Không còn cọng rơm thừa trên đồng ruộng

20/07/2020 14:30

Tham gia dự án VnSAT, nông dân ĐBSCL được tập huấn sử dụng rơm, phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm, làm phân hữu cơ, vừa tăng thu nhập vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, dự án VnSAT giúp nông dân giải quyết vấn đề này khi tận dụng rơm rạ trồng nấm, ủ phân hữu cơ. Ảnh: Trung Chánh.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Với diện tích đất lúa khoảng 1,9 triệu ha, sản xuất 3 vụ lúa trong năm, mỗi năm ĐBSCL gieo trồng khoảng 4,2 triệu ha lúa, sản lượng thu hoạch từ 24-25 triệu tấn lúa/năm. Theo đó, cũng có hàng triệu tấn rơm, rạ được thải ra môi trường sau khi thu hoạch.

Thâm canh tăng vụ, thời gian cách ly giữa các vụ lúa chỉ 15 – 20 ngày, nếu cày vùi rơm, rạ sẽ gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa lúc đầu vụ. Vì vậy, giải pháp mà nông dân lựa chọn thường là đốt bỏ ngay trên đồng ruộng.

Tuy nhiên, rơm vừa cắt còn ướt hoặc gặp mưa không dễ cháy, gây ra khói bụi mù mịt. Việc làm này không chỉ tác động xấu đến chất lượng tài nguyên đất, nước, mà còn gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Chế biến lúa gạo ở ĐBSCL mỗi năm thải ra khoảng 5 triệu tấn trấu, nếu không được tận dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, rơm khô và vỏ trấu được giới trồng cây cảnh, người nuôi thú cưng rất quan tâm bởi vì rơm có giá trị ủ gốc, làm thức ăn cho thỏ… Còn vỏ trấu được làm phân bón hữu cơ trồng cây cảnh.

Hiện nay, trên các trang web thương mại điện tử như Lazada rơm khô được rao bán với giá 30.000 đồng/0,5 kg, vỏ trấu có giá bán đến 26.000 đồng/kg.

Ngoài ra, trong quá trình chế biến lúa, gạo, một lượng lớn phế phẩm là trấu cũng được thải ra môi trường.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), với sản lượng lúa hàng hóa khoảng 25 triệu tấn/năm, nếu lấy tỷ lệ trung bình là 100 kg lúa khi xay xát sẽ loại ra 20 kg trấu thì mỗi năm trong vùng ĐBSCL có tương đương 5 triệu tấn trấu.

Nhận thấy tiềm năng to lớn từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp này, Ban quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… đã tập huấn, xây dựng mô hình trồng nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ mang lại hiệu quả cao.

Việc làm này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân tham gia dự án, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh An Giang cho biết, trong vụ lúa đông xuân 2019 – 2020, cán bộ kỹ thuật của dự án đã mở được 6 lớp tập huấn tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo, với 207 nông dân tham gia.

Lũy kế từ đầu dự án đến nay, An Giang đã mở được 24 lớp, với 792 học viên theo học và đã xây dựng được 19 điểm trình diễn để nông dân thực hành.

Qua đó, đã giúp nông dân tận dụng được nguồn phụ phẩm sẵn có từ quá trình sản xuất lúa, gạo, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thu gom rơm không chỉ làm giảm ô nhiễm môi trường mà còn mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho bà con nông dân sau mỗi vụ lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Tương tự, Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Đồng Tháp cũng đã tập huấn và xây dựng mô hình trồng nấm rơm được 2 lớp, với 56 nông dân tham gia.

Ngoài ra, còn mở 1 lớp tập huấn sản xuất phân hữu cơ, với 26 học viên theo học. Qua các lớp học này, nông dân đã tận dụng nguồn rơm, rạ sẵn có của gia đình sau vụ lúa và tạo ra việc làm trong những lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập.

Tăng thêm nguồn thu nhập

Theo Ban quản lý VnSAT Tiền Giang, dự án VnSAT được thực hiện tại 3 huyện, thị xã của tỉnh là Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, với diện tích trên 27.200 ha lúa.

Dự án được triển khai với mục tiêu hỗ trợ 41.000 hộ nông dân trồng lúa trong vùng dự án được tiếp cận, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và tăng thu nhập khoảng 30%.

Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa gạo.

Rơm rạ được thu gom, trồng nấm sẽ tạo việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Đến nay, trong khuôn khổ Dự án VnSAT đã và đang tiến hành hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất lúa tại các huyện phía Tây. Dự án triển khai các hoạt động như: Nạo vét kênh mương, cống, trạm bơm điện, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây nhà kho, hỗ trợ thiết bị sấy….

Các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao. Đồng thời, sản xuất theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh vi rút trên lúa… nên năng suất bình quân tăng. Sản lượng lúa ổn định bình quân các năm qua khoảng 1,2 triệu tấn. Năng suất lúa dần tăng qua các năm: Năm 2018 đạt 6,2 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn/ha so với năm 2013.

