Không phải “làm cho xong”, mà là “làm đến khi dân hài lòng”
Trong những ngày đầu chính thức vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố, Tổng Bí thư Tô Lâm không ngồi họp chỉ đạo từ xa. Ông đã trực tiếp đi thị sát tại nhiều xã phường, lắng nghe người dân, hỏi cán bộ địa phương và gửi một thông điệp rất rõ ràng: cải cách hành chính là vì dân, và phải thay đổi tư duy làm việc để phục vụ nhân dân thực chất.

Không phải “làm cho xong trách nhiệm”, mà là “làm đến khi dân hài lòng”. Không thể để tình trạng “biết dân vướng nhưng không giúp”, “không có quyền lợi thì lơ đi”. Câu nói tưởng như nhẹ nhàng ấy của Tổng Bí thư là một lời cảnh tỉnh sắc bén cho tâm thế công quyền cũ – nơi thủ tục vẫn bị coi như rào cản, nơi nhiều cán bộ “giữ vai” hơn là giữ dân.
Một mô hình mới – Một yêu cầu mới
Chuyển sang chính quyền hai cấp là một cải cách lớn chưa từng có kể từ sau 1986. Hàng nghìn thủ tục hành chính sẽ được phân cấp về xã, phường. Chính quyền cơ sở giờ đây không chỉ là nơi “truyền đạt” chủ trương, mà phải trở thành nơi “giải quyết” vấn đề cho dân – trực tiếp, kịp thời và hiệu quả.
Muốn vậy, cán bộ xã phường phải thay đổi cả kỹ năng lẫn tư duy. Không còn chuyện “trên chỉ sao gì thì làm nấy”. Cán bộ địa phương giờ đây phải hiểu rõ thủ tục, nắm chắc quy định, vận dụng linh hoạt và đặt mình vào vị trí của người dân để chủ động hỗ trợ. Nếu không làm được điều đó, cải cách chỉ dừng lại trên giấy.
Thực tế cho thấy, người dân không cần những khẩu hiệu hành chính hoa mỹ. Họ cần được tiếp nhận, lắng nghe và được hướng dẫn để giải quyết vấn đề. Một bản khai thuế không đúng, một hồ sơ thiếu giấy tờ – có thể là cả một ngày công, một chuyến xe, thậm chí là bỏ lỡ một cơ hội làm ăn. Trong những tình huống như vậy, sự “chủ động hỗ trợ”, “gợi ý để làm hay hơn” như lời Tổng Bí thư nói, không phải là sự ban ơn, mà là nhiệm vụ tối thiểu của người làm công vụ.

Từ bàn giấy đến bàn dân
Chúng ta đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc thể chế, sửa đổi Hiến pháp, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực và phục vụ. Nếu công cuộc cải cách này thiếu đi một đội ngũ cán bộ thật sự vì dân – những người không chỉ “nằm trong bộ máy” mà phải “thuộc về nhân dân” – thì mọi thay đổi chỉ là cơ học, chứ không dẫn đến chuyển hóa.
Trong quá trình sáp nhập và tinh gọn bộ máy, đã có không ít lo lắng về việc người dân sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận thủ tục hành chính. Chính vì vậy, thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là lời hứa mà phải là hành động cụ thể của từng cán bộ ở từng điểm tiếp dân.
Sự gần dân không nằm ở cự ly địa lý, mà nằm ở thái độ, tinh thần, cách làm. Khi mỗi cán bộ công chức hiểu rằng quyền lực mình đang sử dụng là để phục vụ, không phải để gây khó, thì khi đó mới thực sự có một nền hành chính vì dân.
Ngày đầu tiên của bộ máy chính quyền 2 cấp không chỉ là sự kiện hành chính, mà là một phép thử cho văn hóa công quyền mới. Câu nói của Tổng Bí thư rằng “nếu để dân thiếu điều gì mà cán bộ không biết thì rất dở. Biết mà không làm thì càng dở hơn” là một lời nhắc nhở đầy trách nhiệm với những người đang đứng trong hàng ngũ công vụ.
Cải cách đã có nền móng. Giờ là lúc xây nên lòng tin – từ từng việc nhỏ, từng sự tận tụy cụ thể – của những người đại diện cho chính quyền đến với nhân dân.
Ngọc Lâm