Không đánh tới cùng trong xung đột Karabakh, Azerbaijan đẩy Nga vào “thế cờ khó”?
Nhà phân tích Thomas de Waal của Carnegie Moscow cho rằng dù Nga đã đạt được bước xoay chuyển đáng kinh ngạc nhưng thỏa thuận hòa bình 9 điểm về Karabakh rất khó thực hiện.
Mới đây Trung tâm Carnegie Moscow đăng tải bài phân tích nhan đề “A Precarious Peace for Karabakh” (Tạm dịch: Một nền hòa bình bấp bênh cho Karabakh) của tác giả Thomas de Waal.
Nhằm đem lại cho độc giả cái gì đa chiều, đặc biệt là về tương lai “mịt mù” của Nagorno-Karabakh và khu vực lân cận theo sau thỏa thuận ngừng bắn được được trung gian bởi Nga giữa Armenia, Azerbaijan , chúng tôi xin lược dịch bài viết.
Azerbaijan đã thắng Armenia, điều không thể bàn cãi?
Sau nhiều tuần giao tranh đẫm máu trong, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đột ngột chấm dứt trong vòng vài giờ.
Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan được tuyên bố là đã kết thúc vào giữa đêm ngày 9/11 – rạng sáng ngày 10/11, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga bắt đầu tiến vào Karabakh thông qua Hành lang Lachin.
Chỉ một thời gian ngắn trước đó, các nhà lãnh đạo Armenia đã phát đi thông điệp rằng họ vẫn đang “tử thủ” Shusha, thị trấn chiến lược nằm trên một đỉnh đồi ở trung tâm Karabakh mà họ gọi là Shushi.
Sau đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ra một tuyên bố về thỏa thuận, trên thực tế là việc công nhận đầu hàng của Yerevan đối với các yêu cầu của Baku.
Ông Pashinyan đã bị chỉ trích dữ dội ở Armenia, nhưng điều đáng nói là lời biện minh của lãnh đạo của Cộng hòa Artsakh tự xưng Arayik Harutyunyan.
Ông Harutyunyan cho rằng lực lượng vũ trang Armenia đã suy yếu vì bệnh tật và tinh thần kém, và nếu tiếp tục chiến đấu, tình cảnh của họ thậm chí còn tồi tệ hơn.
“Các trận chiến đã diễn ra trên các tuyến đường tiếp cận (thủ phủ) Stepanakert và nếu hành động quân sự tiếp tục với tốc độ tương tự, thì chúng tôi sẽ mất toàn bộ Artsakh (tên phía Armenia gọi Nagorno-Karabakh) trong vài ngày và bị thương vong nặng”.
Phía Armenia đã công nhận mình là bên thua cuộc và họ sẽ phải gánh chịu hậu quả trong nhiều năm tới.
Nhưng công chúng Armenia hoàn toàn không chuẩn bị tinh thần cho sự sụp đổ nhanh chóng này và đã có sự phản kháng mạnh mẽ đối với thỏa thuận.
Nhưng không khó để nhận ra rằng ngay cả khi thay đổi chính trị xảy ra, nhà lãnh đạo tiếp theo của Armenia cũng không thể đưa ra quyết định khác.
Kịch bản của người Nga?
Tất cả mọi thứ đã diễn ra nhanh chóng, cho thấy nó rõ ràng là một kịch bản được lên kế hoạch từ trước.
3 năm gần đây, người Nga đã đề xuất với các bên tham gia xung đột cái gọi là “Kế hoạch Lavrov” – mặc dù sự tồn tại của nó luôn bị công khai phủ nhận.
Bản chất của nó là sẽ có một cuộc rút lui theo từng giai đoạn của phía Armenia khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng xung quanh Nagorno-Karabakh, và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ tiến vào khu vực này để đảm bảo an ninh cho người dân tộc Armenia ở Karabakh.
Điều này đã đi ngược lại mong muốn của Pháp, Hoa Kỳ và các nước châu Âu khác về một giải pháp đa phương cho cuộc xung đột và một hiệp định hòa bình quốc tế. Có vẻ như Paris và Washington đã bị bất ngờ trước thông báo về kế hoạch của Nga.
Các nhân tố cốt lõi của “Kế hoạch Lavrov” hiện đang được thực hiện – nhưng theo những điều kiện có lợi hơn nhiều cho Baku so với trước đây.
Một đường giới tuyến mới đang được thiết lập chạy qua chính giữa khu vực Nagorno-Karabakh. Người dân tộc Armenia sắp mất một khu vực lớn bao gồm vùng Hadrut phía nam. Hơn nữa, vị thế tương lai của Nagorno-Karabakh không được đề cập trong thỏa thuận.
Azerbaijan là người chiến thắng không cần bàn cãi. Nếu Tổng thống Ilham Aliyev ra tranh cử trong cuộc bỏ phiếu vào ngày mai, thì ông gần như chắc chắn sẽ thắng đậm.
Ông Aliyev đột nhiên nhận được nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng được chỉ vài tuần trước đó là việc tái kiểm soát tất cả 7 khu vực lãnh thổ xung quanh Nagorno-Karabakh, cộng với thị trấn chiến lược Shusha.
Vì sao Azerbaijan không đánh “tới cùng”?
