Không thay đổi, doanh nghiệp đừng mong được ưu đãi thuế EVFTA

31/07/2019 10:11

Nếu không nâng cấp được hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc…, các doanh nghiệp VN sẽ không tận dụng được tối đa các ưu đãi do Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) mang lại. 

Không thay đổi, doanh nghiệp đừng mong được ưu đãi thuế EVFTA - Ảnh 1.
Gỗ là một trong những mặt hàng được đánh giá cao về tăng trưởng xuất khẩu nhờ EVFTA

Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy ở Diễn đàn VN – EU “EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện”, do Bộ Công thương cùng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại VN tổ chức ngày 30-7.

Cải thiện chất lượng để tăng cạnh tranh

Phát biểu tại diễn đàn, ông Jean Jacques Bouflet, phó chủ tịch EuroCham, khẳng định EVFTA có thể giúp giá trị xuất khẩu của VN sang EU tăng 20% vào năm 2020 và tăng đến 44,37% vào năm 2030. Đặc biệt, EVFTA sẽ giúp GDP của VN tăng 2,18-3,25% trong giai đoạn

2019-2023 và tăng 4,57-5,3% từ năm 2024-2028.

Tuy nhiên, theo ông Jean Jacques Bouflet, muốn tận dụng được tối đa các ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại, thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu sang EU, một trong những việc các doanh nghiệp VN cần bắt tay làm ngay, trong quá trình chờ EVFTA đi vào thực hiện, là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.

Bà Miriam Garcia Ferrer – trưởng Ban kinh tế và thương mại, phái đoàn EU tại VN (thành viên đoàn đàm phán EU) – cũng cho rằng để tận dụng được tối đa lợi ích từ EVFTA, các doanh nghiệp cần gấp rút nâng cấp hàng xuất khẩu sang EU, cải thiện năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia về mặt chất lượng, uy tín sản phẩm.

Cũng theo bà Miriam Garcia Ferrer, các doanh nghiệp hoàn toàn tiếp cận tự do với hiệp định nhưng phải tuân thủ tiêu chuẩn của EU.

“Một số sản phẩm của VN chưa đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang EU, cũng như chưa có uy tín tại thị trường EU. Chẳng hạn, cà phê VN rất tốt nhưng sao người tiêu dùng EU vẫn chưa tìm đến? Doanh nghiệp phải trả lời câu hỏi này nếu hướng đến mục tiêu tận dụng ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại” – bà khuyến cáo.

Cơ hội thu hút công nghệ xanh, kỹ thuật cao

Theo bà Nguyễn Sơn Trà – phó trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả VN và EU, EVFTA cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Và mục tiêu dành cho các doanh nghiệp đều hướng đến việc củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.

Trong đó top 5 các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có cơ hội tăng trưởng mạnh nhờ EVFTA được đánh giá rất cao là thủy sản, rau quả, đồ gỗ, giày dép và dệt may. Chẳng hạn với mặt hàng gạo, EU xóa bỏ thuế trong 3-5 năm, trong khi các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay, kể cả cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên.

Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cho biết 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ thuế ngay, số còn lại về 0% sau 3-7 năm. Theo ông Giang, EVFTA sẽ là hiệp định thương mại tác động đến phát triển của ngành dệt may VN rõ nét nhất, mở ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, điểm nghẽn của ngành dệt may hiện nay trong vấn đề nguyên liệu nguồn.

“Với trình độ công nghệ đi đầu trong lĩnh vực xanh hóa ngành dệt may, các thiết bị máy móc trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm từ EU sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận, đầu tư thiết bị trong lĩnh vực dệt, sợi. Từ đó mới giải quyết được nguồn cung vải thiếu hụt từ lĩnh vực sản xuất dệt nhuộm hoàn tất” – ông Giang nói.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương) cũng lưu ý các doanh nghiệp phải đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU, nhằm tránh nguy cơ hàng Việt bị mượn danh để xuất sang thị trường này, gây ra hệ lụy có thể bị EU áp thuế chống bán phá giá.

Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất…

Giá trị thương mại hai chiều tăng hơn 13 lần

Theo Bộ Công thương, giá trị xuất khẩu giữa VN và EU từ mức 4,1 tỉ USD vào năm 2000 đã lên đến 55,8 tỉ USD vào năm 2018. Trong đó xuất khẩu hàng hóa của VN sang EU đạt gần 41,9 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỉ USD. Về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng của năm 2019, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại VN với 3.200 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 53 tỉ USD.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều