128027
category
548880

Không quân Việt Nam lột xác với chiến đấu cơ mới tinh: Nhận đủ 12 chiếc “luôn và ngay”

07/09/2021 12:00

Như vậy là niềm mong ước bấy lâu đã sắp thành hiện thực khi Không quân Việt Nam lột xác với chiến đấu cơ thế hệ mới, rất hiện đại.

Không quân Việt Nam lột xác với chiến đấu cơ mới tinh: Nhận đủ 12 chiếc "luôn và ngay"

Cách đây ít ngày, đích thân ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga chia sẻ với báo giới tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông rằng:

“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn tất việc thực hiện hợp đồng cung cấp máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 cho các đối tác Việt Nam vào cuối năm nay”.

Như vậy là niềm mong ước bấy lâu đã sắp thành hiện thực khi Không quân Việt Nam sắp tiếp nhận dòng máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện chiến đấu phản lực Yak-130. Càng vui mừng hơn nữa khi ông Dmitry Shugaev khẳng định chúng ta sẽ nhận đủ 12 chiếc “luôn và ngay” trong năm 2021 này.

Không quân Việt Nam lột xác với chiến đấu cơ mới tinh: Nhận đủ 12 chiếc luôn và ngay - Ảnh 1.
Máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực Yak-130 do Nga chế tạo.

MÁY BAY ĐÃ XUẤT XƯỞNG – PHI CÔNG VIỆT NAM HỌC CHUYỂN LOẠI

Từ nay đến cuối năm còn gần 4 tháng nữa thôi. Quãng thời gian không dài, chỉ trong chớp mắt là những chiếc máy bay Yak-130 hiện đại sẽ lần lượt được phái Nga bàn giao cho Không quân Việt Nam.

Với lộ trình như ông Dmitry Shugaev tiết lộ thì chúng ta có thể thấy 2 điều.

Thứ nhất, để chuẩn bị bàn giao, dường như hầu hết các máy bay đã hoàn tất các công đoạn chế tạo, được xuất xưởng, bay thử nghiệm thu. Chỉ khi công tác này hoàn tất thì mới tiến hành bàn giao được.

Trước khi thông tin về mốc thời gian bàn giao được hé lộ, vào tháng 10/2020, trong phóng sự phát trên Kênh truyền hình Russia 1 ghi lại chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga – Đại tướng Sergei Shoigu tới Tổ hợp chế tạo hàng không Irkutsk, hình ảnh máy bay huấn luyện – chiến đấu Yak-130 đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện.

Tại thời điểm đó, công tác lắp ráp những chiếc Yak-130 đầu tiên của Việt Nam đã gần như hoàn tất. Đến nay, sau gần tròn 1 năm, không có lý do gì mà chúng chưa được xuất xưởng để bay thử nghiệm thu.

Tuy nhiên, thông tin “hoàn tất hợp đồng” mà ông Dmitry Shugaev tiết lộ là bất ngờ lớn, đồng nghĩa với việc Nga sẽ bàn giao cho Không quân Việt Nam đủ 12 chiếc Yak-130 “luôn và ngay”.

Không quân Việt Nam lột xác với chiến đấu cơ mới tinh: Nhận đủ 12 chiếc luôn và ngay - Ảnh 3.
Một trong những chiếc máy bay Yak-130 đầu tiên của Việt Nam ở trong xưởng sản xuất. Ảnh: Russia 1.

Thứ hai, để tiếp nhận máy bay mới, lần đầu tiên có mặt trong biên chế, các phi công Không quân Việt Nam chắn chắn phải tới Nga học chuyển loại máy bay mới. Và công việc này phải được hoàn tất trước khi những chiếc Yak-130 đầu tiên được bàn giao.

Thông thường, quá trình chuyển loại máy bay chiến đấu mới thường kéo dài trong khoảng 3 đến 6 tháng.

Chưa rõ thời gian đào tạo cụ thể theo hợp đồng là trong bao lâu, nhưng với các phi công Không quân Việt Nam vốn quen thuộc với máy bay quân sự Nga, đặc biệt là trên L-39 Albatros có nhiều điểm tương đồng với Yak-130 cùng với bản lĩnh, trí tuệ và nhất là tinh thần “ham bay, say học”, chắc chắn thời gian chuyển loại cũng sẽ nhanh thôi.

