4
category
618437

Khi phái đoàn thương mại Mỹ đến Việt Nam

Huy Hoàng 10/03/2023 19:30

Ngay sau chuyến thăm của đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai đến Việt Nam hồi tháng 2/2023, thì trong hai ngày 9-10/3, Bộ Thương mại Mỹ đã dẫn phái đoàn thương mại, cùng 17 doanh nghiệp lớn tại Mỹ đến Việt Nam và sau đó là đến các nước ASEAN. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Phái đoàn thương mại của Mỹ đến Việt Nam

Sau hàng thập kỷ, Châu Á hiện nay đã trở thành một châu lục có tiềm năng phát triển về mọi mặt, là trụ cột tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị ở Kazakhstan ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, Châu Á là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, và nơi đây đang hình thành nên những trung tâm quyền lực mới có thể thúc đẩy thế giới trở nên đa cực. Ông Putin khẳng định Nga sẽ tăng cường hợp tác với Châu Á về mọi mặt.

Cùng với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhiều lần nhắc lại thông điệp rằng: “Ngay cả khi nước Mỹ đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu, chính quyền của tôi vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc nhanh chóng thực hiện các chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Sức hấp dẫn của Châu Á ngày một khó cưỡng, nó đang khiến cho những cường quốc châu Âu và châu Mỹ đều xoay trục để đón nhận lợi ích về thương mại. Tuy nhiên, qua nhiều năm sự phát triển, khu vực này cũng theo đó sản sinh ra nhiều cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Và không khó để thấy rằng, Mỹ đang gặp không ít thách thức khi xây dựng chỗ đứng về kinh tế tại Châu Á do vấp phải sức ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đã được xây dựng từ trước khi Mỹ bước chân vào khu vực.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang là một thách thức với Mỹ

Thế nên, hợp tác về kinh tế một cách đơn thuần với các nước Châu Á sẽ là không đủ, Mỹ cần những sáng kiến để có thể đột phá trong việc thiết lập vị thế kinh tế của mình tại đây.

Và chuyến thăm của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đến Việt Nam hồi tháng 2/2023, cũng như chuyến thăm của phái đoàn thương mại Mỹ hiện nay, mở ra một cơ hội lớn cho Việt Nam. Khi khó khăn của người chính là cơ hội của chúng ta. Việt Nam cần chủ động hỗ trợ những sáng kiến để giúp Hoa Kỳ tham gia sâu hơn vào dòng chảy thương mại tại Châu Á. Việc trao đổi những sáng kiến, thay vì chỉ đơn thuần “có gì hợp tác nấy” sẽ là động lực giúp quan hệ Việt – Mỹ thêm gắn kết. Qua đó, không chỉ góp phần tạo được môi trường đa phương trong khu vực mà còn xây dựng được tiếng nói đối với một quốc gia có tiềm lực lớn trên thế giới như Mỹ.

Đến thăm Việt Nam trong 4 ngày, từ ngày 12-15/2, Đại diện Thương mại Katherine Tai cũng khẳng định rằng Mỹ luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương, tăng cường trao đổi về lao động, môi trường, thương mại số, nông nghiệp và sở hữu trí tuệ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

Có quan điểm cho rằng, mục đích chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là thực hiện bá quyền tại khu vực, bằng các hoạt động thao túng kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao nhằm đe dọa, gây sức ép buộc các nước khuất phục trước tham vọng thiết lập một trật tự thế giới “đơn cực” do Mỹ lãnh đạo. Thế nhưng, chuyện đó là bất khả thi hoặc rất khó thực hiện vì như đã nói ở trên, Châu Á đã sản sinh ra nhiều cường quốc, không chỉ Trung Quốc mà còn có Ấn Độ. Các siêu cường khu vực sẽ không để Mỹ thiết lập một vị thế bá quyền tại đây. Minh chứng đó là Ấn Độ từng tỏ rõ quyết tâm rằng không muốn Bộ Tứ trở thành một liên minh về quân sự chống Trung Quốc, mặc dù Trung – Ấn liên tiếp nổ ra xung đột tại biên giới. Nó cho thấy New Delhi không cần dựa hơi Mỹ để giải quyết vấn đề của mình, như cách một số quốc gia Châu Âu đang làm.

Và cũng không chỉ có các nước châu Á mà Nga cũng đang tham gia vào, thông qua hợp tác với Trung Quốc, do đó, dù có muốn Mỹ cũng không thể dễ dàng thiết lập được một vị thế bá quyền ở khu vực, do vấp phải sự cạnh tranh quá lớn. Hay nói một cách khác Mỹ rất khó đạt được ưu thế tuyệt đối ở Châu Á. Thế nên kinh tế vẫn sẽ là trụ cột giữa Mỹ và khu vực, và Việt Nam cần tận dụng thời gian này để phát triển vị thế, kinh tế lẫn tiếng nói của mình.

Huy Hoàng

Đọc nhiều