Không kỷ luật học sinh quay video cô giáo túm áo, kéo lê nữ sinh: Một kết luận đã khẳng định lẽ phải

Đông Duy 04/10/2023 12:02

Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan công an, tính đến thời điểm hiện tại, Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) chưa có học sinh nào vi phạm luật an ninh mạng, nhà trường cũng không xử phạt học sinh quay, phát tán video cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh.

Trường THPT Đa Phúc.
Trường THPT Đa Phúc.

Chiều tối 3/10, ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) cho biết, theo kết luận sơ bộ của công an, tính đến thời điểm hiện tại, không có học sinh nào vi phạm Luật An ninh mạng.

Cũng theo vị hiệu trưởng, nhà trường cũng sẽ không xử phạt học sinh quay, phát tán video cô giáo N.T.P túm cổ áo, kéo lê học sinh xảy ra vào ngày 29/9 vừa qua.

Trước đó, đêm 29/9, một video được chia sẻ trên diễn đàn học sinh Hà Nội gây xôn xao, thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác. Clip ghi lại hình ảnh cô N.T.P – giáo viên Trường THPT Đa Phúc – có hành vi túm cổ áo, kéo lê học sinh trước cửa lớp.

Nguyên nhân của sự việc xuất phát từ việc em học sinh mua bánh sinh nhật không đúng theo yêu cầu của cô chủ nhiệm. Cô giáo này đã bị đình chỉ công tác và đợi hình thức xử lí sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Nói về hành động của cô giáo, ông Nguyễn Duy Hiền cho hay, việc làm của cô P. là vi phạm đạo đức nhà giáo, không đúng chuẩn mực sư phạm, chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Bên cạnh quyết định nhận được sự đồng tình của Hiệu trưởng trường Đa Phúc, kết luận của cơ quan điều tra cũng là điểm nhấn cần được chúng ta nhớ đến, bởi đó là nền tảng để xác định một cách toàn diện vụ việc. Và như chúng ta đã thấy, kết luận “không có học sinh nào vi phạm Luật An ninh mạng” là câu trả lời rõ ràng nhất.

Kết luận đó không chỉ nói lên sự công bằng của Luật An ninh mạng nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung, mà còn là sự bảo vệ cao nhất đối với quyền và danh dự của người học sinh, bao gồm cả học sinh là nạn nhân của hành vi trên và những học sinh đã ghi hình vụ việc. Nó đã trực tiếp dẫn đến quyết định không kỷ luật và là một sự thể hiện đúng đắn của quyền công bằng và quyền tự do cá nhân.

Hơn nữa, quyền và danh dự của học sinh cũng liên quan chặt chẽ đến quá trình học tập và phát triển cá nhân. Môi trường học tập cần phải được tạo điều kiện cho học sinh tự do thể hiện ý kiến, tư duy sáng tạo và tự tin trong việc học tập. Việc không áp dụng biện pháp kỷ luật không chỉ bảo vệ quyền và danh dự của học sinh mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các em.

Luật pháp đã đứng về lẽ phải.

Đông Duy

Đọc nhiều