Khi người khoác áo tu hành đấu tố lẫn nhau!
Rằm tháng Bảy (AL) hằng năm trong tâm thức của người Việt là ngày xá tội vong nhân. Với các tín đồ Phật giáo, đây còn là dịp Vu Lan Báo hiếu. Do đó, không khó để nhận ra các hoạt động cúng bái, lễ hội sôi động trong khoảng thời gian này trên khắp cả nước. Tuy nhiên, cũng từ đó, xuất hiện nhiều tiêu cực. Sự việc hai nhà sư tranh cãi trên mạng xã hội xoay quanh câu chuyện tổ chức các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đại chúng càng cho thấy tính chất nhạy cảm, phức tạp của những tiêu cực này.
Nhiều ngày qua, clip ghi hình ảnh được cho là lễ cúng dường tại chùa Ba Vàng nhân dịp lễ Vu Lan, với sự tham dự của rất đông chư Tăng, Phật tử được chia sẻ trên mạng xã hội. Trong đó, sư thầy Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng) cùng các chư Tăng khác xuất hiện trong clip đã lần lượt nhận lễ từ Phật tử đã gây nên những phản ứng trái chiều. Đáng chú ý, ngày 16/08, Thượng tọa TS Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, TP.HCM) đã thẳng thắn đánh giá: “Cúng dường như chùa Ba Vàng là không phù hợp!”. Đó là phát pháo đầu tiên, mở màn cho một “cuộc chiến” truyền thông giữa hai nhà sư.
Theo dõi các bài báo viết về sự kiện này và trên các phương tiện truyền thông đại chúng của chùa Ba Vàng, chùa Giác Ngộ, nhiều người sẽ không khỏi xót xa khi trước mặt họ không phải là các vị tu sĩ đức cao vọng trọng, không phải là những bậc chân tu hoằng pháp lợi sinh, mà là người trần mắt thịt – phàm tục và còn lắm đa đoan. Cả hai bên đều cố gắng tung ra những bằng chứng bất lợi cho bên còn lại, cố gắng dìm đối phương với lí do không thể ngô nghê hơn, rằng: “Anh cũng sai, cớ sao đòi tôi phải đúng?!”. Càng phô trương, càng hơn thua, hai vị ấy không chỉ khiến hình ảnh bản thân thêm thảm hại, mà còn đẩy cả một tổ chức mà họ đại diện có nguy cơ bị “vạ lây” vì sự sân hận, đố kị của cá nhân.
Lại nhớ, cách đây trên dưới 500 năm, ở châu Âu, cũng đã từng xảy ra một cuộc tranh cãi tương tự giữa hai chức sắc tôn giáo. Martin Luther – một thầy tu thầm lặng, đã công khai thách thức quyền lực của Giáo hoàng. Giáo hoàng, bằng địa vị thần quyền của mình, đã phát động một “cuộc chiến” tâm linh chống lại Luther. Những tranh cãi giữa họ đã làm thay đổi hoàn toàn xã hội châu Âu thời trung cổ, mở ra những chuyển động tích cực từ “đêm trường” phong kiến sang thế kỷ Ánh Sáng.
Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải vào cuộc. Trong đó, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, thống nhất điều lệ, điển chế về cúng dường, bố thí là những việc cần làm trước mắt. Sau đó, giáo hội cần tập trung giải quyết các mâu thuẫn giữa hai bên, tránh để các sự việc tương tự làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của giáo hội. Và cũng đã đến lúc, người dân phải lên tiếng. Chúng ta không muốn thấy một tu sĩ không ra tu sĩ. Phật giáo Việt Nam, với hàng thế kỷ tồn tại và phát triển, cùng sinh-diệt theo vận nước, không thể bị ảnh hưởng vì những cá nhân như thế được!
Hạnh Phúc