Khi Trung Quốc trở lại là một trung tâm quyền lực của thế giới

11/07/2021 05:45

Phát biểu của ông Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề ra mục tiêu đưa Trung Quốc thành “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, có quyền lực và ảnh hưởng tương xứng trên trường quốc tế”.

Những mục tiêu chiến lược và cách thức để khôi phục vị thế quốc gia mà Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định gợi ra những nguy cơ đối với tình hình chính trị khu vực và thế giới.

Mục tiêu thiên niên kỷ thứ hai

Ngay đầu bài phát biểu, ông Tập Cận Bình đã chỉ rõ mục tiêu thiên niên kỷ thứ hai là đưa Trung Quốc trở thành một đất nước XHCN hiện đại và vĩ đại. Đó là tiến trình đổi mới liên tục để áp dụng những ý tưởng mới, biện pháp mới để tạo nên sức sống và sức mạnh cho Trung Quốc trong thời kỳ mới. Viễn kiến lãnh đạo này được ông Tập nêu ra với niềm tự hào về một dân tộc đã có hơn 5.000 năm lịch sử.

Tầm nhìn lãnh đạo nêu trên gợi nhớ thực tế Trung Quốc đã từng là một cường quốc, cả về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa.

Khi Trung Quốc trở lại là một trung tâm quyền lực của thế giới
5 tuyến đường thuộc sáng kiến Vành đai và con đường. Ảnh: Nhóm quản lý môi trường LHQ

Những người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc giao thương hồi đầu thế kỷ 16 đã không giấu nổi sự thán phục về mức độ giàu có và sáng tạo của đất nước này. Sản phẩm tơ lụa Trung Hoa đã từng trở thành hàng hóa thương mại chủ chốt cho các quan hệ giao thương trải từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á, vùng biển Ấn Độ, vùng Vịnh và biển Đỏ.

Tại Đông Á, nền văn minh Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ và bền vững đến các quốc gia lân bang, như Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á. Trung Hoa cũng đã từng là một đế chế hùng mạnh, có thể chinh phục và thiết lập hệ thống các quốc gia chư hầu vây quanh.

Một quốc gia có quá khứ như vậy nhưng hiện vẫn chưa có được quyền lực và ảnh hưởng tương xứng trong trật tự chính trị khu vực và thế giới. Ông Tập khéo léo khơi gợi quá khứ cường quốc của Trung Quốc thông qua việc nhắc lại một thế kỷ bi thương, bị thực dân, đế quốc chia nhau cai trị và bóc lột.

Có thể thấy, lịch sử hào hùng được sử dụng để làm nền tảng tâm thức cho việc đề ra tầm nhìn lãnh đạo mới khôi phục vị thế cường quốc có nhiều ảnh hưởng và khiến nước khác phải tôn trọng.

Phương thức thực hiện mục tiêu

Bài phát biểu của ông Tập cho thấy quan điểm nhìn nhận về một thế giới bất bình đẳng, cả trong quá khứ và hiện tại. Ông đã dành thời lượng khá nhiều để chỉ ra quá khứ Trung Quốc bị đô hộ, lừa dối và bị bóc lột bởi các thế lực ngoại bang. Nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ĐCS, đã phải tiến hành những cuộc chiến tranh đẫm máu để giành lại độc lập cho dân tộc.

Cũng theo bài phát biểu, mặc dù không chỉ đích danh quốc gia nào, nhưng ngôn từ của ông Tập gợi ra quan điểm thế giới hiện nay vẫn tồn tại tình trạng áp đặt và bá quyền. Các nhà quan sát đều hiểu trật tự thế giới từ sau khi chấm dứt chiến tranh Lạnh đã tạo thuận lợi cho Mỹ vươn lên và trở thành siêu cường có ảnh hưởng nhất thế giới.

Rõ ràng, một trật tự thế giới như vậy là không có lợi cho Trung Quốc, và họ muốn thay đổi.

