Khi nào cách hành xử “vô pháp, vô thiên” mới chấm dứt?
Không thể lấy cái sai để xử lý cái sai, tuy nhiên cũng không thể dung dưỡng cho cái sai. “Quốc có quốc pháp”, mọi người dân đều phải “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, không ai được phép đặt mình trên pháp luật hay đứng ngoài pháp luật.
Vì một chiếc váy, hai vợ chồng chủ shop thời trang yêu cầu người lấy trộm phải đền bù số tiền gấp gần 100 lần, thậm chí hành hung, quay clip tung lên mạng xã hội.
Từ chiều 3/12, một đoạn clip dài hơn 3 phút được đăng tải gây phẫn nộ cộng đồng mạng. Clip ghi lại cảnh một cô gái đang quỳ gối gào khóc, van xin thảm thiết. Trong khi đó, người phụ nữ (sau này được xác định là chủ shop thời trang) liên tục chửi bới, hành hung, cầm kéo cắt tóc, cắt dây áo… cô gái trẻ.
Sự việc được xác định xảy ra tại một shop thời trang ở thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Nguyên nhân là do cô gái trẻ và một người bạn của mình đã lấy trộm một chiếc váy trị giá 160.000 đồng tại cửa hàng này trước đó.
Ngay trong đêm 3/12, Công an thành phố Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh sự việc, đồng thời khám xét, thu giữ một lượng lớn hàng hóa của shop thời trang này. Ngày 4/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng chủ shop thời trang về tội “Làm nhục người khác” và “Cưỡng đoạt tài sản”, đồng thời thực hiện tạm giam đối với người chồng. Chủ shop thời trang này cũng đang bị xem xét hành vi kinh doanh buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước hết, cần phải nói rõ hành vi trộm cắp của cô gái trẻ tuổi kia là sai, dù rằng giá trị tài sản lấy trộm chỉ 160.000 đồng. Sau khi bị phát hiện, cô gái và bạn của mình đã liên hệ với chủ cửa hàng để xin lỗi. Nếu sự việc chỉ dừng ở đó, có lẽ hai cô gái trẻ đã nhận được một bài học thích đáng cho hành vi sai trái của mình.
Thay vì giúp các em nhận ra cái sai để sửa chữa thì nữ chủ shop thời trang đã yêu cầu hai cô gái trẻ phải đến nói chuyện và có hành vi đánh đập, đe dọa, quay clip. Vợ chồng chủ quán còn ra “tối hậu thư”, yêu cầu trong vòng 3 ngày hai cô gái phải chồng đủ mỗi người 15 triệu đồng mới bỏ qua, sau đó “mức bồi thường” được hạ xuống 10 triệu đồng. Một trong hai cô gái do không có tiền, bị ép viết đơn khất nợ và đây cũng chính là người bị vợ chồng chủ shop thời trang hành hung, làm nhục sau đó.
Họ không tin vào cơ quan chức năng chăng? Hay do thiếu hiểu biết pháp luật? Cả hai lý do tôi đều thấy không thuyết phục, bởi họ sống ngay khu vực buôn bán sầm uất bậc nhất của thành phố Thanh Hóa chứ không phải khu vực xa xôi hẻo lánh gì và thậm chí, cũng đã tính đến chuyện “báo công an” giải quyết vụ việc nếu hai cô gái không chấp nhận “phương án” mình đưa ra.
Tôi cho rằng, mục đích cuối cùng của họ không phải là giúp những cô gái kia biết sai và sửa sai. Lòng tham và thái độ xem thường pháp luật ấy không chỉ gây tổn thương đến cô gái trẻ kia mà còn khiến họ phải vướng vòng lao lý, thậm chí mất hết tất cả chỉ vì chiếc váy trị giá 160.000 đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được giải quyết bằng “tự xử”. Việc tự giải quyết các vụ việc với biện pháp cực đoan, vi phạm pháp luật trở thành một “trào lưu” nguy hiểm, nếu không ngăn chặn sẽ gây ra nhiều hệ lụy, nguy hại hơn, khiến những quy định của pháp luật không được thực thi.
Không thể lấy cái sai để xử lý cái sai, tuy nhiên cũng không thể dung dưỡng cho cái sai. Trong vụ việc này, hành vi của vợ chồng chủ shop thời trang sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật hình sự. Việc ổn định tâm lý cho nạn nhân đang được gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể quan tâm, tuy nhiên hành vi trộm cắp của hai cô gái trẻ cũng cần phải được xem xét, quan trọng nhất để các em nhận ra được cái sai và không tái phạm.
“Quốc có quốc pháp”, mọi người dân đều phải “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, không ai được phép đặt mình trên pháp luật hay đứng ngoài pháp luật. Trong một nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi vấn đề đều phải giải quyết dựa trên các quy định của pháp luật, tôn trọng pháp luật.
Hoàng Lam