Tận dụng rơm, rạ trồng nấm sẽ tạo ra việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài ra, theo bà Lê Thị Yến, Ban quản lý VnSAT Tiền Giang cho biết: Hiện nay, việc sử dụng phụ phẩm rơm, rạ cũng được dự án chuẩn bị triển khai đến các hộ dân nhằm tận dụng tốt nguồn phụ phẩm này.

Công tác chuẩn bị tập huấn đã được lên kế hoạch từ trước nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa được triển khai được. Sắp tới, dự án sẽ triển khai nhanh chóng chương trình này.

Ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới (ấp Hậu Quới, xã Mỹ Hậu Bắc B, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, HTX có diện tích canh tác là 1.500 ha chuyên sản xuất lúa, với 618 thành viên.

Tham gia dự án VnSAT, HTX đã được đầu tư xây dựng 2 cống kiên cố, trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho 450 ha và nhà kho sức chứa 1.000 tấn.

Từ nguồn phụ phẩm lúa gạo, rơm sau khi trồng nấm, nông dân ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Trung Chánh.

Với nhà kho này, HTX Mỹ Quới đã mở rộng chuỗi liên kết, mỗi vụ lúa sẽ cung cấp vật tư và thu mua lúa cho xã viên với diện tích từ 700-800 ha. Đồng thời liên kết với Công ty Phước Lộc tại địa phương để xay xát, làm sản phẩm gạo mang thương hiệu của HTX Mỹ Quới, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương.

Theo ông Nguyền, với diện tích sản xuất lớn như vậy và làm 3 vụ lúa/năm, lượng sản phẩm phụ như rơm rạ, vỏ trấu thải ra hàng năm khá lớn. Nếu biết tận dụng tốt thì các sản phẩm này đều có thể mang lại thu nhập và lợi ích thiết thực cho nhà nông.

Rất mừng là những năm trở lại đây, do nhu cầu phát triển chăn nuôi trâu, bò, xấy lúa, trồng nấm rơm ngày càng tăng nên tình trạng đốt đồng sau thu hoạch lúa hay vứt trấu ra các sông rạch đã giảm đi đáng kể.

Sau khi thu hoạch lúa, nông dân có thể thuê máy cuốn rơm thành bánh mang về để làm nguyên liệu trồng nấm hoặc bán cho các hộ nông dân khác để có thêm thu nhập.

Còn tại Long An, theo bà Nguyễn Thị Mười, Ban quản lý VnSAT tỉnh Long An cho biết: Năm 2019, Long An có diện tích sản xuất lúa trên 500 nghìn ha, với sản lượng lúa đạt trên 2,7 triệu tấn. Lượng phụ phẩm trong sản xuất khá lớn.

Vì vậy, vừa qua bên cạnh các hoạt động tập huấn về quản lý và phát triển HTX, luân canh cây trồng, nhân giống lúa xác nhận, sản xuất lúa VietGAP thì dự án còn triển khai 2 lớp tập huấn tận dụng các sản phẩm phụ của lúa gạo cho 58 học viên tham gia.

Điển hình là xây dựng mô hình trồng nấm rơm tại các HTX nông nghiệp. Các hoạt động này, dự án ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An thực hiện, xây dựng các mô hình trình diễn cho nông dân.

Dự án VnSAT Long An tập huấn và xây dựng mô hình sử dụng sản phẩm phụ từ lúa, gạo để trồng nấm, làm phân hữu cơ giúp nông dân giải bài toán ô nhiễm môi trường, tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Huỳnh Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng cho biết: Tháng 9/2019, dự án VnSAT có mở lớp tập huấn sử dụng rơm trồng nấm cho 30 thành viên tại các HTX Đồng Đưng (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường), HTX Bình Hòa (xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa).

Qua 6 buổi tập huấn, các học viên đã biết cách sử dụng rơm để trồng nấm tăng thêm thu nhập sau mùa gặt. Tại buổi hội thảo có khoảng 70 người dân tiếp cận tham quan tìm hiểu mô hình.

Đến nay, từ các mô hình trồng nấm rơm do VnSAT triển khai, nhiều nông dân ĐBSCL đã duy trì, phát triển và học tập, nhân rộng. Hộ dân nào còn chưa nắm bắt được kỹ thuật đều được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An tư vấn thêm.

Nhiều hộ dân đã phát triển lên mô hình trồng nấm rơm kinh tế, trồng liên tục, không chỉ sau mùa gặt. Sắp tới, tỉnh Long An sẽ tiếp tục triển khai tập huấn thêm cho xã viên ở các HTX khác trên địa bàn tỉnh.

Đ.T.CHÁNH – MINH ĐÃM/NN

Tags :
Đọc nhiều