Thể hiện trong quan điểm của ông Tập là thực tế Trung Quốc hiện vẫn chưa được tôn trọng đúng mức trên trường quốc tế. Để nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia, nhà nước và nhân dân Trung Quốc sẽ sẵn sàng hy sinh để chống lại mọi hình thức áp đặt từ các thế lực bên ngoài.

Ông nói: “Chúng ta sẽ không chấp nhận những lời rao giảng đạo đức từ những kẻ mà họ cảm thấy là họ có quyền dạy dỗ chúng ta… Chúng ta sẽ không cho phép những thế lực bên ngoài lừa dối, áp đặt hay thống trị chúng ta… Bất kỳ ai có ý định làm những điều đó sẽ phải đối đầu với bức tường thành bằng thép, được tạo nên bởi hơn 1,4 tỷ người dân Trung Quốc”.

Cũng từ lăng kính nêu trên, quyền lực cứng (kinh tế và quân sự) được đặc biệt coi trọng trong tiến trình bảo vệ lợi ích và khôi phục vị thế quốc gia của Trung Quốc. Ông Tập kêu gọi thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa quân đội. Bởi theo ông, “một quốc gia mạnh phải có quân đội mạnh vì đó là phương tiện duy nhất để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Quân đội Trung Quốc được coi là một trong 3 phương tiện trụ cột (kinh tế, chính trị, quân sự) để bảo vệ đất nước, duy trì phẩm giá quốc gia cũng như bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Khi Trung Quốc trở lại là một trung tâm quyền lực của thế giới

Nguy cơ đối với chính trị khu vực và thế giới

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình nêu rõ mục tiêu đầy tham vọng cũng như cách thức để thực hiện các mục tiêu đó để đưa Trung Quốc trở lại là một trung tâm quyền lực của khu vực và thế giới.

Tầm nhìn này xuất phát từ nhận thức của Bắc Kinh hiện nay về trình độ phát triển của đất nước cũng như tình hình thế giới, được mô tả gián tiếp là vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, vẫn còn tình trạng bá quyền và áp đặt của thế lực bên ngoài, gây bất lợi cho Trung Quốc.

Về quan điểm và cách tiếp cận, có thể thấy Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận và thích ứng với trật tự thế giới hiện tại. Thay vào đó, họ sẽ xây dựng “những hình thức quan hệ quốc tế mới” để hướng đến hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.

Mặc dù không nói cụ thể nhưng có thể hình dung là Trung Quốc sẽ không đơn giản chấp nhận vai trò và ảnh hưởng bao trùm toàn cầu của Mỹ trong quan hệ quốc tế cũng như trong hoạt động của các thể chế toàn cầu hiện nay (như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới…).

Thay vào đó, bài phát biểu của ông Tập bộc lộ tâm thế “cựu cường quốc” Trung Hoa với hơn 5.000 năm lịch sử. Ý thức nước lớn, có vai trò thiết lập và áp đặt luật chơi đối với nước khác đã trở thành truyền thống và nếp nghĩ quen thuộc trong bang giao quốc tế của Trung Quốc.

Vì thế, trong bài phát biểu, ông Tập không hề giấu giếm ý định tái cấu trúc trật tự chính trị và quan hệ quốc tế theo quan điểm của Trung Quốc.

Về phương tiện để vươn lên, Trung Quốc đặc biệt coi trọng sức mạnh “cứng” kinh tế và quân sự. Điều này cũng gợi ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục không nhượng bộ với các vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia, như Đài Loan, tranh chấp lãnh hải với các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, hay tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Xét tổng thể, tâm thế “Trung Quốc là nước lớn nhưng vẫn đang bị chèn ép và thiệt thòi, chưa có được vị thế và quyền lực tương xứng” bộc lộ khá rõ trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình.

Chính cách tiếp cận nêu trên là nguyên nhân lý giải cho những phê phán từ cộng đồng quốc tế liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đó là sự trỗi dậy “theo cách riêng của Trung Quốc”, gây ra những lo ngại cho thế giới, căng thẳng leo thang trong khu vực, và rất khó quy tụ được đồng minh quốc tế.

TS Nguyễn Văn Đáng 

Đọc nhiều