130115
topics
361141

Không ai biết khi nào dịch qua đi, nhưng đừng đánh mất hi vọng!

09/02/2020 11:44

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) đã gởi đến Báo bài viết ý nghĩa với thông điệp: Giữ vững tinh thần, chính là góp sức vào công cuộc chống dịch.

Không ai biết khi nào dịch qua đi, nhưng đừng đánh mất hi vọng! - Ảnh 1.
Một nữ nhân viên y tế ở Bắc Kinh hôn tạm biệt chồng trước khi lên đường tới Vũ Hán – Ảnh: Tân Hoa xã

Không ai biết chắc chắn khi nào dịch bệnh sẽ dừng lại, nhưng chúng ta vẫn có niềm hi vọng lớn lao về tương lai tốt đẹp phía trước. Ngày mai, trời lại sáng!

Chuyên gia tâm lý VƯƠNG NGUYỄN TOÀN THIỆN

Ở một góc độ nào đó, bên cạnh những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của giới chuyên môn, những lo toan chuẩn bị của các bà mẹ, bà vợ trong việc mua sắm thực phẩm, vật dụng y tế bảo vệ sức khoẻ gia đình, thì việc động viên nhau giữ niềm hi vọng lạc quan cũng là một cách để con người sống sót qua cơn đại dịch khủng khiếp.

Câu chuyện trên làm cho tôi nhớ về một tác phẩm văn học nổi tiếng của O. Henrry. Trong truyện “Chiếc lá cuối cùng”, nhân vật Johnsy bị viêm phổi nặng và tuyệt vọng nằm đếm những chiếc lá thường xuân ngoài cửa sổ phòng bệnh của mình rụng xuống. Cô có một niềm tin rằng khi chiếc lá cuối cùng lìa cành cũng là lúc cô sẽ ra đi.

Thế rồi, sau một đêm mưa bão, chiếc lá cuối cùng trên cây vẫn ở đó. Sự kiện này làm cho Johnsy thay đổi nhận thức, đồng ý ăn uống và tiếp tục điều trị. Không ngờ chiếc lá ấy chính là “kiệt tác” của một người họa sĩ già đã vẽ lên tường trong cái đêm chiếc lá cuối cùng rụng xuống để giúp Johnsy giữ vững tinh thần.

Niềm hi vọng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc điều trị bệnh tật, chiến đấu chống lại thiên tai, ôn dịch. Ngoài những biện pháp giữ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tinh thần tốt cũng là một điều cần thiết. Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra stress mãn tính có thể ảnh hưởng bất lợi đến các thành phần của hệ miễn dịch cơ thể.  Vì thế, việc giữ tâm lý ổn định, lạc quan và tránh những căng thẳng, lo lắng quá mức, kéo dài cũng có thể xem là một yếu tố tích cực trong việc phòng chống dịch virus corona mới hiện nay.

Kinh nghiệm thực hành chăm sóc giảm nhẹ (palliative care) với các trường hợp cận tử cho tôi thấy rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù tồi tệ đến đâu vẫn luôn có chỗ cho sự hiy vọng của người bệnh và gia đình.

Ngay cả lúc y học không thể làm cho người bệnh vượt qua tình trạng hiểm nghèo, bác sĩ và gia đình vẫn có thể tiếp tục nuôi dưỡng niềm hi vọng bằng cách giúp bệnh nhân có những ngày tháng cuối đời thật nhẹ nhàng, ý nghĩa. Sau cùng, khi người thân ra đi, niềm hi vọng họ sẽ đến cõi thiên đàng, niết bàn không còn đau khổ dày vò chính là sự an ủi lớn cho những người ở lại.

Trong tình hình số lượng người nhiễm và tử vong vì virus vẫn tăng lên hàng giờ và chưa có dấu hiệu dừng lại, chúng ta vẫn thấy hình ảnh của những người nhân viên y tế trực tiếp chống dịch tại tâm bão với những vết hằn của đồ bảo hộ, găng tay. Họ là những người đang ngày đêm quyết liệt trong trận chiến sống còn.

Chắc hẳn bản thân y bác sĩ cũng là con người, có cha mẹ, vợ chồng, con cái với những nỗi lo lắng vị kỷ cho sức khoẻ bản thân, gia đình. Thế nhưng họ vẫn chọn ở lại làm niềm hi vọng của thế giới. Công việc giờ đây đối với họ không chỉ là trách nhiệm mà còn là danh dự của một người thầy thuốc.

Mới đây, thông tin về cái chết của vị bác sĩ trẻ họ Lý tại Vũ Hán đã làm nhiều người xúc động mạnh. Ông là người đã can đảm lên tiếng cảnh báo công chúng về sức mạnh lây lan của virus bất chấp nguy cơ bị bắt bớ. Từ đó cho thấy niềm hy vọng vào giá trị của y đức và tầm quan trọng của người trí thức ở bất kỳ xã hội nào.

Ngoài thị trường, lợi dụng niềm lo âu của dân chúng, nhiều người đã tranh thủ thời cơ để tăng giá kinh doanh các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay…Ngay lập tức, khắp nơi xuất hiện những điểm phát khẩu trang miễn phí, thông tin hướng dẫn pha chế nước rửa tay để giúp cho mọi người có điều kiện bảo vệ sức khoẻ. Đó chính là niềm hi vọng của một xã hội tử tế, biết tương trợ, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn.

Đan xen giữa những tin tức gây u buồn, lo lắng là những câu chuyện vui mừng và hi vọng. Như triết gia Nietzsche đã từng nói: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”. Bài hát “Fight the virus” do Alvin Oon viết lời kết thúc bằng một thông điệp mạnh mẽ: “Humanity, we will win this fight the virus.” (Nhân loại ơi, chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống virus này).

Không ai biết chắc chắn khi nào dịch bệnh sẽ dừng lại, nhưng chúng ta vẫn có niềm hi vọng lớn lao về tương lai tốt đẹp phía trước. Ngày mai, trời lại sáng!

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

Đọc nhiều