Khoảng trống khó lấp đầy sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe từ chức

30/08/2020 22:48

Một trong những thách thức lớn với bất cứ ai kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là duy trì, phát huy những di sản mà ông đã mang lại.

Khoảng trống khó lấp đầy sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe từ chức - 1
Chính sách thúc đẩy kinh tế Abenomics được coi là một trong những di sản của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 28/8 bất ngờ tuyên bố từ chức sớm 1 năm trước khi hết nhiệm kỳ vì lý do sức khỏe. Ông cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính phủ cho đến khi tìm được người kế nhiệm. Nhiều gương mặt được đánh giá có thể sẽ kế nhiệm ông Abe, tiếp quản những di sản mà ông để lại.

Di sản của ông Abe

Khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012, Nhật Bản mới chỉ đang bắt đầu phục hồi từ thảm họa kép động đất, sóng thần gây khủng hoảng hạt nhân. Ông Abe hiểu được rằng chính phủ cần hành động sau khi kinh tế Nhật Bản đã trải qua hai “thập niên mất mát”.

Năm 2013, ông Abe đã khởi xướng – một chiến lược kinh tế có tên gọi Abenomics – một chiến lược kinh tế dựa trên “ba mũi tên” là nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa thông qua chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu.

Nhiệm vụ cải cách cơ cấu không hề dễ dàng với một đảng cầm quyền bị chi phối bởi các lợi ích nhóm khác nhau. Mặc dù vậy, ông vẫn có thể mang lại những thành tựu đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản. Chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng hơn 2 lần trong thời gian ông làm thủ tướng, kinh tế bắt đầu lạm phát sau suốt gần 2 thập kỷ giảm phát.

Tuy nhiên, những thành tựu này đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc năm 2019 và đại dịch Covid-19 hiện nay. Giới chuyên gia nhận định, dù ai kế nhiệm ông Abe cũng sẽ tiếp tục triển khai khung chính sách Abenomics.

Về đối nội, ông Abe cũng tìm cách sửa đổi hiến pháp cho phép quân đội tham chiến với các đồng minh ở nước ngoài để bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa, song dự định này đến nay vẫn còn dang dở.

Về đối ngoại, một trong những thành tựu lớn nhất của ông Abe đó là cứu vãn Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này ngay sau khi ông Trump nhậm chức năm 2017.

Ông Abe được đánh giá có chính sách đối ngoại đa diện. Dưới thời chính quyền Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã thiết lập hàng loạt quan hệ đối tác chiến lược mới với Ấn Độ, Australia, ký kết các thỏa thuận quốc phòng với các nước Đông Nam Á, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, tránh đối đầu với Trung Quốc.

Thời điểm ông Abe nhậm chức vào cuối 2012, mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Tokyo quốc hữu hóa một số đảo ở quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Ông Abe đã tìm cách khôi phục mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn bằng chuyến thăm Bắc Kinh năm 2018, đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản đặt chân lên đất Trung Quốc sau 7 năm. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã bị cản trở bởi Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông và các vùng biển trong khu vực, và bởi căng thẳng Mỹ – Trung.

Khoảng trống khó lấp đầy

Khoảng trống khó lấp đầy sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe từ chức - 2
Quyết định từ chức của ông Abe khiến nhiều quan chức nội các và người dân Nhật Bản bất ngờ. (Ảnh: Getty)

Với những di sản mà ông Abe đã để lại, người kế nhiệm ông sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để duy trì và phát huy những di sản này. Người kế nhiệm cần phải tiếp tục khôi phục kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đối phó tình trạng dân số già hóa nhanh chóng.

Về đối ngoại, người kế nhiệm ông Abe cần một chính sách phù hợp với một Trung Quốc đang trỗi dậy, hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc, đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Họ có thể cũng cần điều chỉnh lại mối quan hệ với Mỹ tùy vào ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

“Người kế nhiệm ông Abe sẽ có những khoảng trống lớn phải lấp đầy và lấp đầy thế nào sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế và địa chính trị”, Cornelia Meyer, chuyên gia kinh tế vĩ mô và năng lượng, bình luận với Arab News.

Trong khi đó, Daiju Aoki, chuyên viên thuộc công ty quản lý tài sản của Ngân hàng UBS, nhận định: “Trước khi ông Abe làm thủ tướng nhiệm kỳ hai năm 2012, Nhật Bản đã có tới 6 thủ tướng trong 6 năm. Nếu người kế nhiệm ông Abe không giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, tình hình chính trị có thể sẽ quay về thời bất ổn trước kia”.

Minh Phương/DT

Đọc nhiều