Câu hỏi được đặt ra ở Azerbaijan lúc này là tại sao ông Aliyev không theo đuổi hoạt động quân sự nhằm tái chiếm toàn bộ Karabakh, và tại sao ông cho phép lính Nga vào khu vực – điều mà ông được cho là đã bác bỏ tại một cuộc họp ở Moscow vào ngày 9-10/10.
Những lý do giải thích cho quyết định này khá nhiều.
Một hoạt động quân sự nhằm “giải phóng” Stepanakert sẽ rất khó khăn và đẫm máu và làm tổn hại uy tín quốc tế của Azerbaijan.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng chính ông Aliyev cũng không muốn phải cân nhắc (kể cả về mặt lý thuyết) về quá trình tiếp quản Stepanakert (phía Azerbaijan gọi là Khankendi).
Viễn cảnh này đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Azerbaijan phải “đuổi” toàn bộ người Armenia ở Karabakh đi, hoặc sẽ phải cho họ một chế độ tự trị và thay đổi hiến pháp của Azerbaijan để phù hợp với một nhóm người Armenia “bất trị”.
Tốt hơn nhất là giao trách nhiệm quản lý những người Armenia trong một lãnh thổ nhỏ và khép kín còn lại ở Nagorno-Karabakh cho Moscow.
Người Nga trước “ván cờ khó”?
Phần thưởng chính cho Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận 9 điểm này là lời hứa về một hành lang xuyên qua khu vực Meghri của Armenia – về mặt lý thuyết sẽ kết nối Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Á qua Nakhichevan, phần còn lại của Azerbaijan và Biển Caspi.
Thoạt nhìn, Nga dường như đã đạt được một thành công ngoại giao đáng kinh ngạc, sau khi trước đó dường như đã bị Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ lấn lướt.
Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy cho đến nay là một kế hoạch hòa bình dài một trang gồm 9 điểm chưa rõ ràng về nhiều mặt và sẽ rất khó thực hiện.
Nga phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút quân cực kỳ nhanh chóng của phía Armenia khỏi các vùng Aghdam, Kelbajar và Lachin của Azerbaijan (ngoại trừ “Hành lang Lachin” rộng 5 km nối Armenia và Karabakh), các vùng Armenia đã chiếm giữ một phần tư thế kỷ.
Hơn nữa, số lượng lính gìn giữ hòa bình của Nga trong Karabakh – ít hơn 2.000 người – là khá nhỏ để có thể cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ cho người Armenia.
Nhiệm vụ của họ sẽ được tái xem xét trong vòng chưa đầy 5 năm, có nghĩa là sẽ sớm có những câu hỏi về khả năng tồn tại lâu dài hơn của thỏa thuận.
Vị trí địa lý gần gũi giữa Stepanakert, thành phố chính của người Armenia, và Shusha, nơi người Azerbaijan dự kiến sẽ trở lại sẽ diễn ra một loại tiếp xúc nào đó giữa hai cộng đồng (lần đầu tiên kể từ những năm 1990).
Dự kiến sẽ có một con đường mới đang được xây dựng từ Stepanakert đến Lachin, nhưng địa hình khiến điều đó trở thành một thách thức lớn.
Trong ngắn hạn, vẫn chưa rõ ràng về vai trò gìn giữ hòa bình của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) trong khu vực.
Cuối cùng, không có gì về địa vị của Nagorno-Karabakh trong thỏa thuận này. Đây là vấn đề trọng tâm của cuộc tranh chấp trong hơn một thế kỷ. Việc loại bỏ nó là có chủ ý, nhưng nó có nghĩa là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm sẽ vẫn chưa được giải quyết.
Tóm lại, người Nga đã chơi một nước cờ ngoại giao ngoạn mục, nhưng cũng gánh vác trách nhiệm lớn lao và sẽ bị cả hai phía đổ lỗi nếu mọi việc bắt đầu không như ý.
Có khả năng thỏa thuận ngừng bắn ngày 10/11 sẽ trở thành một công trình “lắp ghép” nhanh chóng và không bền vững. Đặc biệt là việc triển khai của lực lượng Nga có đủ mạnh để đảm bảo rằng người Armenia ở Karabakh có thể tiếp tục sống mà không sợ hãi hay không.
Nếu nhiều người Armenia phải di tản trong cuộc xung đột không chọn quay trở lại Karabakh, điều đó sẽ rất đáng quan ngại và có thể dự báo trước cuộc xung đột sau nhiều chục năm nữa, một cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần 3.
Vì lý do đó, Moscow có thể sớm quyết định rằng họ không thể tự mình thực hiện kế hoạch này. Trong trường hợp đó, nhiều khả năng họ sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ và Pháp, các đồng chủ tịch khác của nhóm Minsk thuộc OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu).
Họ cũng có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và rất có thể là sự hỗ trợ thiết thực từ các nước phương Tây.
Cần nhấn mạnh rằng một thỏa thuận hòa bình được trung gian bởi LHQ có thể được thông qua để khẳng định các nguyên tắc giải quyết lâu dài cuộc xung đột.
Cuối cùng, một sự bình yên nào đó cuối cùng cũng đến với Karabakh, nhưng nó là một thứ rất bấp bênh.
Hoàng Đan/TTT