419
category
404569

Khi cán bộ nghỉ hưu bỗng nhiên trở thành “chiến sĩ dân chủ”

Hải Anh 27/06/2020 15:59

Thực tế, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích việc góp ý, phản biện, trân trọng ý kiến tâm huyết của những cán bộ nghỉ hưu, nhưng việc phát ngôn thiếu chuẩn mực và bị lợi dụng rất cần được chấn chỉnh, xử lý. Đặc biệt, hiện tượng cán bộ nghỉ hưu có những phát ngôn, lời nói, việc làm thiếu chuẩn mực, khác thường so với lúc còn đương chức thời gian qua có nhiều trường hợp đã gây ra những hậu quả xấu, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.

Hiện nay có số ít cán bộ, đảng viên mà trong đó có người đã từng giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước đã nghỉ theo chế độ hoặc do vi phạm khuyết điểm nên đã nghỉ hưu. Để bảo vệ cái gọi là “danh dự”, “nhân phẩm” và che đậy những sai phạm của mình, họ đã vội vàng “quay đầu” chỉ trích Đảng, Nhà nước. Từ đó, họ được các thế lực thù địch, phần tử phản động hà hơi, tiếp sức, “ca ngợi”, “tung hô” như những “người hùng”. Để rồi những “chiến sĩ dân chủ” bỏ đảng lao vào viết, phát ngôn, hành động với nhiều nội dung không đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng để các phần tử xấu, thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, gây phương hại đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trả lời phỏng vấn BBC, ông Thuận xuyên tạc rất nhiều tình tiết về vụ Đồng Tâm (Hà Nội) và mô tả một cách rùng rợn bằng những thông tin hoàn toàn xuyên tạc và bịa đặt.

Xin đưa ra một ví dụ là ông Trần Quốc Thuận, từng là Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội. Giống như các “nhà dân chủ” Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đình Cống, Tương Lai…, từ lúc nghỉ hưu, ông Thuận bỗng trở thành “chiến sĩ dân chủ” của giới “dân chủ” giả danh.

Ông Thuận thường xuyên trả lời phỏng vấn của BBC – một hãng thông tấn nước ngoài có tư tưởng thù địch với Việt Nam và nhiều trang mạng phản động khác. Gần nhất là ngày 15-3, trả lời phỏng vấn BBC, ông Thuận xuyên tạc rất nhiều tình tiết về vụ Đồng Tâm (Hà Nội) và mô tả một cách rùng rợn bằng những thông tin hoàn toàn xuyên tạc và bịa đặt.

Tiêu biểu, trong bài viết mới đây của RFA có tiêu đề: “Hô hào ‘đổi mới’ bầu cử nhưng vẫn theo cách cũ: sao có nhân sự tốt?” đã tổng hợp rất nhiều câu trả lời phỏng vấn của nhiều nhà “chiến sĩ dân chủ” của Việt Nam đã nghỉ hưu. Trong đó có những tên gọi quen thuộc như: Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa; Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam; Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng…

Với những luận điệu xuyên tạc, phiến diện của mình, những “cán bộ, giáo sư, luật sư,..” cho rằng “Việc đổi mới bầu cử chẳng có gì là mới cả, chỉ là những điệu kèn cũ rích ò e í quay lại mà thôi. Mà những điệu kèn ấy không có tác dụng, tại vì phần lớn những cái mấy ổng nêu ra đều là những tiêu chuẩn chung chung, định tính, không thể nào đánh giá được cả. Thậm chí có những tiêu chuẩn phản tiến bộ, thành ra kiểu làm việc của ông Trọng nêu ra như thế là để hù dọa lẫn nhau thôi”.

Những người này phần lớn là những đối tượng thiếu bản lĩnh chính trị, được các trang mạng tung hô, tán dương bằng những mỹ danh yêu nước, dân chủ, đổi mới mà không biết mình đang bị lợi dụng và trở thành con rối trong tay thế lực chống phá, phản động.

Trong bài viết mới đây của RFA có tiêu đề: “Hô hào ‘đổi mới’ bầu cử nhưng vẫn theo cách cũ: sao có nhân sự tốt?” đã tổng hợp rất nhiều câu trả lời phỏng vấn của nhiều nhà “chiến sĩ dân chủ” của Việt Nam đã nghỉ hưu.

Hãy kiên định cả trong lời nói và việc làm dù trước hay sau khi nghỉ hưu

Thực tế, cán bộ nghỉ hưu là một bộ phận quan trọng của xã hội. Đại đa số cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu vẫn phát huy tính tiên phong gương mẫu, kiên định lập trường, tư tưởng. Nhiều người dù đã nghỉ hưu nhưng trí còn sáng, còn nhiệt huyết với cộng đồng. Tiếng nói của họ có sức nặng trong xã hội bởi kiến thức, kinh nghiệm và uy tín tích lũy sau nhiều năm công tác. Lúc nghỉ hưu là dịp để mỗi người có thời gian chiêm nghiệm, đúc kết và bày tỏ những kinh nghiệm, tâm huyết đối với Đảng, Nhà nước, với xã hội.

Bất cứ đảng viên nào của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đều là những chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, tự nguyện suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, không bóc lột; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Tuy nhiên, có một bộ phận khi nghỉ hưu do thiếu thông tin, không còn sự quản lý của tổ chức lại hay “luận bàn thế sự”, thường có những phát ngôn, bình luận thiếu ý thức chính trị và dễ bị kích động. Họ đi ngược lại con đường cách mạng của Đảng, của nhân dân, trở thành những “át chủ bài” của các thế lực thù địch trong việc chống phá Đảng, Nhà nước.

Những biểu hiện này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng trên và đề ra hệ thống các giải pháp cấp bách để tiếp tục đổi mới, xây dựng Đảng về “chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Vì vậy, những con người tự nhận là “chiến sĩ dân chủ” đó thực chất là những kẻ cơ hội về chính trị; lợi dụng dân chủ để chống Đảng, cố ý nói, viết và làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ lấy các ví dụ cụ thể sự yếu kém của một bộ phận để đánh đồng cho toàn Đảng là một cách nhận định, đánh giá thiếu khách quan.

Vô hình chung, chính bản thân những cán bộ nghỉ hưu này đã tự ghép mình vào cái bộ phận yếu kém, cái khối u ác tính, xấu độc mà Đảng ta đang tích cực đấu tranh để loại bỏ, làm cho cơ thể của Đảng ngày một trong sạch hơn, khỏe mạnh hơn. Chính vì thế, mỗi người dân cần cảnh giác, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin. Đừng để những thông tin xuyên tạc làm lệch lạc suy nghĩ nhận thức.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều