‘Không để Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận’
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc cấp C/O phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tuy vậy, không để bị lợi dụng, biến Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận.
Chiều 15/11, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ. Buổi làm việc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng không để bị lợi dụng
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín hàng Việt Nam và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
“Chúng ta phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng tránh để lợi dụng việc cấp C/O để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, chân chính rất quan tâm vấn đề này”, Bộ trưởng Dũng nói.
Đồng thời, không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận. Bộ trưởng Dũng lấy ví dụ mặt hàng A nhập về Việt Nam thuế suất 0%, sau đó sang nước thứ ba không phải chịu thuế, trong khi nếu đi từ nước xuất khẩu mặt hàng A cho Việt Nam sang nước thứ 3 sẽ phải chịu thuế 25%.
“Trừ chi phí đóng gói, vận chuyển thì vẫn còn 20%. Nếu chúng ta không siết thuế ngay từ Việt Nam, cái ông làm dối sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường của ta”, ông Dũng nói.
Hiện nay, có 2 hình thức gian lận là gian lận xuất xứ ưu đãi (C/O do Bộ Công Thương cấp) để hưởng ưu đãi thuế quan và gian lận xuất xứ không ưu đãi (C/O do VCCI cấp) để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, lừa dối người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cần kịp thời phát hiện các bất cập, vướng mắc về thể chế, chính sách trong thực thi công vụ để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu cụ thể với các bộ, cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
“Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Dũng nhấn mạnh.
Không điều hành theo kiểu giật mình, hốt hoảng trong công tác cấp C/O
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ. Kết quả xác minh cũng cho thấy các lô hàng được cấp C/O Việt Nam đều đáp ứng điều kiện được cấp C/O.
Theo ông Khánh, tình trạng doanh nghiệp làm giả C/O để gian lận xuất xứ là vẫn có, tuy nhiên, không có chuyện Việt Nam tham gia các FTA đã làm gia tăng gian lận xuất xứ hàng hóa.
“Chỉ khi nào chênh lệch thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và nước khác rất lớn, nguồn lợi bất chính thu được là đủ lớn thì mới dẫn đến câu chuyện gian lận xuất xứ”, ông Khánh nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần phân biệt rõ gian lận xuất xứ và lẩn tránh. Trong một trường hợp, hàng hóa không gian lận xuất xứ nhưng vẫn có thể bị đánh thuế lẩn tránh nếu hàng hóa có xuất xứ đầu vào của nước mà nước nhập đánh thuế rất cao.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ xây dựng, cập nhật danh sách cảnh báo 25 mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Không điều hành theo kiểu giật mình, hốt hoảng trong công tác cấp C/O”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Khẩn trương sửa đổi, ban hành các quy định
Sau khi nghe ý kiến từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và VCCI về các vướng mắc, bất cập, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ, mà trước hết do hành lang pháp lý chưa theo kịp diễn biến thực tế. Cùng với đó, vấn đề thực thi vẫn còn những sơ hở.
Một nguyên nhân khác là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe các vi phạm. Đáng lo ngại là cách làm việc thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân ở cơ sở.
Bên cạnh đó, sức ép từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ – có khi được bán dưới giá thành sản xuất, điều này tạo động lực cho gian lận thương mại.
Bộ trưởng Dũng đề nghị các bộ, cơ quan xem xét lại các quy định của pháp luật, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước, cần hoàn thành trong tháng 11 này.
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan khuyến cáo hiệp hội tăng cường tham gia giám sát, bảo vệ các doanh nghiệp chân chính, phản ánh các hành vi gian lận. “Thủ tục cấp C/O có nên có sự tham gia của doanh nghiệp hiệp hội ngành hàng không, vì họ nắm thông tin rất chính xác, VCCI cân nhắc, tham khảo”, Bộ trưởng nói.
Văn Hưng/ Zing News