7
category
424849

Không phải là Napoleon hay Zhukov mà ông là tướng Giáp của Việt Nam

31/08/2020 12:10

Nhiều người nói không thể đưa Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào danh sách các vị tướng tài ba nhất của nhân loại vì ông không phải là một vị tướng “đem quân đi đánh đất người”. Trong hầu hết các bảng xếp hạng danh tướng, đại đa phần đều là những vị tướng đem quân đi chinh phạt hoặc chiến đấu tại những chiến trường xa xôi và điểm chung là họ đều là những danh tướng của các cường quốc cả.

Tướng Giáp là người khởi nguồn cho một thế hệ những vị tướng “tinh anh” của Việt Nam.

Trong phóng sự “Perspective on Vo Nguyen Giap” của CNN, một người xem bình luận: “Không thể mang tướng Giáp ra so sánh với Napoléon vì tướng Giáp không tàn nhẫn như Napoléon”. Cũng đúng, vì thiên tài quân sự người Pháp được biết đến với tư cách là một vị tướng chiến trường chinh phạt các vùng đất, còn tướng Giáp thì chỉ quan tâm đến độc lập, tự do của Việt Nam. Và vị tướng không bằng cấp này dành cả đời để làm việc đó.

Tướng William C. Westmoreland, một vị tướng 4 sao của quân đội Hoa Kỳ, từng kinh qua chiến tranh Thế giới thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và có thời điểm từng là Tư lệnh của Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, cho rằng tướng Giáp là một vị tướng thành công nhờ vào việc “coi thường tính mạng của binh lính”.

Cũng một quan điểm gần giống như vậy, một phóng viên của CNN đã cho rằng tướng Giáp đã “ném xác bộ đội giải phóng vào người Pháp và người Mỹ”. Phóng viên này đã đưa ra thông tin rằng có khoảng 2,5 triệu người Việt thiệt mạng trong thời kỳ mà tướng Giáp tại vị.

Căn nguyên của câu nói này có lẽ bắt nguồn từ chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi mà thực dân Pháp “chết dí” và trở thành quốc gia thực dân phương Tây đầu tiên bại trận ở châu Á. Tại Điện Biên Phủ, đã có hơn 4000 lính Việt Minh hi sinh, gấp đôi con số lính Liên hiệp Pháp tử trận. Rồi sau đó, trải qua những năm tháng chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, số lượng quân giải phóng hi sinh luôn nhiều hơn so với lực lượng quân đội VNCH, Mỹ và đồng minh. Thiệt hại nhiều hơn và giành chiến thắng, vẫn hơn thiệt hại ít hơn mà thất bại. Vì cái đích cuối cùng của mọi cuộc chiến đều là chiến thắng.

Mặc dù tướng William C. Westmoreland đã có những trận thắng tại châu Âu hay Triều Tiên, nhưng tại Việt Nam, ông lại thất bại và bị hất cẳng vào giữa năm 1968. Có lẽ vì thất bại cay cú tại Việt Nam, vị tướng này khẳng định rằng: “Bất cứ tướng Mỹ nào chịu tổn thất nhiều như thế sẽ không giữ được chức trong vòng ba tuần”. Có lẽ vị này đã quên bẵng đi trận Normandy do tướng Dwight D. Eisenhower làm Tổng tư lệnh. Tại trận đánh đổ bộ lớn nhất lịch sử thế giới từ trước đến nay, đã có hơn 45 ngàn binh lính quân đồng minh tử vong, trong đó có 29 ngàn lính Mỹ. Còn ở quân đội phát xít, con số tử vong chỉ phân nửa, vào khoảng 23 ngàn. Nếu xét về số lượng khí tài, thì quân đồng minh thiệt hại cũng chịu thiệt hại gấp đôi so với quân đội phát xít Đức. Nếu chiếu theo lời của tướng Westmoreland, thì có lẽ tướng Eisenhower là một vị tướng bất tài và sẽ bị mất chức, nhưng có lẽ là không, vì tướng Eisenhower đã trở thành Tổng thống Mỹ sau đó.

Tướng William C. Westmoreland cần biết rằng, ông đã sử dụng gần như mọi vũ khí hiện đại nhất tại chiến trường Việt Nam – thứ duy nhất mà ông không được đụng tới đó là bom nguyên tử. Nhà sử học Stanley Karnow cho rằng, nếu người Mỹ trang bị thiếu thốn như người Việt thì người Mỹ sẽ chịu nhiều tổn thất hơn.

Cơ bản, hệ quy chiếu của người Mỹ không giống như người Việt. Trong khi người Mỹ đến Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh, lập ra một chính quyền thủng thẳng và như tướng Westmoreland, họ nghĩ rằng họ sẽ dễ dàng chiến thắng tại Việt Nam. Còn người Việt thì sao? Họ mưu cầu hòa bình, độc lập và tự do và tướng Giáp là một trong những “người truyền ngọn lửa” đó. Vì thế, người Mỹ luôn nghĩ đến thiệt hại mà họ phải chịu, còn người Việt, chết với họ là điều gì đó bình thường.

Sống mà nô lệ, đó mới là bất thường

Người đời có câu “sống bằng niềm tin”, điều đó hoàn toàn đúng. Vì nếu không có niềm tin, thì người Việt không thể đánh bại được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Người Việt sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng, nhưng người Pháp và người Mỹ lại không. Người Mỹ từng đặt câu hỏi rằng tại sao Việt Nam chấp nhận phải trả một cái giá quá đắt, đó là hàng triệu người thiệt mạng để độc lập tự do? Đó là vì “người Mỹ không hiểu người Việt Nam”.

Lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ không quên vị tướng tài ba này.

Tướng Giáp là người như thế nào? Một thầy giáo dạy Sử ra sao, có bao nhiêu kinh nghiệm quân sự? Mà lãnh đạo một đội quân “tí hon”, từ mấy mươi người trở thành một đội quân hàng triệu người.

Tướng Giáp là người như thế nào? Có phải là như Napoléon Bonaparte hay không? Người Pháp tự hào về Napoléon Bonaparte, người Nga tự hào về Zhukov thì người Việt hoàn toàn tự hào về tướng Giáp.

Tướng Giáp là người như thế nào? Mà khiến cho hàng triệu người rơi nước mắt, ở Hà Nội, ở Quảng Bình và bất cứ nơi đâu tại Việt Nam.

Tướng Giáp là người như thế nào? Là người cùng với tướng Lê Trọng Tấn, là Lê Trọng Giáp trong truyện tranh Marvel. Là người đã đánh bại Nick Fury và Punisher.

Tướng Giáp là người như thế nào? Là vị tướng đã từng bị khinh bỉ vì ông chẳng theo học bất cứ trường lớp đào tạo về quân sự chuyên nghiệp nào. Thậm chí việc bổ nhiệm ông khiến cho quân đội Liên hiệp Pháp đã nghĩ về một chiến thắng dễ dàng. Nhưng rồi mọi sự thế nào? Có lẽ là như câu nói trong mẩu quảng cáo huyền thoại của hãng bia Saigon: “Có thể bạn không cao, nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”. Với tướng Giáp, đó là: “Có thể không cần học cao, nhưng vẫn khiến những người học cao bại trận”; “Chúng tôi đã làm được một cái việc. Người ta cho là không làm được. Một cái việc, là tưởng như là huyền thoại nhưng mà nó thành sự thực. Nếu mà có sự quyết tâm lớn, không có gì quý hơn độc lập tự do”. Thật may, vì đất nước có tướng Giáp, người khởi nguồn cho một thế hệ những vị tướng “tinh anh”.

Tifosi

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

 

Đọc nhiều