Không nên để dự án ‘siêu lầy’ Cát Linh – Hà Đông thêm lỡ hẹn
Các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc của đường sắt Cát Linh – Hà Đông giúp dự án vận hành vào cuối năm nay, “không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân”.
Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.
Xây dựng chiến lược giảm hậu quả bão lũ
Đăng ký tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại. Bão lụt ngày càng nặng nề hơn.
“Trở về từ miền Trung tuần qua, tôi càng thấu hiểu tình cảm của cả nước với khúc ruột yêu thương này. Nhưng thảm họa có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S, nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép dự án khởi công ở lõi rừng. Nếu thủy điện cóc vẫn được duy trì, thậm chí là cấp phép mới, sẽ còn xảy ra những trận lụt lịch sử tang thương nữa”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Vì vậy, ông đề nghị phải thay đổi cách làm và nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Vì thay đổi trên văn bản chỉ đạo, nghị quyết đã làm rồi, nhưng thay đổi tư duy thì không dễ. Đơn cử nhiều người vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp; cầu thang trong nhà làm bằng gỗ lim, hay sến, táu… rồi tự huyễn hoặc là gỗ này nhập từ Lào, Campuchia, chứ không phải phá rừng ở Việt Nam.
Tin tưởng với truyền thống nhân ái, Việt Nam có nhiều người đầy lòng trắc ẩn như vợ chồng Công Vinh và Thủy Tiên, nhưng ông Hiếu lo ngại bão lụt sẽ còn xảy ra. Việt Nam không thể dùng lòng tốt khắc phục hậu quả từ năm nay sang năm khác, mà cần phải có chiến lược lâu dài giảm hậu quả nặng nề của bão lụt.
“Chiến lược đó phải được bàn bạc ở cấp quốc gia với sự tham gia của chuyên gia nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế họ xây các đập thủy điện mới hoặc vận hành các đập thủy điện đã có. Hoặc những vấn đề cụ thể như cập nhật bản đồ sạt lở ở các địa phương, xây nhà chống lũ; đầu tư hệ thống cảnh bão lũ sớm, trang thiết bị cứu hộ, xây khu tập trung người dân khi có bão lũ.
“Có vậy thì người dân, nhất là người nghèo, yếu thế và lực lượng công an, quân đội tránh được tổn thất, hi sinh vô cùng đau xót”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
“Đồng bằng sông Cửu Long quá ít cao tốc”
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nêu ý kiến, hơn 10 năm qua, phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long “quá chậm và khiêm tốn”. Hiện khu vực này mới có 41 km cao tốc TP HCM – Trung Lương, đang làm thêm 52 km Trung Lương – Mỹ Thuận và 23 km Mỹ Thuận – Cần Thơ. Khi hoàn thành, cả vùng chỉ có 115 km đường cao tốc, quá ít so với đóng góp 13% GDP cả nước.
Đại biểu Xuân đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực hợp lý, đặt mục tiêu rõ ràng để phát triển hạ tầng giao thông khu vực. Chính phủ phải đặt mục tiêu đến năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bao nhiêu km đường cao tốc, là 250 hay 300 km.
Ông Xuân cũng cho rằng cần xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm tới theo nghị quyết 120 về phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long gắn với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp không giúp quốc gia giàu lên, nhưng luôn là bệ đỡ giúp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp tại khu vực này hiện nay còn quá thấp, vai trò trụ đỡ của ngành có thể không đạt được nếu kéo dài tình trạng như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: ‘Phục hồi rừng tự nhiên phải từng bước’
Giải trình ý kiến đại biểu về vấn đề giữ rừng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói hiện Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng 4,3 triệu ha.
Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ là 27%. Trong vòng 30 năm, GDP của đất nước còn thấp, nhưng Việt Nam đã nâng lên được 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%. “Được như vậy là sự cố gắng vượt bậc của của hệ thống chính trị và toàn dân”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Cường, với 4,3 triệu ha rừng trồng, Việt Nam đã xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp với 4.600 doanh nghiệp chế biến; năm 2020 xuất khẩu tới 13 tỷ USD lâm sản.