Chính những phi công hạt giống này sau khi tốt nghiệp chuyển loại và huấn luyện giáo viên bay ở Nga về sẽ là nòng cốt để huấn luyện cho những lớp phi công trẻ kế cận.

Điều này chúng ta có thể thấy qua các đợt tiếp nhận tiêm kích Su-27SK một người lái và Su-27UBK 2 người lái cũng như sau này là tiêm kích đa năng Su-30MK2, từ những phi công hạt giống ban đầu, tới nay Không quân Việt Nam đã đào tạo được hàng trăm phi công để khai thác sử dụng các loại máy bay thế hệ 4 rất hiện đại kể trên.

Không quân Việt Nam lột xác với chiến đấu cơ mới tinh: Nhận đủ 12 chiếc luôn và ngay - Ảnh 4.
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: QĐND.

KHÔNG QUÂN VIỆT NAM LỘT XÁC TOÀN DIỆN

Việt Nam hiện có chủ trương đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tuy nhiên các sản phẩm quốc phòng của Nga trong tương lai vẫn sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội.

Bởi lẽ, ngoài “giá cả phải chăng, tốt, bền và hoạt động tin cậy” thì vũ khí Nga còn sở hữu nhiều lợi thế vượt trội khác ở Việt Nam đó là dễ sử dụng, bộ đội đã quen dùng từ lâu, có kinh nghiệm vận hành các vũ khí, khí tài có xuất xứ từ Nga (Liên Xô), do vậy nếu tiếp tục mua vũ khí mới cùng hệ sẽ giúp bộ đội nhanh chóng làm chủ và sử dụng có hiệu quả.

Chính vì thế, nếu Việt Nam quyết định tìm mua máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực thế hệ mới thì Yak-130 của Nga là lựa chọn hoàn toàn chính xác.

Thứ nhất, Yak-130 phù hợp với nhu cầu sử dụng. Hiện nay Không quân Việt Nam đang sở hữu tiêm kích Su-27 và Su-30MK2 do Nga chế tạo, nếu sử dụng dòng máy bay huấn luyện có cùng xuất xứ mang nhiều điểm tương đòng sẽ hết sức thuận lợi, giúp rút ngắn được thời gian đào tạo phi công, tiết kiệm được nhiều kinh phí.

Hiện Yak-130 được Không quân Nga coi là loại máy bay xương sống của các trường đào tạo phi công chiến đấu và sau đó là chuyển loại lên những dòng tiêm kích đời cao hơn như MiG-29, MiG-35, Su-30, Su-34, Su-35,… và cả tiêm kích tàng hình Su-57 tối tân nữa.

Yak-130 có thể đảm nhiệm tới 80% khoa mục huấn luyện của phi công tiêm kích trên các máy bay chiến đấu phản lực siêu âm và nó chính là một bản sao của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và thế hệ 5 của của Nga.

Do vậy, nếu trong tương lai, Việt Nam mua thêm các dòng tiêm kích hiện đại hơn từ Nga thì Yak-130 đương nhiên là lựa chọn tốt nhất để đào tạo những phi công sử dụng chúng.

Ngoài ra, khi cần, Yak-130 có thể đảm nhiệm vai trò là máy bay tiêm kích đa năng hạng nhẹ do nó được trang bị radar và hệ thống điện tử hàng không để sử dụng tên lửa có điều khiển Vikhr, tên lửa không đối không R-73 và tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser cũng như bom có điều khiển KAB-500Kr.

Thứ hai, giá hợp lý. Căn cứ vào các hợp đồng mà Nga đã ký với khách hàng nước ngoài thì hiện nay đơn giá của Yak-130 rơi vào khoảng 15-20 triệu USD/chiếc, cũng có thể cao hơn tùy theo option của đối tác về các vũ khí/khi tài đi kèm cũng như công tác bảo dưỡng, sửa chữa cung cấp phụ tùng,…

Nhưng mức giá như vậy là tương đối phải chăng, nhất là với những quốc gia có tiềm lực kinh tế và ngân sách quốc phòng còn eo hẹp như Việt Nam.

Thứ ba, tận dụng được nhiều khí tài đảm bảo sẵn có. Nếu như mua máy bay phương Tây, Việt Nam còn phải chi thêm rất nhiều để mua những vũ khí, trang bị đi kèm nhằm đảm bảo hoạt động của máy bay mới. Còn với Yak-130, ta có thể tận dụng được nhiều thứ sẵn có mà không phải mua bổ sung gì đáng kể.

Bình Nguyên

Đọc nhiều