Không để bị động trong phòng chống ngập mặn
Song song với tình hình cam go chống dịch COVID – 19 của đất nước là tình trạng ngập mặn gay gắt của các tỉnh miền Tây Nam Bộ gần đây. Mặc dù, nhiễm mặn là hiện tượng không có gì mới mẻ với người dân nơi đây nhưng mức độ của năm nay đã khiến không ít người lo lắng.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau đều đã công bố tình huống thiên tai cấp độ 1, độ 2 (có 5 cấp độ). Hàng loạt các biện pháp dài hạn, ngắn hạn đã tiến hành trước và sau ngập mặn xảy ra. Tuy nhiên vẫn không thể lường trước mức độ đợt hạn mặn năm nay lại xảy ra nhanh bất thường và sâu như vậy.
Về dài hạn, miền Tây đã chuẩn bị 5 dự án chống hạn mặn như: dự án Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (Ba Tri, Bến Tre) dài 5km, rộng 40 -100m chứa gần 1 triệu m3 nước đã đi vào sử dụng 4 tháng trước khi hạn mặn đến; dự án ngăn sông cửa Trung (Tiền Giang) rộng 200-400m, dài 14 km sẽ đưa vào sử dụng năm sau; Cống âu thuyền Ninh Qưới (Bạc Liêu) đã đưa vào sử dụng giúp bảo toàn cho ít nhất 40.000 ha đất nông nghiệp của địa phương trong vụ Đông Xuân; Cống Thủy Lợi Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) đang thi công. Cống có nhiệm vụ kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000 ha ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu , chiều rộng thông nước 455 m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15 m; dự án quản lý nước tại Bến Tre sẽ giúp ngăn triều cường và ứng phó với nước biển dâng, kiểm soát mặn cho trên 200.000 ha đất tự nhiên thuộc chín huyện và TP Bến Tre.
Về ngắn hạn là sự chủ động ứng phó của nông dân dựa vào kinh nghiệm “sống chung với lũ” của họ. Như: mua túi nhựa “ khủng” nhiều kích thước khác nhau, dung tích từ 10 đến 30 m3, độ bền 8-10 năm, giá 1,7-2,6 triệu đồng đựng nước sinh hoạt và tưới cây; đào ao, nạo vét kênh mương căng bạt bên dưới đựng nước ngọt; làm máng nước tưới tiêu dã chiến….Tất cả đều là những phương pháp tạm thời của người nông dân nhằm chống lại thời giạn ngập mặn. Ban đầu đã tạo kết quả rất tốt, các vườn cây ăn trái, hoa màu vẫn phát triển. Song do thời gian hạn mặn kéo dài, tình hình ứng phó ngắn hạn không còn hiệu quả. Các dự án trữ nước ngọt hoặc đang thi công, hoặc đang được đề xuất. Gây tình hình hạn ngập mặn trở nên mức độ thiên tai.
Hiện nay hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại 30.000 ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang chết dần, hơn 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt, đất đai nhiễm mặn nặng (mất 1-2 năm rửa mặn). Thiệt hại gần chục nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp lẫn địa phương các tỉnh có thiên tai đợt này.
“ Hạn ngập mặn gay gắt chưa từng thấy” là nhận định chung của các nhà nghiên cứu thiên tai Mekong. Đây là hiện tượng 100 năm mới xảy ra 1 lần nhưng điều đó không có nghĩa các năm tiếp theo không còn tình trạng gay gắt như này xảy ra lần nữa.
Có một điều chúng ta có thể nhận định cách rõ ràng rằng: một trong những nguyên nhân gây ra hạn mặn gay gắt này là do sự tham lam ích kỷ ở phía đầu nguồn Trung Quốc xả đập quá ít. Với lưu lượng 850 m3/giây, hạn mức này chỉ giải hạn cho đúng vùng thượng nguồn sông Mekong (Trung Quốc, Lào, Thái Lan). Mặc dù trước đó, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 5 tổ chức ở Lào, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết tăng xả đập để giúp các quốc gia láng giềng giảm hạn hán trong đó có Việt Nam.
Thiết nghĩ với tình trạng hiện nay của người dân miền Tây và tương lai, nhà nước cần nỗ lực đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực sông Mê Kông. Trong đó có 6 quốc gia đang chia sẻ nguồn nước như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam. Phải có một tiếng nói mạnh mẽ cùng hành động kêu gọi của những người đại diện đất nước nhằm thúc đẩy một hiệp định quốc tế được tôn trọng bằng tầm nhìn xa và những kiến thức khoa học là cấp bách, là việc quan trọng để giải quyết nạn thiên tai cho miền Tây cũng ngang với chống dịch COVID- 19 vậy. Bên cạnh đó, trong chiến lược trung hạn 3- 10 năm tới, nhà nước có nên chăng xây dựng một trung tâm nghiên cứu Mê Kong học cho Việt Nam? Bởi trung tâm này sẽ liên kết với các đại học Đông Nam Á và thế giới, đào luyện những chuyên gia thông thạo và am hiểu về lưu vực Mekong trong mô hình phát triển bền vững, đề xuất hành động cho Chính phủ.
Sarah