28
category
356445

Không sợ gì chỉ sợ hàng xóm hát karaoke ngày Tết

Cánh Én 26/01/2020 11:37

“Nghe giọng hát hay thì còn thấy dễ tha thứ, chớ mà gặp người hát dở mà đam mê nữa thì thiệt chỉ muốn ‘chôn sống’ hàng xóm”, Quỳnh Như nói.

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, nghe âm thanh “alo alo 1,2,3” vang lên, Quỳnh Như tiến đến ban công đóng chặt cánh cửa như một phản xạ tự nhiên. Bởi cô biết đến hẹn lại lên, nhà hàng xóm đối diện sẽ tụ tập hát karaoke đến khuya.

“Đóng cửa cho bớt nghe thôi nhưng âm thanh vẫn rất rõ. Hết ‘Tết nay anh không thèm đốt pháo vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi’ thì đến ‘thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu’, không tập trung làm việc gì được”, Như ngao ngán.

Khi những ca sĩ bất đắc dĩ cất giọng…Như làm công việc viết lách, cô chuyển từ quận 7 (TP.HCM) sang quận Phú Nhuận được một năm nay. Khu Như ở không quá ồn ào nhưng cũng có mấy quán cafe cạnh đó. Tuy nhiên, hoạt động của các quán cafe hàng đêm vẫn không khiến cô khó chịu bằng nhà đối diện mỗi tuần sinh hoạt văn nghệ một lần.

Thường nhà đó sẽ hát karaoke vào cuối tuần, nhưng có khi họ lại đổi lịch thành một ngày bất chợt trong tuần. Mấy hôm cận Tết Nguyên đán, hàng xóm vui vẻ hơn nên sẽ hát nhiều hơn.

Khoảng 21h, dàn âm thanh được khởi động. Những “ca sĩ bất đắc dĩ” quây quần bên vài chiếc bàn ghép lại được bày ra ngay bên đường, cạnh đó là chiếc loa lớn phát âm thanh. Họ hát qua bluetooth kết nối từ điện thoại smartphone.

Khong so gi chi so hang xom hat karaoke ngay Tet hinh anh 1 karaoke1thumb_1.jpg
Nhiều người không chỉ hát trong nhà mà còn dọn bàn ghế ra giữa đường để hát karaoke. Ảnh: Thư Trần.

Đủ thể loại nhạc được bật lên, từ pop, bolero đến rock… Những giọng ca với âm lượng lớn nhất được cất lên. Những người hàng xóm của Như nhảy nhót tưng bừng để hòa theo ca khúc sôi động.

Có những ngày tinh thần vui vẻ và không phải bận bịu với công việc thì Như và 3 người bạn của cô cảm thấy bình thường. Nhưng nếu rơi vào ngày mệt mỏi, cần không gian để nghỉ ngơi, Như thật sự thấy việc hát karaoke của hàng xóm quá phiền phức.

“Thử tưởng tượng khi mình cần tập trung để viết mà âm thanh cứ oang oang bên tai, họ không chỉ hát mà còn nói, cười qua micro nữa thì rất khó chịu. Nghe giọng hát hay thì còn thấy dễ tha thứ, chớ mà gặp người hát dở mà đam mê nữa thì thiệt chỉ muốn chôn sống hàng xóm”, Như nói.

Không bị tra tấn vào đêm khuya, nhưng anh Nguyễn Văn Sang (35 tuổi, quê Long An) thường xuyên trở thành khán giả bất đắc dĩ khi thưởng thức màn karaoke xuyên trưa của nhà bên cạnh.

Đều đặn vào chủ nhật hàng tuần, không kể lễ tết, nhà hàng xóm lại tình nguyện phục vụ karaoke tại gia. Họ hát từ khoảng 11h trưa đến 3h chiều. Ba năm sống ở đây, chưa có trưa cuối tuần nào nhà anh Sang được ngủ trưa trong tĩnh lặng.

Đứa con trai của vợ chồng anh còn nhỏ nên ồn ào mấy cũng không ảnh hưởng, còn anh Sang và bà xã thì chỉ biết nằm lì chịu trận.

“Vẫn biết hát hò là nhu cầu giải trí của mỗi người, vui thì mới hát, nhưng tôi nghĩ cũng nên có chừng mực. Giờ người ta nghỉ trưa hay buổi khuya thì không nên hát vì làm ảnh hưởng đến hàng xóm. Lâu lâu một lần còn chấp nhận được chớ tuần nào cũng hát thì ai mà chịu nổi”, anh Sang bày tỏ.

Từ Gia Lai lên TP.HCM làm việc, Đỗ Mỹ Nhật (27 tuổi) cũng phải chịu sự tra tấn của những màn karaoke nhà hàng xóm mỗi khi về quê. Đặc biệt là mấy ngày cận Tết, nhà nào làm tiệc tất niên cũng hát hò tưng bừng.

“Nhậu xong, có chút hơi men là họ sẽ mở dàn karaoke lên hát. Màn hát hò kéo dài mấy tiếng đồng hồ cho đến khi tàn cuộc. Nghe ít thì còn thấy vui vui, nghe nhiều quá mà âm thanh lại lớn nữa thì đau đầu lắm”, Nhật chia sẻ.

Bi kịch từ chiếc microPhóng viên đặt câu hỏi với một trong những người thường xuyên hát karaoke tại gia về việc có cảm thấy làm phiền hàng xóm, câu trả lời nhận được là: “Chỉ là hát thôi mà, làm gì căng”.

Sẽ không có gì căng thẳng nếu việc hát karaoke có chừng mực và điểm dừng, còn không thì sẽ xảy ra những vụ việc vô cùng đáng tiếc.

Tháng 5/2019, tại Khánh Hòa, Lê Văn Quý (25 tuổi) đâm chết ông Bùi Nguyễn Quốc Hùng (53 tuổi, trú TP Nha Trang) chỉ vì người này ngồi nhậu và hát karaoke lớn tiếng.

Hay như ở Hà Tĩnh, một người đàn trung tuổi thấy nhà hàng xóm tụ tập hát quá lớn nên sang đề nghị vặn nhỏ âm thanh để người xung quanh nghỉ trưa. Thấy hàng xóm không nghe, ông này dùng dao đâm chết chủ nhà.

Khong so gi chi so hang xom hat karaoke ngay Tet hinh anh 2 karaoke2.jpg
Có nhiều vụ án mạng xuất phát từ việc hàng xóm hát karaoke quá lớn. Ảnh: Thư Trần.

Mới đây, tháng 6/2019, tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), Dương Thành Rớt (28 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) ngồi nhậu chung nhóm bạn tại bãi đất trống. Trong lúc nhậu, Rớt có thuê loa kẹo kéo đến bãi để hát karaoke vui vẻ với nhóm bạn.

Thời điểm này, anh Trần Thanh Tiến (40 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cũng mở loa hát karaoke, cách đó 20 m.

Do anh Tiến mở loa karaoke với âm lượng lớn hơn loa kẹo kéo của nhóm Rớt đang ngồi nhậu hát karaoke nên 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Án mạng xảy ra sau đó.

Đây chỉ là một vài ví dụ về những vụ án mạng xảy ra từ việc hát karaoke gây ồn ã, gây ức chế tinh thần cho người xung quanh.

Âm nhạc không có lỗi, người mê ca hát cũng không đáng trách nhưng nếu người hát chỉ biết đến bản thân mình, không quan tâm đến cảm giác những người bên cạnh thì karaoke sẽ trở thành màn tra tấn tinh thần ẩn chứa bi kịch.

Đọc nhiều