130115
topics
382825

Khi virus là nhân vật chính

10/04/2020 21:56

Còn lúc nào phù hợp hơn để xem phim về đại dịch vào lúc này, nhất là những phim mang tính hiện thực, lại còn khoa học. Bạn sẽ không chỉ được giải trí mà còn chuẩn bị cho mình một tâm lý phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ít ra xem phim cũng giúp cho việc tự cách ly bớt nhàm chán.

Nếu bạn muốn xem một phim về bệnh dịch vừa hiện thực, chuẩn khoa học vừa hấp dẫn, Contagion (Lây nhiễm- 2011) là lựa chọn đầu bảng. Đây là phim hiếm hoi đề cập đường truyền nhiễm qua bề mặt (fomite) chứ không chỉ giọt bắn như các phim khác. Phim cũng cảnh báo về sự nguy hiểm trong hoàn cảnh dịch bệnh của thói quen sờ tay lên mặt (ước tính hang ngàn lần/ngày) của mọi người.

Với các phim hư cấu khác, nhân vật nào miễn nhiễm với virus sẽ bị đè ra để lấy kháng thể làm thuốc giải. Còn ở Contagion, không hiểu vô tình hay cố ý, nhân vật này có vai trò khá mờ nhạt, dù phải chứng kiến sự ra đi của cả vợ và con gần như cùng lúc. Chuyện phim còn mải xoay quanh các bác sĩ đi chống dịch và dược sĩ điều chế vaccine.

Phim đề cập mọi khía cạnh xung quanh một đại dịch toàn cầu xuất phát từ Hồng Công. Nguyên cớ của việc này là do con người chặt cây cối làm kinh động loài dơi, khiến nó bay vào chuồng lợn đậu chơi… Contagion khai thác đủ kiểu tâm lý sợ hãi của con người trước đại dịch làm chết tới 2,5 triệu người Mỹ trong tổng số 26 triệu người trên thế giới. Phim hấp dẫn bằng sự gan dạ của giới y khoa, khiến khán giả cảm động vì tình người giữa đại dịch.

Contagion từng thành công lớn về doanh thu phòng vé, nhân mùa dịch Covid-19, quay lại thành phim được xem nhiều thứ nhì trong số các phim do Warner Bros sản xuất. Trước đó nó đứng vị trí 270. Phim của đạo diễn Steven Soderbergh quy tụ nhiều sao bự như Marion Cotillard, Matt Damon Jude Law, Gwyneth Paltrow, Kate Winslet… Trong một diễn biến khác, cố vấn khoa học của phim- TS. W. Ian Lipkin, Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch thuộc ĐH Columbia vừa xác nhận với truyền thông mấy ngày trước rằng ông đã dương tính với SARS-CoV-2.

Một phim kinh điển về đại dịch của Mỹ là Outbreak (Bùng phát- 1995) của đạo diễn từng đoạt Oscar Wolfgang Petersen. Phim sáng tạo ra một loại virus mới hoạt động tương tự Ebola. Từ một con khỉ bị bắt trộm từ Zaire đưa về Mỹ, mầm bệnh nhanh chóng lây lan khiến toàn bộ thị trấn Cedar Creek có nguy cơ bị xóa sổ. Phim có thêm các yếu tố hành động phiêu lưu với vai trò người hùng thuộc về các bác sĩ, chuyên gia trong quân đội. Bản thân đội ngũ bác sĩ quân y cũng bị phân hóa thành hai phe đấu tranh một mất một còn. Phim có sự tham gia của các gương mặt gạo cội Dustin Hoffman, Rene Russo, Morgan Freeman. Kevin Spacey bật lên cũng từ vai phụ trong phim này. Phim đứng đầu quầy vé suốt 3 tuần đầu ra mắt và đúng thời điểm phim phát hành, ở Zaire nổ ra dịch bệnh Ebola. Có vẻ các nhà làm Mỹ làm về đại dịch ly kỳ quá khiến công chúng cho rằng chuyện này chỉ có trên phim, dẫn đến tâm lý chủ quan khi Covid-19 xảy đến?!

Khi virus là nhân vật chính - ảnh 1
Tình yêu tuổi teen được thử thách qua đại dịch trong Viral

Phim nổi bật về đại dịch của Hàn Quốc là Flu (Cúm- 2013) cũng có vài nét tương đồng với Outbreak về cấu trúc kịch bản nhưng chuyển vai anh hùng sang cho thường dân. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa một nhân viên cứu hộ khẩn cấp (Jang Hyuk) và nữ bác sĩ xinh đẹp nhưng có phần đỏng đảnh (Soo Ae) đã trở thành cơ may cứu mạng cho nửa triệu cư dân của quận Budang, thành phố Seongnam. Nguyên nhân của dịch bệnh được gắn với nạn buôn người. Ở phim này, sự nguy hiểm của đại dịch được đẩy lên đến cùng cực, cùng với sự quan liêu của chính quyền đã gây nên một thảm họa nhân đạo, khiến số người chết lên tới mức chôn không xuể. Chính phủ gần như rối trí, và người Mỹ định nhúng tay vào để giải quyết dứt điểm theo kiểu xóa sạch dấu vết về dịch bệnh. Về dàn dựng, Flu có nhiều màn bạo lực hơn và cũng thiếu thực tế y khoa hơn. Ngay cả y bác sĩ cũng khá chủ quan khi xúm vào xem bệnh nhân truyền nhiễm đang phun máu phè phè. Tuy nhiên việc đan xen các câu chuyện về tình yêu, gia đình với những màn đấu sức, đấu trí thót tim, Flu dễ sẽ khiến bạn dán mắt vào màn hình từ đầu đến cuối.

Mỹ là cường quốc về phim zombie, nhưng những nhân vật trong Viral (Lan truyền- 2016) hẳn xa lạ với dòng phim này, nên vẫn tỏ ra bàng quan khi một nạn dịch tương tự tấn công địa phương. Sự khác biệt của phim là bệnh dịch lây lan dưới dạng ký sinh trùng, chứ không phải cắn cổ như zombie truyền thống. Nhóm tuổi teen trong phim cũng có màn mở tiệc “thách thức đại dịch” y như thực tế nước Mỹ hồi tháng 3 vừa rồi. Phim cho thấy cách nước Mỹ xử lý bệnh dịch chuyên nghiệp và quyết liệt tới mức nào. Không lạm dụng những cảnh máu me, Viral còn có tác dụng giáo dục giới trẻ về tính chất truyền nhiễm của dịch bệnh.

Xét về độ thật thì chắc không phim nào vượt qua Virus (2019) của đạo diễn Aashiq Abu (Ấn Độ), từ phong cách tài liệu tới diễn xuất. Phim kể lại vụ bùng phát virus Nipah tại bang Kerala vào tháng 6/2018 làm 18 người bị nhiễm, trong đó chỉ 2 người sống sót. Khỏi phải nói, các bác sĩ vui sướng thế nào khi cứu được 2 bệnh nhân này. Cho nên có thể hiểu được vì sao các bác sĩ mua hoa tặng loạt bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi Covid-19 tại Việt Nam.

Contagion là một điển hình cho thấy cuộc chiến với virus đã đủ hấp dẫn, không cần thêm các tuyến nhân vật chính diện phản diện đấu nhau như các phim đại dịch khác.

NGUYỄN MẠNH HÀ/TP

Tags :
Đọc nhiều