẹp, dân chủ. Tuy nhiên, những hành động núp bóng đóng góp ý kiến để hạ bệ, sỉ nhục, bôi nhọ các cơ quan tổ chức, cá nhân và hệ thống chính quyền đều bị nghiêm cấm.
Nhìn vào sự hỗn loạn đang diễn ra tại nước Mỹ khi hàng nghìn người tràn vào tòa nhà Quốc hội, đạp đổ rào chắn ở điện Capitol, thậm chí ngồi lên ghế Chủ tịch Thượng viện, phần nào có thể thấy sự hỗn loạn của cái gọi là “tự do dân chủ kiểu tư bản” mà những kẻ chống phá đất nước vẫn tung hô. Sẽ chẳng thể có chỗ cho sự hòa bình, ổn định tồn tại nếu pháp luật không được thượng tôn. Rõ ràng, việc cổ vũ cho những kẻ phạm tội, tấn công hệ thống pháp luật của Việt Nam, vu khống chính quyền như những gì đang diễn ra chỉ là một chiêu trò xấu xa về mặt chính trị để chống phá Việt Nam.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.