10
topics
477371

Khởi động năm mới với kỳ vọng mới

18/02/2021 06:42

Hôm qua 17.2 (mùng 6 tết), nhiều doanh nghiệp đã chính thức hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu với nhiều kế hoạch, kỳ vọng mới.

Nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng kinh tế khởi sắc hơn trong năm mới /// ẢNH: CÔNG HÂN
Nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng kinh tế khởi sắc hơn trong năm mới

Những chuyến hàng khởi hành đi Mỹ, châu Âu

Là chủ tịch một doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu các loại trái cây của Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, chia sẻ nhà máy chế biến đã hoạt động sớm từ mùng 2 tết để chuẩn bị hàng hóa.

Đến sáng mùng 6 tết, khi khối văn phòng đi làm trở lại sau kỳ nghỉ đã thực hiện ngay các thủ tục xuất khẩu cho những chuyến hàng đã ký. Hôm qua, Vina T&T đã xuất khẩu 2 container với 40.000 trái dừa đi Mỹ và Hàn Quốc; 20 tấn xoài đi Úc, 50 tấn thanh long đi Mỹ, Canada và 3 tấn chôm chôm sang thị trường Mỹ.

Không giấu được sự phấn khởi, ông Tùng cho hay kế hoạch đề ra cho tập đoàn trong năm 2021 là tăng trưởng từ 15 – 20% so với năm vừa qua. Để hoàn thành mục tiêu đó, công ty sẽ mở rộng sang các thị trường mới trong khu vực châu Âu hay 15 nước đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tập đoàn Vina T&T cũng là một trong những DN đầu tiên xuất khẩu những lô hàng với ưu đãi thuế quan vào thị trường EU từ tháng 8.2020 theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Sáng mùng 6 tết, nhân viên của Phúc Sinh Group cũng bận rộn với việc xếp hàng ra cảng để đưa lên tàu xuất sang Mỹ và châu Âu. Theo ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cả công ty đã quay trở lại guồng làm việc bình thường. Mỗi năm, Phúc Sinh xuất khẩu khoảng 100.000 tấn các loại sản phẩm từ tiêu đến cà phê, các loại gia vị sang hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu nên có rất nhiều việc để thực hiện, từ nhà máy đến việc gặp gỡ khách hàng cũng như liên quan đến xuất hàng đi… Trong bối cảnh dự báo kinh tế năm 2021 chưa thể lạc quan cao vì dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ông Phan Minh Thông cho rằng công ty chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn với mức tăng trưởng cho thị trường trong nước khoảng 20% so với năm 2020. Riêng thị trường nước ngoài thì vị giám đốc này không tiết lộ mục tiêu cụ thể nhưng vẫn cho rằng cứ nỗ lực hằng ngày và ông cũng kỳ vọng vào một năm khởi sắc hơn.

Năm mới, năng lượng mới

Trong ngày làm việc đầu năm Tân Sửu, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên bắt tay ngay vào triển khai “tham vọng” mới giai đoạn 2021 – 2025 với sự tham gia của các nhà tư vấn chiến lược nước ngoài để phát triển thêm những bước đi chiến lược của ngân hàng trở thành ngân hàng bán lẻ. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông, cho hay ngày đầu tiên đi làm ai cũng hồ hởi, phấn khởi dù rằng mọi người chúc tết nhau online và những nơi gặp trực tiếp vẫn phải tuân thủ việc đeo khẩu trang trong điều kiện bình thường mới. Bản thân ông dự cảm năm 2021 có nhiều yếu tố tốt hơn dù có những thách thức từ năm cũ mang sang và có thể cả cái mới xuất hiện. Nhưng mọi người hiện nay phải chấp nhận sống chung với Covid-19 nên tâm lý không còn hoang mang như trước. “Năm mới tôi thấy cảm giác năng lượng mới, năng lượng tích cực giúp mọi người đều vui vẻ và bắt đầu vào công việc tạo ra giá trị rõ ràng, gắn kết hơn với nhau, hiệu quả công việc tốt”, ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

Cũng dự báo một năm lạc quan trở lại cho ngành dệt may Việt Nam, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhận định năm nay ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại với dự báo kim ngạch xuất khẩu đạt 38 – 39 tỉ USD hoặc thậm chí có thể cao hơn. Sau khi Việt Nam có các hiệp định thương mại mới như EVFTA thì hoạt động xuất khấu đã được hưởng lợi. Hoặc như Hiệp định RECP, trong đó có khối ASEAN và các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thì dệt may của Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản. Đây là yếu tố thuận lợi trong khi trước đó với Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản thì hàng hóa sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc không được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Hay Hiệp định EVFTA cho phép hàng dệt may Việt Nam khai thác nguyên liệu từ Hàn Quốc nên đã tăng trưởng tích cực hơn… Bên cạnh đó, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu thì nhiều nước có tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may cạnh tranh với Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh chung, xét trên nhiều yếu tố thì theo ông Phạm Xuân Hồng, Việt Nam là ổn hơn nên tình hình xuất khẩu của ngành dệt may sẽ khả quan hơn trong năm mới.

PV

Đọc nhiều