Không một ai là ngoại lệ
Trong 2 ngày 10/12 và 11/12 đã diễn ra nhiều vụ xét xử các cựu quan chức Nhà nước cấp cao. Dù đã từng đảm nhiệm chức vụ nào, có đóng góp ra sao thì khi vi phạm Pháp luật vẫn xử lý theo quy định. Điều này thể hiện tính công bằng của những người lãnh đạo, sự nghiêm minh của Pháp luật nước ta.
Liên quan đến các vụ án trong hai ngày gần đây, bị cáo mỗi người mỗi tội danh khác nhau nhưng đều là những cán bộ cấp cao có địa vị, có học thức. Chính vì thế mà công tác đấu tranh, thu thập chứng cứ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chính sự quyết tâm của cơ quan chức năng, toàn bộ sự thật đã được điều tra và xử lý theo đúng quy định. Dù hành vi có tinh vi thế nào thì các bị cáo đều phải cúi đầu nhận tội vì chứng cứ quá rõ ràng. Điều này chứng tỏ công tác điều tra từ phía công an đã mang lại kết quả và chứng minh được tính minh bạch của Pháp luật Việt Nam. Theo dõi các phiên xét xử, chúng ta sẽ càng nể phục tính công bằng của luật pháp: có thưởng – có phạt. Dù luật sư của các bị cáo đều đưa ra rất nhiều tình tiết có thể giảm nhẹ án nhưng HĐXX đã cân nhắc và lựa chọn khung hình phạt phù hợp nhất. Ví dụ như trường hợp của cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm. Mặc dù đưa ra rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng xét về tình về lý ông vẫn có khả năng sẽ chịu mức án 10 năm tù.
Là một bác sĩ và thường được ví von “lương y như từ mẫu” nhưng lại làm ra chuyện trái lương tâm. Trong khi cả xã hội đang cùng chung tay phòng chống đại dịch thì bị cáo lại ngang nhiên nâng khống giá máy xét nghiệm để trục lợi bất chính. Hành vi này đã bị lên án gay gắt và gây căm phẫn đối với người dân cả nước. Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng mà sự việc đã được “đem ra ánh sáng”. Giúp nhân dân lấy lại công bằng, tăng cường niềm tin vào chính sách của Nhà nước.
Mặc dù ông Chung, ông Cảm hay ông Hiến đều là những cán bộ lão thành, có nhiều đóng góp to lớn. Nhưng không thể vì những lý do này mà châm chước bỏ qua sai phạm. Là một cán bộ Nhà nước, lẽ ra họ phải là những người hiểu rõ về Pháp luật và các quy định Nhà nước. Nếu đã biết sai mà còn vi phạm thì phải càng phạt nặng để răn đe nhiều trường hợp tương tự. Pháp luật quy định ra nhằm bảo vệ công bằng, lẽ phải nên việc xử lý nghiêm các cán bộ quan chức cấp cao sẽ càng thể hiện tính công bằng, nghiêm minh của Pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, trước đó đã có các vụ án liên quan đến nhiều cán bộ Nhà nước vi phạm Pháp luật và đã bị xử lý rất nghiêm khắc. Tiêu biểu là vụ xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… Việc xử lý cán bộ có vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất quyết liệt. Phạm vi rất rộng, trong cả nước, từ Trung ương tới địa phương, từ cán bộ cấp cao đến cán bộ cơ sở có vi phạm đều bị xử lý. Nếu vi phạm nhẹ có thể khiển trách, điều chuyển công tác, cắt chức.. Còn vi phạm liên quan đến Pháp luật thì đều xử lý theo đúng quy định, không phân biệt chức vụ.
Nhìn lại những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân suốt những năm qua trong công tác đấu tranh chống tiêu cực đã có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể. Tình trạng tiêu cực ở một số cấp lãnh đạo được phơi bày ra ánh sáng. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, lạm dụng chức vụ, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được điều tra và tiến hành khởi tố. Điều đó càng khẳng định quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch của chúng ta. Đồng thời khẳng định lòng tin của nhân dân vào bộ máy lãnh đạo ngày càng lớn mạnh. Một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà nước ta: Làm tốt thì biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình; vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó, không có “vùng cấm”, hoặc ngoại lệ. Quan trọng nhất là trong thời gian sắp tới, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ. Bởi không chỉ có việc phải trị tôi nghiêm minh mà còn phải có biện pháp ngăn ngừa tội phạm hiệu quả. Có như thế mới nhanh chóng tiến tới một bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Như Yên
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả