419
category
467912

Khi đại gia trở thành dân oan: Gửi tiền ngân hàng ngang giao trứng cho ác?

22/01/2021 14:49

Sau vụ bà Chu Thị Bình và Eximbank tranh chấp 245 tỷ tiền gửi, lại xuất hiện một vụ tiền gửi ngân hàng bị “thó” gây rúng động. Tại ngân hàng PvcomBank, cán bộ làm giả giấy tờ chiếm đoạt 52 tỷ của khách, điều đáng nói khách hàng bị đối xử như tội phạm.

Theo đó, ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ là bà Tạ Thị Thu Trang gửi 52 tỉ đồng, chia làm 3 sổ tiết kiệm tại PVcomBank, một sổ trị giá 12 tỉ đồng đứng tên ông Toàn, 2 sổ còn lại trị giá 40 tỉ đồng đứng tên bà Trang.

Đến cuối năm 2018, vợ chồng ông Toàn phát hiện cả 3 sổ tiết kiệm của mình bị phong tỏa do cầm cố để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại PVcomBank nên gửi đơn tố cáo đến Công an TP.Hà Nội và các cơ quan liên quan.

Công an Hà Nội phát hiện một số cán bộ ngân hàng cấu kết với người bên ngoài giả mạo hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng, trong đó có PVcomBank. 3 quyển sổ tiết kiệm đứng tên ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Tạ Thị Thu Trang được cầm cố để bảo lãnh cho Công ty TNHH cơ điện và xây dựng Jeongho Landmark VN (Công ty Jeongho) vay vốn tại PVcomBank.

Tuy nhiên, ông Toàn khẳng định không biết Công ty Jeongho và chưa bao giờ ký vào các văn bản bảo lãnh vay vốn cho công ty này vay vốn. Ngày 20.3.2019, Công an TP.Hà Nội có thông báo kết luận giám định trả lời ông Toàn cho biết chữ ký, chữ viết trong hợp đồng vay vốn là giả mạo.

Đến nay, các cơ quan tố tụng TP.Hà Nội đã truy tố 17 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ngụ Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và đồng phạm đã cấu kết với một số cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 432 tỉ đồng của 3 NH, trong đó tại PVcomBank là 49,4 tỉ đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ việc nêu trên, PVcomBank đã 4 lần có văn bản cam kết trả lại tiền cho vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 3 quyển sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn vẫn đang bị phong tỏa.

Một vụ việc “hai năm rõ mười” nhưng PVcomBank đang biến một đại gia thành dân oan trong nhiều năm đi kêu gào đòi lại tiền của mình. Dù nhìn dưới gốc độ dân sự hay hình sự thì PVcomBank đã tạo ra một lỗ hổng như một hố đen vũ trụ trong quản trị, để cho người của mình lợi dụng gây án. Việc này gây thiệt hại trực tiếp người gửi tiền. Việc PVcomBank phải trả lại tiền cho người gửi là đương nhiên. Thậm chí phải đền bù thiệt hại vật chất, tinh thần cho nạn nhân, nếu thật sự cầu thị.

Càng không thể chấp nhận hơn là cách hành xử của phía Ngân hàng Pvcombank đối với khách hàng của mình. Thật khó mà bình tĩnh, khi nhìn hình ảnh ông Toàn bị bảo vệ của ngân hàng nắm cổ áo đẩy ra cửa; cùng những lần khác, họ đứng dàn hàng cấm cửa và đưa loa to hô hét như trấn áp tội phạm. Họ đã không bảo vệ khách hàng của họ, mà ngược lại, đối xử với khách hàng (vốn đang là nạn nhân của họ), chẳng khác gì tội phạm.

Làm như vậy, ngân hàng sinh ra có phải để bảo vệ tài chính cho người dân hay không? Một sự thật phải được công nhận là: PVcombank đã không làm đúng cái chức năng chủ chốt đó. Tiền của khách hàng vào Ngân hàng họ đã không còn là nơi tìm đến với một bến đỗ an toàn, mà đang tìm đến với một chốn rủi ro và khách hàng không còn được tôn trọng về mặt nhân quyền nữa! PVcombank đã tạo ra một vết đen khó có thể tẩy rửa tron môi trường tài chính tại Việt Nam.

Càng chây ì trả quyền lợi chính đáng cho ông Toàn, có lẽ PVcomBank càng cố đạp đổ niềm tin dành cho mình mà thôi!

T.H

Đọc nhiều