Kho báu trăm tỷ Việt Nam “lạc” sang Trung Quốc

16/01/2022 08:47

Người Trung Quốc gọi đây là khúc gỗ vàng.

Khúc gỗ vàng từ Việt Nam được thương nhân Thượng Hải “hét” giá 700 tỷ VND. Ảnh: Tanghongren

Khúc gỗ vàng 700 tỷ mới bán

Nói về gỗ sưa, một nhà sưu tầm nổi tiếng Trung Quốc từng nói rằng: “Gỗ sưa là quân tử trong các loài gỗ, không phải người giàu có thì chỉ có người quyền quý mới có thể sở hữu gỗ sưa”.

Giá gỗ sưa trên thị trường Trung Quốc dao động từ chục nghìn NDT đến hàng trăm nghìn NDT/kg. Hầu hết mọi người đều biết và chấp nhận sự thật rằng gỗ sưa rất đắt.

Thậm chí, khi thị trường Trung Quốc khan hiếm nguồn cung thì cơn sốt gỗ sưa của đất nước tỷ dân đã lan sang cả Việt Nam. Từ đó, gỗ sưa Việt Nam dần phổ biến và được đáng giá cao trên thị trường Trung Quốc.

Tại Thượng Hải, từng có một khúc gỗ sưa Việt Nam dài 8m, nặng 1,58 tấn được rao bán giá 200 triệu NDT (khoảng 700 tỷ VND). Con số này thực sự gây sốc với cả người trong giới săn lùng gỗ sưa Trung Quốc, tuy nhiên, chủ nhân khúc gỗ này cho biết, tại thời điểm ra giá, đây là khúc gỗ sưa lớn nhất thế giới.

Khúc gỗ vàng từ Việt Nam được thương nhân Thượng Hải “hét” giá 700 tỷ VND. Ảnh: Tanghongren

Cũng có một số nhà tổ chức triển lãm sẽ mượn khúc gỗ sưa này để trưng trong triển lãm lấy uy với giá thuê 100.000 NDT/ngày (khoảng 360 triệu VND), đồng thời họ còn phải mua bảo hiểm đầy đủ.

Kho báu trăm tỷ này còn được chủ sở hữu nâng niu khi dựng riêng một nhà gỗ cổ kính để lưu giữ. Chỉ riêng số lượng gỗ để dựng nhà cũng phải là gỗ dỡ từ những ngôi nhà cổ, vận chuyển đến Thượng Hải, giá rất cao.

Gỗ sưa Việt Nam lọt vào mắt xanh hoàng đế

Trung Quốc Tại Trung Quốc, gỗ sưa được gọi là hoàng hoa lê. Gỗ sưa phân bố chủ yếu ở Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến (Trung Quốc) và các quốc gia như Việt Nam, Myanmar, Pakistan.

Gỗ sưa Việt Nam được người Trung Quốc gọi là hoàng hoa lê Việt Nam. Có rất nhiều tư liệu lịch sử ghi chép về gỗ sưa Việt Nam, điển hình là câu chuyện Trịnh Hòa hạ Tây Dương.

Chuyện kể rằng, vào khoảng 600 năm trước, trong chuyến thám hiểm thương mại với Tây Dương, khi đi qua khu vực Đông Nam Á, nhóm Trịnh Hòa đã đốn một số cây thân gỗ ở đây để ép thuyền. Sau đó trở về đến Tô Châu, một số thợ thủ công địa phương đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy loại gỗ sưa này. Sau khi thương lượng, những người thợ thủ công đã biến gỗ ép thuyền thành bàn ghế! Một số được dành để tiến cung, dâng lên Chu Chiêm Cơ tức hoàng đế Minh Tuyên Tông bấy giờ.

Bộ bàn ghế được quảng cáo làm từ gỗ sưa Việt Nam được niêm yết giá 1,5 triệu NDT (khoảng 5 tỷ VND) trên một trang thương mại điện tử nổi tiếng Trung Quốc. Ảnh cắt từ màn hình

Bởi vì loại gỗ sưa này có hoa văn rất đẹp, sau khi đánh bóng trở nên nhẵn nhụi như gương trông rất đẹp mắt. Chu Chiêm Cơ cảm thấy quá thần kỳ nên ngay lập tức hạ lệnh tìm cho ra gỗ này. Sau đó tìm được loại gỗ này ở Hải Nam và Việt Nam. Kể từ đó, ông ta đã ra lệnh tiến cung thêm gỗ sưa.

Trong hàng trăm năm sau, do gỗ cống nạp hàng năm, nhiều đồ đạc trong cung đình và phủ đệ của các quan lại triều Minh cũng xuất hiện gỗ sưa Việt Nam.

Đại Thanh Đức Tông hoàng đế thực lục có ghi, vào những năm Quang Tự, khi thi công lăng mộ Từ Hi Thái Hậu, Khánh Thân Vương Dịch Khuông đã đề xuất rằng vật liệu xây dựng trong lăng nên dùng gỗ sưa Việt Nam.

Thực tế, từ nhiều tư liệu, gỗ sưa Việt Nam đã du nhập vào Trung Quốc từ thời Đường nhưng phải đến thời Minh, Thanh, gỗ sưa Việt Nam mới xuất hiện rộng rãi và từ cuối những năm 1990 của thế kỷ XX, gỗ sưa Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ thịnh hành tại Trung Quốc.

Phải may mắn lắm mới sở hữu được gỗ sưa Việt Nam

Theo một thương nhân Trung Quốc, hồi năm 2008, có khoảng 200 tấn gỗ sưa Việt Nam được nhập vào thị trường Trung Quốc. Những năm sau đó, do cơn sốt gỗ sưa của giới thượng lưu Trung Quốc nên thị trường không có nguồn cung và phải may mắn lắm mới mua được gỗ sưa Việt Nam.

Đến những năm 2016, nhiều doanh nghiệp, thương nhân và nhà sưu tầm Trung Quốc nhìn thấy triển vọng nên đã sớm thu mua gỗ sưa từ Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng cũng rất có hạn và đặc biệt là số lượng đó vẫn còn xa mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Theo một cuộc điều tra chưa toàn diện, về cơ bản, số lượng gỗ sưa Việt Nam trong tay các doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc còn rất ít. Do nguồn cung gỗ sưa tại Việt Nam khan hiếm nên thị trường tăng cao qua từng năm. Hiện tại, có rất ít cơ hội để nhìn thấy và mua được gỗ sưa và đồ gỗ mỹ nghệ làm từ gỗ sưa Việt Nam trên thị trường đồ gỗ chuyên nghiệp Trung Quốc.

Trên thị trường gỗ Trung Quốc, nhiều sản phẩm được quảng cáo chế tạo từ gỗ sưa Việt Nam và được hét giá rất cao, tuy nhiên, nguồn gốc và chất lượng những sản phẩm này như thế nào thì không phải ai cũng có thể kiểm chứng được.

Khai Tâm

Đọc nhiều