Khi Việt Nam lên tiếng, cả thế giới đồng lòng hưởng ứng, Trung Quốc đừng hòng ngang ngược
Trước hành vi gây hấn liên tục của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Việt Nam, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không ngần ngại bày tỏ thái độ mạnh mẽ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền Biển Đông bằng những phát ngôn đầy ấn tượng.
Thẳng thắn đáp trả Công hàm đưa ra ngày 17/04 của phía Trung Quốc và phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào các buổi họp báo 20/4 và 21/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng cứng rắn: “Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Trước đó, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã cứng rắn lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiến hành thành lập trái phép hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông: “Việt Nam phản đối Trung Quốc thành lập cái được gọi là ‘thành phố Tam sa’ và các hành vi có liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình tại Biển Đông…”.
Ngay sau phát ngôn của phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, hàng loạt học giả quốc tế đồng loạt lên tiếng:
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario: thúc giục chính phủ Philippines lên tiếng phản đối, cho rằng hành động này của Trung Quốc nhằm gia tăng kiểm soát ở Biển Đông; Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để theo đuổi các yêu sách phi pháp và rộng lớn ở Biển Đông làm tổn hại đến người dân Philippines, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung.
GS. Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia): hành động mới nhất này của Trung Quốc là hung hăng, phi pháp, không có cơ sở; luật quốc tế không thừa nhận chủ quyền bằng cách xâm chiếm; vi phạm DOC, làm phức tạp nghiêm trọng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông; chính quyền Trung Quốc sẽ đưa ra các quy định, chỉ thị tác động nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền tài phán của cả Việt Nam và Philippines.
Collin Koh (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore): bước đi này tỏ dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ xây thêm các cơ sở và tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực; rõ ràng là Bắc Kinh muốn thống nhất những gì đã chiếm được ở Biển Đông trước khi COC được thông qua. Thậm chí, kể cả khi không đạt được COC, Bắc Kinh sẽ có vị thế mạnh hơn nhiều ở Biển Đông.
GS. James Kraska (Trung tâm Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ): việc bất kỳ quốc gia ven biển nào tuyên bố chủ quyền (hoàn toàn và đầy đủ) đối với vùng biển rộng quá 12 hải lý (tính từ đường cơ sở) đều là bất hợp pháp. Trung Quốc có lịch sử tận dụng các cuộc khủng hoảng để chiếm hữu các lợi thế phục vụ những ý đồ chiến lược của họ.
RFA: trong bối cảnh có các vấn đề chính trị nội bộ, cách Trung Quốc thường làm để xoa dịu dư luận trong nước là thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan và vấn đề mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường nhắm tới là Biển Đông. Việc làm này của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì: (i) Trung Quốc không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; (ii) Trung Quốc đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa nhưng do Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này; (iii) tuyên bố của Trung Quốc vi phạm luật biển quốc tế do các bãi ngầm, cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng.
Rõ ràng, các tuyên bố và hành động của Trung Quốc hiện nay đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều chuyên gia lẫn các nhà chính trị quốc tế. Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe đọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, những hành động cơ bắp của Trung Quốc ở Biển Đông đang thể hiện sự chống lại các nguyên tác cơ bản của luật pháp quốc tế, do đó việc các nước đứng về phía Việt Nam và lên án hành vi của Trung Quốc là đương nhiên.
Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS. Trung Quốc thì ngược lại, không hề có thái độ cầu thị, lắng nghe, hợp tác mà chỉ biết dùng vũ lực để giải quyết vấn đề. Tuyệt đối sẽ không có chuyện nhận được sự ủng hộ của quốc tế.
Hồng Vân
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả