425
category
478657

Không internet, không máy tính, làm sao học trực tuyến?

22/02/2021 07:45

Mỗi ngày, cứ đến buổi học theo thời khóa biểu là Hoài Nam, sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chuẩn bị cặp sách để đi học trực tuyến.

Không phải học sinh nào cũng có điều kiện về máy tính, internet để tham gia học trực tuyến /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Không phải học sinh nào cũng có điều kiện về máy tính, internet để tham gia học trực tuyến

Nhưng quãng đường 10 km của Nam không phải từ nhà trọ đến giảng đường mà từ căn nhà khuất sau núi của mình ở tỉnh Đắk Lắk đến một quán cà phê trong thị trấn.

Hỗ trợ sinh viên học lại khi trở lại trường

Sở dĩ Nam phải di chuyển như vậy vì khi dịch Covid-19 bùng phát lại trong thời gian vừa qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã quyết định chuyển từ học tập trung sang học trực tuyến trong vòng 2 tuần. Nhưng nhà Nam lại ở khu vực hẻo lánh, chưa có đường truyền internet, sóng điện thoại cũng rất chập chờn. Không còn cách nào khác, mỗi lần đến giờ học, Nam phải đi ra quán cà phê để dùng mạng wifi của quán.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trong mỗi đợt học trực tuyến từ năm ngoái đến năm nay, ông đều nhận được báo cáo về các trường hợp khó khăn về máy tính hoặc đường truyền internet như vậy. Ở các tỉnh đồng bằng, điều kiện về đường truyền internet khá tốt nhưng sinh viên (SV) ở các tỉnh miền núi xa xôi thì lại khá khó khăn. Nhà trường sẽ hỗ trợ SV học lại, thi lại nếu gặp bất cứ vấn đề nào.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết SV gặp khó khăn về đường truyền internet do nhà ở vùng sâu, vùng xa, trường sẽ cho đăng ký học phần để học lại khi học tập trung. Nếu SV không thể tham gia thi trực tuyến thì có thể đăng ký thi lại.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mỗi lần tổ chức học trực tuyến, với số lượng SV đông đảo, sẽ luôn xảy ra một số trường hợp SV không có máy tính hay điện thoại thông minh, ở vùng khó khăn, không có đường truyền internet, thậm chí sóng điện thoại chập chờn, không thể tham gia học. Theo đó, một số trường hợp SV ở vùng không có sóng điện thoại, đường truyền internet hoặc thiết bị máy tính thì sẽ gửi thư về nhà trường, trường sẽ tổ chức dạy bù cho SV khi quay lại trường học tập trung.

Học sinh đến trường để… học trực tuyến !

Ở bậc tiểu học hay phổ thông, việc học trực tuyến cũng gặp khó khăn tương tự khi bố mẹ không có điều kiện cho con tham gia các lớp học vì thiếu máy tính hoặc không có internet tại nhà.

Ngay trong hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện việc giảng dạy trực tuyến trong thời gian học sinh (HS) ngừng học tập trung tại trường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu, tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường và HS, giáo viên có thể sử dụng nhiều biện pháp, ứng dụng khác đáp ứng được nhu cầu học tập, rèn luyện kiến thức của HS. Đối với các địa phương, các khối lớp còn khó khăn thì giáo viên có thể xây dựng, thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, các phương tiện khác hoặc in sao trên giấy và gửi đến cho phụ huynh HS.

Chẳng hạn tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), giáo viên chủ nhiệm của từng lớp đã kết nối, tìm hiểu, nắm bắt thông tin những HS không thể học trực tuyến. Lãnh đạo trường này cho biết, trên cơ sở thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, nhà trường sẽ đề nghị giáo viên bộ môn soạn bài, in sẵn tài liệu, phụ huynh HS có thể đến trường nhận tài liệu về cho con em học. Sau khi trở lại trường, giáo viên sẽ sắp xếp thời gian để giải đáp thắc mắc cho học trò nếu có nhu cầu.

Kế hoạch của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) cũng đưa ra phương án với HS không có điều kiện cơ sở vật chất tham gia học trực tuyến thì các tổ chuyên môn xây dựng những bài giảng gửi cho HS.

Trung tâm GDTX Chu Văn An là nơi có nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn so với các trường khác tại TP.HCM. Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm, cho biết trường đã triển khai các công việc để giảng dạy trực tuyến và sẽ bắt đầu học từ ngày 22.2. Tuy nhiên, tại trung tâm có những HS không đủ điều kiện tham gia lớp học khi ở nhà nên vẫn phải chuẩn bị tất cả phương án hỗ trợ. Trong ngày 18.2, mỗi HS sẽ sử dụng tài khoản của mình để đăng nhập, tham gia vào các lớp với giáo viên chủ nhiệm. Những HS nào không có máy tính, không có đường truyền internet sẽ đăng ký với giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, giáo viên sẽ gọi điện cho phụ huynh xác nhận, đề nghị phụ huynh làm đơn xin học tại trường cho HS.

Theo ông Hoàng, với những HS này, trường sẽ mở 4 phòng máy tính để HS đến trường tham gia học trực tuyến. HS sẽ ngồi giãn cách theo đúng khoảng cách an toàn.

HS ở nông thôn sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến so với HS tại các thành phố lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (TX.Gò Công, Tiền Giang), nếu HS nào gặp khó khăn về máy tính, điện thoại thông minh, internet thì trường sẽ cho học nhóm khoảng 2 – 3 em. Nếu không, trường sẽ sử dụng phòng máy tính để HS đến trường học với số lượng hạn chế.

Nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đơn vị tích cực hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đồng thời, làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông… phục vụ cho hoạt động dạy và học; có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, HS các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

Không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến

Ngày 21.4.2020, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có tuyên bố cho biết trên 43% thanh thiếu niên không được tiếp cận internet tại nhà. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 826 triệu HS, SV không có máy tính và khoảng 706 triệu người không được tiếp cận internet vào thời điểm học trực tuyến là lựa chọn duy nhất khi nhiều trường học tại 191 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới đóng cửa vì dịch Covid-19.

Trong tuyên bố, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng việc dạy và học không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến mà nên ủng hộ những phương án khác, trong đó có phương tiện phát thanh và truyền hình, cũng như sự sáng tạo trong mọi phương thức học tập.

Đăng Nguyên/ TNO

Tags :
Đọc nhiều