419
category
425189

Khi những “người hùng” bị quyền lực đánh gục

Bảo An 01/09/2020 09:08

Quyền lực nhà nước mang trong mình bản chất tha hóa. Quyền lực càng tuyệt đối thì sự tha hóa càng tuyệt đối. Nếu ai không giữ được sự trong sạch, liêm khiết; nếu ai không giữ vững bản chất các mạng thì sẽ trở thành “nạn nhân” của quyền lực, bị quyền lực làm cho u mê, thay đổi chính bản chất con người.

Trong thời gian qua, “lò lửa” chống tham nhũng do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người “đốt lò” vẫn luôn rực lửa. Nhiều cán bộ cấp cao bị “vào lò” do những sai phạm mà bản thân mình đã thực hiện. Trong số đó, có không ít người khi “vào lò” khiến mọi người không khỏi nặng lòng trăn trở vì họ là những người có tài, có năng lực, có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của xã hội. Vậy nhưng chữ “tài” lại không bao được chữ “đức”. Vì những giá trị phù phiếm, vì không giữ được khí chất, cốt cách người cách mạng mà họ đã trở thành những “ông quan cách mạng”, bị quyền lực dắt mũi, đi vào con đường của sự tha hóa.

Ngày 08/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đinh La Thăng để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thời điểm bị bắt, ông Đinh La Thăng là Đại biểu Quốc hội, Phó Ban Kinh tế Trung ương. Trước đó, ông Đinh La Thăng từng giữ những chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (2011-2016), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2016-2017)… Khi những sai phạm của ông Đinh La Thăng bị chỉ ra, mọi người không khỏi ngỡ ngàng. Vì trước đó, khi làm lãnh đạo tại Bộ Giao thông vận tải và đặc biệt là trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã có nhiều đóng góp lớn, được mọi người công nhận.

Ông Đinh La Thăng tại tòa án.

Cũng trong năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp và công bố sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng. Trước đó, năm 2015, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Khi nhậm chức, ông Nguyễn Xuân Anh là một trong hai Bí thư Thành ủy trẻ nhất cả nước (40 tuổi). Việc lãnh đạo cấp cao của Đà Nẵng bị xử lý do có sai phạm cũng khiến mọi người không khỏi bất ngờ vì trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, ông Nguyễn Xuân Anh đã công khai số điện thoại và email cá nhân để tiếp nhận phản ánh của người dân, tiến hành không ít cuộc thị sát để giải quyết những điểm nóng tại thành phố…

Ông Nguyễn Xuân Anh khi còn đương chức.

Gần đây nhất, việc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước cũng khiến cộng đồng mạng không khỏi xôn xao. Việc ông Nguyễn Đức Chung lâm vào vòng lao lý là điều mà không ít người đã đoán trước vì trước đó, ông Chung đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Cùng như ông Đinh La Thăng hay ông Nguyễn Xuân Anh, ông Nguyễn Đức Chung trong thời kỳ giữ chức vụ lãnh đạo cũng đã ghi lại nhiều dấu ấn đối với sự phát triển chung của địa phương. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, ông Chung đã ghi dấu ấn sâu sắc trước người dân khi chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Đức Chung.

Ba vị lãnh đạo trên là những người lãnh đạo cấp cao của những thành phố lớn nhất trên cả nước bị lâm vào vòng lao lý. Rõ ràng, khi thực hiện hành vi sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, chứng kiến sự việc trên, mọi người cũng không khỏi trăn trở, băn khoăn. Trên chốn quan trường, nếu không giữ gìn đạo đức và bản lĩnh thì sẽ rất dễ bị quyền lực làm tha hóa, biến chất, biến bản thân một người đang từ vị thế “anh hùng” trở thành người mang danh tội phạm.

Thực tế, không chỉ có ba trường hợp trên, trong thời gian qua, không ít Ủy viên Trung ương Đảng đã bị xử lý như ông Tất Thành Cang (Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên T.Ư Đảng), ông Trần Quốc Cường (Phó Bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc, Ủy viên T.Ư Đảng), ông Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Ủy viên T.Ư Đảng)…

Việc các quan chức cấp cao bị quyền lực “hạ gục” như trên cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc quyền lực bị tha hóa. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của “sự tha hóa quyền lực” nếu không giữ vững được bản lĩnh cách mạng. Một người hôm nay có thể là anh hùng nhưng nếu chạy theo những giá trị tiền tài, danh vọng một cách mù quáng thì rất có thể bị quyền lực đánh bại, trở thành “tội nhân” không còn đường cứu giúp. Cũng từ đây, một vấn đề vô cùng quan trọng đặt ra là làm sao để có thể kiểm soát quyền lực nhà nước? Rõ ràng, việc đào tạo, bồi dưỡng được một cán bộ có năng lực, có khả năng lãnh đạo không hề đơn giản. Nó đòi hỏi công sức, tiền của và thời gian. Vì vậy, việc một cán bộ bị gục ngã trước quyền lực không chỉ là sự thiệt hại cho riêng một ai mà nó là sự mất mát, thất bại chung cho cả tập thể.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều