Khoan hãy cười Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường!
Giữa năm 2019 dịch tả heo châu Phi bùng phát đến cuối năm 2019 làm giảm 12% tổng đàn heo của thế giới, trong đó Việt Nam giảm 20% đàn heo. Dịch bệnh gây ra khủng hoảng thiếu thịt heo trên toàn thế giới. Việt Nam đã nhanh chóng tìm cách tái đàn ngay để bổ sung nguồn cung. Sang năm 2020 dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong quý 1 và 2 khiến giá thịt heo càng tăng. Và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gợi ý giải pháp giúp bà con người dân bớt phụ thuộc vào giá cả thịt heo.
Có nhiều ý kiến chỉ đạo bình ổn giá thịt heo để người dân có thể mua thực phẩm bình thường, nhưng thực tế giá thịt heo thấp chỉ có trên ti vi, ngoài chợ các tiểu thương vẫn bán giá rất cao. Xoay đi xoay lại, nhập khẩu heo từ Thái Lan để bình ổn giá, nhưng chưa biết nhập được không thì có thông tin giá thịt heo ở bên đó chuẩn bị tăng. Mà tỷ giá đồng Bath và VNĐ chênh nhau khá lớn, 1 bath đổi ra được hơn 700 VNĐ. Nếu giá thịt heo ở Thái Lan tăng lên thì mang về cũng chẳng bán giá bình ổn được.
Vì vậy, gần đây Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Xuân Cường có phát biểu trước diễn đàn nghị sự: “Chúng ta không nên chỉ tập trung ăn thịt heo, mà cần đa dạng hoá các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng… Ăn những loại này cũng đều rất tốt”. Ngay lập tức nhiều ý kiến cho rằng phát biểu này không nghiêm túc, phát biểu gây cười cho người nghe. Khoan hãy cười Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta cứ đâm đầu đi tìm giải pháp kéo giá thịt heo xuống, để người dân có thể mua và sử dụng như bình thường. Nếu không ăn thịt heo chúng ta có chết không ? Chuyển sang ăn thịt gà, thịt cá chết không ? Tại sao cứ nhất nhất đòi ăn thịt heo giá rẻ ?
Một lối tư duy giải quyết vấn đề đơn giản hóa
Phải chăng dân ta kén chọn việc ăn uống vậy ư? Hay tại các phương tiện truyền thông cứ thổi bùng vấn đề thịt heo lên. Chúng ta có thể suy nghĩ đơn giản hơn, tư duy mạch lạc hơn để giải quyết vấn đề.
Đã thử rất nhiều cách để kéo giá thịt lợn về giá thực trước đây của nó, nhưng cần có thời gian. Muốn tái đàn đáp ứng nhu cầu thị trường cần thời gian để đàn heo sinh trường và lớn lên. Hay chúng ta thích nhanh bằng cách nuôi tăng trọng, cho uống thuốc kích thích tăng trưởng? Thật tai hại làm sao, nếu cứ nóng vội, mọi chuyện sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có những nếp tư duy mạch lạc và bình tĩnh.
Không ăn thịt heo giá cao bạn có thể chuyển sang ăn các loại thịt khác giá vừa rẻ hơn, vẫn cung cấp đủ năng lượng, dưỡng chất protein cho cơ thể mà chi phí có khi tiết kiệm hơn. Đồng thời trong khi người dân chuyển sang sử dụng các loại thịt khác còn giúp kích cầu cho các loại nông, thủy hải, sản khác và “hạ nhiệt” giá thịt heo. Đây chẳng phải “một mũi tên trúng hai đích” sao? Chẳng có lý gì chúng ta lại mỉa mai hay chê đề xuất của Bộ trưởng Cường vào lúc này. Nghe có vẻ như trêu đùa, đơn giản, nhưng thực hiện được quả thực sẽ góp phần giải quyết tình hình giá thịt heo bị đẩy lên cao so với giá trị thực. Thực tế người dân đâu phải không được ăn thịt lợn, mà vẫn ăn nhưng với mức giá cao hơn bình thường thôi.
Hãy để giá cả tuân theo quy luật cung cầu
Sở dĩ giá thịt heo tăng cao là tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Đã là quy luật tự nhiên của thị trường hãy cứ để nó tự nhiên diễn ra, chúng ta chỉ nên dùng “bàn tay hữu hình” can thiệp vào khi nó thực sự có hại. Trong trường hợp này việc thịt heo tăng chưa có gì là quá hại cho nền kinh tế cả. Ngược lại những người chăn nuôi lại được giá, có động lực tái đàn, mở rộng chăn nuôi.
Sau dịch tả lợn châu Phi tổng số đàn lợn của Việt Nam giảm hơn 20% như đã nêu ở trên, tiếp đó dịch bệnh Covid – 19 diễn ra trong thời gian dài khiến giao thông, buôn bán bị đình trệ, giá thịt lợn lại càng được đẩy lên cao. Thêm vào đó nhu cầu ăn thịt lợn của người dân là thiết yếu, vì họ quen dùng và phù hợp với mọi lứa tuổi, ít phải kiêng cữ, chế biến, bảo quản cũng dễ dàng. Thực ra nhu cầu thì vẫn vậy, không tăng là mấy, vấn đề là nguồn cung bị giảm sau dịch bệnh, tái đàn lớn sau dịch cần có thời gian, không phải tờ giấy nói in là in ra cả ngàn tờ ngay được. Vì vậy hãy để nó vận hành theo quy luật cung cầu, cung giảm, cầu vẫn vậy thì giá thịt tăng là hiển nhiên. Cộng với kiểu buôn bán tư thương, nhỏ lẻ của bà con ta từ xưa đến nay, việc gom rồi đẩy giá lên là chuyện dễ hiểu. Chúng ta càng chú trọng, càng lạm bàn, càng đưa tin thì giá cũng không giảm được, ngược lại làm cho dư luận thêm nóng lòng, sốt ruột “không biết khi nào được mua thịt lợn bình ổn giá” “mua thịt lợn giá rẻ thì lên ti vi mà mua”.
Nhìn ở tầm quản lý vĩ mô trong lĩnh vực của mình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu như vậy hoàn toàn có lý và rất bao quát. Người quản lý nắm gốc vấn đề cơ bản nhất (ở đây là quy luật cung cầu) sau đó mới xem xét các yếu tố phái sinh. Nếu quản lý vĩ mô mà mải đi vào tiểu tiết thì bàn mãi, họp mãi không thể giải quyết cho đặng hết. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT đến cuối năm 2020 số lượng đàn heo mới tái đàn kịp số lượng như trước dịch tả châu Phi. Bên cạnh đó còn khá nhiều khó khăn, giá lợn hiện tại tăng cao khiến giá heo giống cũng tăng. Tình hình dịch bệnh chưa chắc chắn được đẩy lùi. Trước mắt vẫn tập trung vào việc tái đàn heo nhanh nhất có thể, kết hợp đa dạng hóa nguồn thực phẩm, kiểm soát tình trạng gian thương gom hàng đẩy giá ảo lên cao.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả