130115
topics
361060

Khoa học công nghệ Việt Nam đang phát huy sức mạnh trước dịch virus nCoV

09/02/2020 07:24

Hai nhà khoa học TS. Lê Quang Hòa và TS. Nguyễn Lê Thu Hà đã làm giới khoa học thế giới phải sửng sốt khi vừa nghiên cứu thành công Kit thử nhanh virus Corona. Giới chuyên gia công nghệ cũng đang vào cuộc quyết liệt để chung tay đẩy lùi virus Corona.

Khu cách ly điều trị bệnh Corona

Thông tin hai nhà khoa học Việt Nam là TS. Lê Quang Hòa và TS. Nguyễn Lê Thu Hà nghiên cứu thành công Kit thử nhanh virus Corona được công bố tại phiên họp toàn thể Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS) chiều 7/2 được giới khoa học trầm trồ.

TS. Lê Quang Hòa – thành viên của công trình nghiên cứu cho biết, sinh phẩm RT-LAMP là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt acid nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. Phản ứng RT-PCR thông thường phải mất 4h cho cả quy trình, nhưng với công trình nghiên cứu này sẽ cho ra kết quả chỉ sau 70 phút.

Trước đây, để xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV, Việt Nam áp dụng phương pháp xét nghiệm giải trình tự gene mất 3-5 ngày, sau đó có mẫu thử của WHO hỗ trợ, kết hợp với phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử, thời gian xét nghiệm rút xuống dưới 9 giờ.

Với kết quả nghiên cứu thần tốc về Kit thử nhanh virus Corona này, giới khoa học thế giới phải ngả mũ trước trí tuệ của người Việt. Bởi ở thời điểm hiện tại thế giới chưa có nước nào phát triển được sinh phẩm chẩn đoán nhanh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng ngừa virus corona, các đặc điểm sinh học của loại virus này cũng chưa có đầy đủ.

Được biết, sinh phẩm RT – LAMP có các ưu điểm nổi bật là thiết bị đơn giản, có khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Công bố kết quả nghiên cứu bộ Kit test nhanh virus Corona tại phiên họp toàn thể Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS) chiều 7/2.

Bà Lê Thị Khánh Vân – Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp bày tỏ mong muốn, Bộ Y tế và Bộ Khoa học & công nghệ sớm hỗ trợ kết quả nghiên cứu này vào thử nghiệm lâm sàng để sớm đưa ra sản xuất đại trà, đóng góp vào test nhanh virus Corona đến tận bệnh viện cấp huyện, không phải chỉ test ở các bệnh viện lớn và phải chờ thời gian lâu như hiện nay.

Trước đó, vào ngày 30/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã chủ trì một Hội nghị các nhà khoa học bàn giải pháp ứng phó dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây nên. Tại cuộc họp, các nhà khoa học đã cùng nhất trí khẩn trương nghiên cứu, chế tạo bộ Kit test nhanh để chủ động ứng phó với dịch nCoV. Bên cạnh đó các nhà khoa học cũng thống nhất xây dựng các đề tài nghiên cứu về dịch tễ học với chủng virus Corona mới, nghiên cứu về lâm sàng chủng virus để từ đó nghiên cứu vắc xin điều trị.

Được biết trong những ngày qua, không chỉ giới khoa học thuộc lĩnh vực y khoa, giới khoa học của cả nước cũng đã chung tay góp phần đẩy lùi dịch virus Corona. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Tiểu ban Truyền thông BCĐ Phòng chống dịch virus Corona – đã có chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Theo ông Nguyễn Thế Trung – CEO Công ty Công nghệ DTT – ngay khi Bộ trưởng Bộ TT&TT có chỉ thị kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ vào cuộc chống virus Corona bằng các ứng dụng công nghệ số, chúng ta đã nhìn thấy nhiều công cụ, sản phẩm công nghệ do các doanh nghiệp Việt được đưa ra.

Giao diện trang chủ Cổng thông tin về dịch corona với sự hỗ trợ từ các công ty công nghệ Việt.

“Rõ ràng, bước đầu các doanh nghiệp công nghệ Việt đã tham gia một cách kịp thời và cũng đã phát huy ngay được tác dụng hỗ trợ công tác phòng dịch do chủng mới của virus Corona gây ra bằng những sản phẩm, giải pháp họ đang có” – ông Trung nói.

Cụ thể, Công ty InfoRe đưa ra hệ thống giúp lọc tin giả (Fake News) về dịch Corona; hay hàng loạt doanh nghiệp làm về E-learning đã sẵn sàng mở cung cấp miễn phí cho người dùng để hỗ trợ giáo viên, học sinh học tập, giảng dạy online qua mạng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh lây lan dịch.

Đặc biệt, ngay từ khi có dịch, Công ty DTT đã bàn với các thành viên của Hệ tri thức Việt số hóa để triển khai các giải pháp hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, cụ thể là xây dựng Cổng thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chung mới của virus corona gây ra tại địa chỉ https://ncov.moh.gov.vn.

Trong quá trình xây dựng Cổng thông tin này ngoài DTT, một loạt doanh nghiệp xung phong tham gia hỗ trợ Bộ Y tế như: VietnamPost cung cấp tiện ích bản đồ sử dụng Vmap.vn – một sản phẩm của Đề án tri thức Việt số hóa để giúp người dân tìm kiếm các địa điểm hỗ trợ phòng dịch đưa lên cổng bản đồ Vmap.vn; InfoRe cung cấp công cụ chống tin giả về dịch; hay Viettel đang làm những ứng dụng tích cực hỗ trợ cho y tế dự phòng…

Nguyễn Tuân/IFN

Đọc nhiều