2
category
334690

Khơi thông hòn đá tảng mang tên “biên chế suốt đời”

sông trà 27/11/2019 18:14

Quy định này được đưa ra với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm, xóa bỏ tư tưởng vào được cơ quan nhà nước là “ấm chân” đến già.

Quốc hội tán thành bỏ chế độ biên chế viên chức suốt đời

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Điểm đáng chú ý là sẽ không còn viên chức suốt đời như lâu nay chúng ta thường áp dụng. Quyết định này đã và đang nhận được sự đồng tình cao của dư luận.

Bỏ chế độ biên chế viên chức suốt đời

Chiều 25/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 88,20%). Theo đó, Quốc hội đã quyết định không giữ hợp đồng không xác định thời hạn kể từ 1/7/2020, đồng nghĩa với việc không còn “viên chức suốt đời”, trừ những người làm việc ở vùng có điều kiện khó khăn.

Theo Luật vừa thông qua, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới trong dự thảo luật là thể chế hóa Nghị quyết T.Ư về “Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn)”.

Quy định này áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (1/7/2020). Viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ Luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Khơi thông hòn đá tảng mang tên “biên chế suốt đời”

Từ lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả khiến cho khả năng chi trả của ngân sách nhà nước ngày một khó khăn. Vì đâu nên nỗi? Nhưng cứ hễ nói đến tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì ai cũng ngậm ngùi.

Hiện nay,  nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người.  Hàng năm trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua ký phê duyệt chi thường xuyên có ít hơn đôi chút, nhưng vẫn ở con số 65%. Khoảng 30% dùng để trả nợ. Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%.

Song, hiệu quả công việc được đánh giá không cao do có tới 1/3 số công chức, việc chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về khiến cho hình ảnh về các đơn vị sự nghiệp công lập ít nhiều méo mó. Và cũng từ con số 1/3 công chức nói trên nhiều chuyên gia kinh tế đã không ngần ngại chỉ ra rằng, đó chính là tham nhũng – tham nhũng thời gian và nguy hại hơn, trong một chừng mực nhất định sự tham nhũng này đã để lại cho xã hội những hậu quả khôn lường thể hiện ở việc ở sự thờ ơ, vô trách nhiệm và hành xử theo kiểu “ban ơn”, cửa quyền tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dĩ nhiên, có một bộ phận cán bộ công – viên chức bày tỏ băn khoăn vì đó là một trong những chế định trong Bộ luật Lao động về bảo vệ sự yếu thế của người lao động trước người sử dụng lao động. Trong khi đó, Bộ luật Lao động đã có hiệu lực từ lâu và trong quá trình thực hiện, không có vướng mắc. Nếu đặt vấn đề bỏ biên chế suốt đời thì cán bộ công chức, viên chức không yên tâm làm việc. Tức là người lao động luôn ở trong tư thế ‘sẵn sàng’ bị sa thải’.

Có điều, xin nhắc lại, nỗi băn khoăn đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong đội ngũ cán bộ công – viên chức mà thôi. Nhìn nhận thẳng thắn rằng, trong một thời gian dài chúng ta tiến hành công cuộc tinh giản biên chế nhưng kết quả “càng tinh giản bộ máy càng phình to” bởi rất nhiều người vẫn chỉ lo cho các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không quan tâm đến đại cục.

Người ta ra sức tuyển dụng, đưa vào hệ thống những nhân lực yếu kém, không có năng lực trình độ chuyên môn. Khi vào được bộ máy Nhà nước, không ít kẻ trong số này lại cậy quyền cậy thế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ luôn gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp, khiến hình ảnh người cán bộ, viên chức ngày một xấu xí.
Đó là còn chưa kể, nhiều viên chức được tuyển dụng từ hàng chục năm nay nhưng rất trì trệ, lười làm việc, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, nhiều khi còn chống đối, cản trở sự phát triển. Họ chính là những hòn đá tảng cần phải đưa ra khỏi hệ thống để dòng chảy công việc được khơi thông.

Có thể nói, mục đích cuối cùng của quy định sửa đổi lần này là thu hút, có chỗ cho người tài vào làm việc cho bộ máy nhà nước. Nếu không có bộ công cụ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công chức, viên chức một cách khách quan, minh bạch, không cả nể, thì mục tiêu thu hút người tài không thể đạt được.

Đồng thời, quy định này được đưa ra với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm, xóa bỏ tư tưởng vào được cơ quan nhà nước là “ấm chân” đến già.

Thậm chí, nhiều người mong muốn quy định bỏ biên chế suốt đời còn được áp dụng với cả công chức, đặc biệt là với các công chức lãnh đạo. Để những người có tài thực sự làm quản lý thì các vị trí lãnh đạo trong các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải thi tuyển công khai chứ không  bổ nhiệm như hiện nay. Công chức nếu không làm được việc thì phải nghỉ chứ không thể chỉ có lên mà không có xuống, lên rồi không làm được việc lại bố trí vòng quanh.

Riêng cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ với quy định này, vì nếu ràng buộc công chức, viên chức như cũ sẽ chỉ khuyến khích “tính ỳ” và người ta chỉ nhìn thấy có những đặc quyền, đặc lợi. Họ sẽ khai thác hết tối đa đặc quyền, đặc lợi ấy mà không phát huy mặt mạnh của họ.

Dẫu vậy, cũng cần lưu ý ở chỗ, với mức tiền lương quy định như hiện nay thì hầu hết cán bộ công chức không thể sống nổi. Và có người đã “đục khoét” ngân sách, hay còn gọi là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu nhân dân khi làm các thủ tục hành chính…

Nghĩa là, đã đến lúc phải xem xét lại chế độ lương bổng của công chức, viên chức. Chúng ta rất muốn giảm biên chế, nhưng chúng ta phải có quyết đoán trong vấn đề lương cho công chức, viên chức, nếu không sẽ chỉ như chuyện “quả trứng với con gà”, cũng khó có thể thu hút được người tài.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có lý khi ông từng nói: “Mọi đổi mới, cải cách trước tiên phải giúp công chức, viên chức, người lao động sống được bằng lương đồng thời cần có cơ chế đánh giá, giám sát khách quan, để người lao động an tâm làm việc”.

Dù thế nào đi nữa, nếu chúng ta muốn có một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, cho phù hợp với quy luật của sự phát triển. Chứ không phải cứ  vào công – viên chức rồi thì ung dung “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Và để làm được được đó, đòi hỏi người thực thi phải không sợ “ném đá vỡ bình” bởi mối quan hệ “4T” bất thành văn đã tồn tại và chi phối trong xã hội lâu nay.

 

Tags :
Đọc nhiều