Về rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng Cường, Chính phủ luôn có chính sách cho những người dân tham gia giữ rừng, chế độ ngày càng tăng lên; trước đây khoán 50.000 đồng mỗi ha, đến nay nâng lên 250.000 đồng.
Về chính sách chi trả môi trường rừng, nhờ xã hội hóa, mỗi năm Việt Nam thu được 3.000 tỷ đồng. Tháng 10 vừa qua, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký kết thỏa thuận cắt giảm phát thải carbon và giảm phá rừng. Việt Nam dự kiến sẽ giảm phát thải 10,3 triệu tấn khí CO2 ở sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và qua đó nhận được 51,5 triệu USD
Theo ông Cường, trong 30 năm qua rừng tự nhiên không thể phục hồi như trước đây, một phần do bị tán phá bởi chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh. “Muốn phục hồi rừng phải phải từng bước”, ông nói.
Đề xuất quan tâm hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đợt mưa lớn, nước biển dâng vừa qua cho thấy sự yếu kém về cơ sở hạ tầng tại khu vực đồng bằng sông Cửu long, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hàng trăm, hàng nghìn phương tiện chết máy, những học sinh áo trắng tinh khôi bì bõm trong nước ngập sâu.
Ông Hận kiến nghị nâng cao đường giao thông, xây dựng các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu như cầu cạn; nhanh chóng đưa vào sử dụng các đường cao tốc, như Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, quốc lộ 63.
Ngoài ra, đại biểu Hận đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, nâng cấp sân bay, đầu tư cảng nước sâu Cà Mau.
Cần rút kinh nghiệm về các đường sắt đô thị chậm tiến độ
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, Hà Nội và TP HCM đang trở thành các siêu đô thị mỗi nơi 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng, tăng dân số cơ học mỗi năm khoảng 200.000 người gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Đơn cử như báo cáo của TP HCM cho thấy thiệt hại mỗi năm do ùn tắc giao thông của thành phố khoảng 6 tỷ USD.
Việc xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp mang tính then chốt của cả hai thành phố. Hiện một số tuyến đã được triển khai, tuy nhiên đều gặp vấn đề chung là dự án lớn, vốn đầu tư hàng tỷ USD nhưng chậm tiến độ, đội vốn, nhiều lần gây bức xúc dư luận. Chẳng hạn như dự án Bến Thành – Suối Tiên (TP HCM), Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).
“Cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để các dự án sau không lặp lại điều này”, ông Thường nói.
Đại biểu Phi Thường đề xuất, quy hoạch đường sắt đô thị phải gắn kết với không gian và đời sống đô thị. Bởi TP HCM và Hà Nội hiện nay đang không được thiết kế theo định hướng đô thị giao thông công cộng, mà phát triển chủ yếu theo các phương tiện cá nhân với mật độ đường rất thấp. Cảnh quan vỉa hè, nhà phố và xe máy là đặc trưng của đô thị Việt Nam. Xe máy đang chiếm vị trí lớn trong giao thông và sẽ cạnh tranh quyết liệt với đường sắt đô thị.
Để các dự án đường sắt đô thị phát huy hiệu quả phải có lượng người đi lớn. Bởi vậy, các tuyến đường sắt chỉ là một phần thu hút người đi lại, phần quan trọng khác là các tiện ích xung quanh như bãi gửi xe cá nhân, chung cư, cao ốc, văn phòng. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị phải gắn với tái cấu trúc không gian đô thị, “đo ni đóng giày” cho từng tuyến.
Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách đầu tư đường sắt đô thị gắn với tái cấu trúc đô thị như phát triển hai bên bờ sông Hồng (Hà Nội) và sông Sài Gòn (TP HCM).
