Khi nghệ sĩ tự tách lợi ích của mình ra khỏi cộng đồng, hệ lụy vô cùng lớn
Nếu bạn đã từng xem qua “Gái già lắm chiêu 2” sẽ thấy rất rõ bóng dáng của một Ninh Dương Lan Ngọc vai một MC quyền lực, chủ trì một chương trình danh tiếng “Showbiz Secret – Lật mặt showbiz” trong “Gái già lắm chiêu ngoại truyện” của đạo diễn Phương Hằng. Một phụ nữ 51 tuổi cực kỳ giàu, kim cương cả rổ, sổ đỏ cả ký, đặc biệt chủ trì một kênh Youtube vô cùng ăn khách “Đại Nam showbiz’ chuyên “bóc phốt” các khoảng tối của siêu sao Việt.
Với gần nửa triệu người theo dõi trong cùng thời điểm, “gái già lắm chiêu ngoại truyện” đã thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử livestream ở Việt Nam. Nó cho thấy sức mạnh của truyền thông xã hội lớn như thế nào. Chỉ cần ekip 10 người, một streamer không chuyên đã tạo nên sức hút truyền thông khủng khiếp. Một số cá nhân thượng đẳng nói rằng bóc phốt showbiz thì có gì hay, toàn chuyện thị phi không có đóng góp gì cho xã hội. Nhưng họ quên, thực chất xã hội vẫn tiêu thụ các sản phẩm giải trí, và văn nghệ sĩ vẫn tác động trực tiếp từng ngày, từng giờ vào dòng chảy vật lý của xã hội. Một ngôi sao giải trí vẫn sẽ là người bảo vệ tê giác hoặc bán thực phẩm chức năng; kêu gọi chống buôn bán trẻ em hoặc mời chơi crypto đa cấp; giải ngân từ thiện đúng đắn hoặc om lại 6 tháng. Trong buổi livestream xuất chúng của chị Phương Hằng tối qua, nếu chiêm nghiệm lại, ta nhận được những thông điệp cao hơn chuyện cá nhân các nghệ sĩ. Về một khoảng trống truyền thông, một khoảng trống cực kỳ nguy hại về vấn đề an ninh tư tưởng mà nghĩ lại thực sự cay đắng và đáng báo động lại đang tồn tại.
Trên thực tế, hoạt động nghệ thuật là một dạng nghề nghiệp có sức ảnh hưởng khá lớn do đặc tính là được tiếp xúc với nhiều người, có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Có những nghệ sĩ sẵn sàng lên tiếng vì công bằng xã hội, bảo vệ lương tri con người khi cần, là những tượng đài trường tồn trong lòng khán giả. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời đại đồng tiền ngự trị, có nhiều chuyện mà chính nghệ sĩ lại vô tình hay cố ý gây hại gián tiếp cho công chúng. Không hiểu khi xem lại những “viên uống tiểu đường”, “viên sủi trị đau dạ dày”, thậm chí trị cả khối u, các nghệ sĩ đó có cảm nhận một nỗi đau của bệnh nhân nếu chẳng may mua các loại thuốc mà họ quảng cáo đó, tiền mất, tật mang? Hoặc giả khi rủ rê làm giàu bằng tiền ảo, họ có nghĩ một khi mình không hiểu biết mà xúi người khác làm dại thì hậu quả sẽ ra sao?
Trở lại với câu chuyện của Hoài Linh, anh rõ ràng là một người nổi tiếng và được nhiều người gửi gắm niềm tin, bằng chứng là công chúng họ gửi tiền vào tài khoản ủng hộ nườm nượp sau lời kêu gọi của anh. Bởi vậy nên, Hoài Linh không chỉ giữ tiền, anh còn giữ niềm tin, sự gửi gắm từ người hâm mộ anh. Anh giữ cả hy vọng về mong muốn cải thiện chút nào đó đời sống người dân ngay sau thiên tai bão lũ. Thứ khiến công chúng nổi giận không đơn giản là sự mất mát hay chậm trễ về tiền bạc. Cao hơn, đó là nỗi đau xót khi niềm tin về những điều tốt đẹp, thiện lương bỗng dưng trở nên vỡ vụn, khi nhận ra lâu nay, ta đã gửi gắm và ngưỡng mộ sai người. Ở vị thế của người nghệ sĩ có số lượng fan hâm mộ lớn bậc nhất Việt Nam, chẳng lẽ Hoài Linh không biết điều này? Hay anh đã vô tình lãng quên? Hoặc anh cho rằng, với vị thế của anh, chẳng còn điều gì có thể làm lay chuyển?
Có một điều đáng buồn nữa cần nhắc tới, cách làm từ thiện nửa vời của một số nghệ sĩ lại khiến công chúng chĩa mũi dùi vào các cơ quan chính quyền, các đoàn thể, trong khi chính họ là người đến nơi thiệt hại đầu tiên, có người hy sinh khi giúp đỡ đồng bào; và các chiến sĩ quân đội là người tự tay dựng lại nhà, quét dọn bùn lầy cho dân. Họ không chỉ là hô hào, quyên góp, đến trao một số tiền, chụp ảnh làm truyền thông rồi rời đi. Họ đã không bao giờ “quên” hoặc “chậm”.
Thực tế, một số nghệ sĩ đã được công chúng tôn sùng cá nhân tới mức trở thành những vị “hoàng” không ngai, làm cho họ “ngáo quyền lực” và tạo ra sự ảnh hưởng quá lớn lên xã hội. Người viết đặc biệt chú ý đến một đoạn nội dung trong buổi live của CEO Hằng tối qua rằng “Võ Hoàng Yên và Hoài Linh nắm đầu nhiều nhà báo, báo chí, truyền thông bẩn, ai mà đưa tin xấu về họ sẽ bị tẩy chay, thuê giang hồ đánh đấm, uy hiếp. Có nhà báo tư tưởng phản động, chửi bới nhà nước lại được Hoài Linh tiếp tay“. Thực hư thị phi trắng đen thế nào phải đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng? Trường hợp phát biểu trên là thật, thì thực sự đáng báo động. Một khi họ tự tách lợi ích của mình ra khỏi lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc… thì sẽ gây nên những hệ luy vô cùng to lớn. Ở thực tại 5.0 này, thì chuyện những kẻ có tư tưởng phá hoại, ưa kiếm chuyện chống phá nhà nước chúng lập những trang mạng xã hội, thể hiện quan điểm chống phá rõ ràng chẳng hiếm. Những kẻ ấy, người viết cho rằng chúng chẳng đáng sợ, chí ít còn hành xử công khai. Còn lại một số văn nghệ sĩ “núp lùm, tạm ứng niềm tin’ như chị Phương Hằng gọi thì sức phá hủy của chúng với hệ an ninh tư tưởng thực sự khủng khiếp hơn gấp trăm ngàn lần!
Ái Dân