Hiện nay mỗi tuyến đường sắt đô thị do một nhà thầu với công nghệ khác nhau triển khai. Việt Nam cần sớm yêu cầu chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt đô thị; nghiên cứu mô hình chính sách phát triển đường sắt đô thị tư nhân như Nhật Bản.
Về đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Thường bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc để cuối năm nay vận hành, không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân”.
“Cần đánh giá, rút kinh nghiệm về việc vay ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay. Và việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi xây toàn tuyến chứ không phải một đoạn tuyến”, ông Thường nói.
Đồng ý chưa tăng lương cơ sở
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, nói do ảnh hưởng của Covid-19 và hạn hán, mưa lũ, năm 2020 có thể hụt thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong 8 giải pháp Chính phủ đưa ra, chưa có giải pháp với khoản chi mang tính cấp bách để khắc phục sau hạn hán, lũ lụt, đảm bảo giao thông, an ninh quốc phòng.
Do thu chi ngân sách thời gian tới rất khó khăn, ông Hải đề nghị Chính phủ quyết liệt truy thu những người nợ thuế, đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế.
“Chưa đến mức phải thắt lưng buộc bụng nhưng cần xây dựng kịch bản cho nhiều tình huống khác nhau”, ông Hải nói và thống nhất chưa tăng lương cơ sở năm 2021 để dành nguồn lực phát triển kinh tế.
Đề nghị quản lý chặt chẽ nông sản vào thành phố lớn
Đại biểu Trần Văn Cường phản ánh, qua tiếp xúc cử tri, ông được biết việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra phức tạp. Nhiều phân bón giả, cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng vẫn được đưa ra dùng, việc lạm dụng phân bón diễn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo ông, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh nền nông nghiệp chất lượng mà đất nước đang cố gắng triển khai thời gian qua.
Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vừa qua đã ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép và cấm sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp có khoảng 1.795 loại chất. Dù các ngành chuyên môn tăng cường quản lý, nhưng với số lượng lớn như trên, lực lượng có hạn, việc kiểm tra thuốc lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, ông Cường kiến nghị cần có sự đồng bộ giữa các ngành trong việc kiểm soát các loại hóa chất độc hại trên thị trường; tăng cường chế tài đối với các vi phạm, bao gồm việc kinh doanh phân bón giả. Ông nói, cần thí điểm việc truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng các mặt hàng nông sản vào thành phố lớn; ban hành chế tài bảo đảm thực thi trách nhiệm cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
“Phải mạnh dạn giúp người dân thay đổi nhận thức, giữ gìn cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên cho thế hệ tương lai”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Đề xuất phát triển mô hình Spin-off
Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị xây dựng chính sách để phát triển mô hình Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off) tại các trường đại học của Việt Nam.
“Spin-off” là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học để thương mại hóa các công nghệ nghiên cứu tại trường. Mô hình này đã thành công tại nhiều trường học lớn trên thế giới, hàng năm tạo ra khoảng 100-200 doanh nghiệp với doanh thu lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình “Spin-off” chưa được chú ý.
Để khai thác tiềm năng của mô hình này, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề xuất rà soát văn bản dưới luật, xây dựng các quy định hướng dẫn, vận hành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Đồng thời, các cơ quan, trường đại học cần quy hoạch, dự báo các xu hướng công nghệ, giải quyết bài toán lõi trong việc xây dựng các doanh nghiệp Spin-off. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình này cũng cần gắn với xây dựng chính sách thu hút các nhà khoa học, bổ sung mới các nhà khoa học Việt kiều.
5 nhóm vấn đề đặt lên bàn nghị sự
Trong phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021, bao gồm các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nhóm vấn đề thứ hai về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: Phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.
Thứ ba, kết quả thực hiện nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Thứ tư, dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2021-2025.
Thứ năm, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An).
Trong phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là phòng chống dịch bệnh hiệu quả và nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu năm 2021, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.