3
category
508209

Khi cả hai vị Tướng Công an và Quân đội đều nói về tư duy mới, nhận thức mới

Thái Thanh 31/03/2021 14:29

Chỉ cần một hành động không tự chủ của người dân và sự không thống nhất của chính quyền Myanmar trong quản lý, đã đủ đẩy đất nước này rơi vào khủng hoảng, chia cắt. Bạo loạn tại Myanmar – đây cũng chính là cơ hội cho mỗi người nhận diện và củng cố thêm về góc nhìn thời cuộc: Không một quốc gia nào có thể thịnh vượng, khi mà số đông người dân không có được cuộc sống bình yên, lực lượng quân sự không đảm bảo được an ninh.

Bạo loạn ở Myanmar có thể sẽ khiến nước này khó lòng phát triển trong vài năm tới

Bất kỳ quốc gia nào, lực lượng vũ trang luôn đóng vai trò là nòng cốt quyết định đến vận mệnh của cả một dân tộc. Thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam, lực lượng vũ trang – quân đội và công an đang thể hiện tốt vai trò nòng cốt, là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ Tổ quốc, nhân dân.

Có thể thấy, nhiệm vụ của hai lực lượng này ngày càng nặng nề khi thời cuộc có nhiều thách thức, cả hai lực lượng đều đấu tranh, tác chiến thường trực, trong môi trường đầy khốc liệt, chỉ cần một phút lơ là, hay chủ quan là biết bao hệ lụy xảy ra liền kề, an ninh quốc gia bị đe dọa.

Căng thẳng trên biển Đông chưa một ngày lặng sóng, hàng ngày các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió trực chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, dù khó nhọc không chùn bước. Nơi đất liền, hàng ngày, các trinh sát tỏa ra làm nhiệm vụ, không chỉ truy bắt tội phạm về kinh tế, ma túy, cướp của, giết người diễn ra nhan nhãn hàng ngày, mà còn đấu tranh, chặn đứng, vô hiệu hóa các âm mưu, hành động gây bạo loạn của các thế lực thù địch, phản động. Nhất là trong thời điểm cách mạng màu, thủ đoạn đầu độc thông tin được thế lực thù địch tung ra ngày càng tinh vi, thâm độc, muốn lợi dụng sự non kém của người dân về nhận thức thông tin để chống phá đất nước, thì cuộc đấu tranh, đẩy lùi thông tin đen là điều không mấy dễ dàng. Mà nếu như, không thực hiện được, thì người dân sẽ không thể có được môi trường sạch để mưu cầu hạnh phúc, tìm thấy sự bình an và tệ hại hơn sẽ như Myanmar hiện nay, đất nước rơi vào khói lửa điêu linh, chưa lối thoát.

Nếu như trên đất nước, mỗi người dân được ví như là cây tre, nhiều cây kết thành lũy để xây dựng nên quê hương, đất nước thì lực lượng vũ trang, mỗi một người chiến sĩ từ công an, một anh bộ đội chính là những chiếc đốt của cây tre, nâng đỡ, giúp cây tre đủ điều kiện cần để sống và tận hưởng cuộc sống. Một đất nước nếu như không có những lực lượng nòng cốt sẽ chẳng thể nào lèo lái đất nước đi qua thời cuộc, trưởng thành hơn qua bão tố. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của những “chiếc đốt tre”, giai đoạn nào các thế lực chống phá cũng tìm mọi cách tấn công vào uy tín của lực lượng vũ trang, để chính quyền mất uy tín với nhân dân, để “rắn mất đầu” tha hồ mà giật giây, kích động.

Điều đó dễ dàng thấy nhất là trong giai đoạn cả nước chống dịch Covid, rất nhiều tổ chức phản động chống phá lưu vong và cả những người cực đoan trong nước mong muốn Việt Nam “vỡ trận”, thậm chí để đạt được mục đích muốn chính quyền mất uy tín với nhân dân, chúng tung tin xuyên tạc “người nhiễm, người chết và giấu dịch” – trong khi đó, điều trái ngược là bạn bè quốc tế hết lời ca ngợi Việt Nam, đặc biệt gửi phái đoàn sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm chống dịch.

Những đợt dịch Covid cứ đến rồi đi, sau mỗi giai đoạn Việt Nam tuyên bố chiến thắng dịch, thế giới không khỏi ngạc nhiên, thậm chí khá nhiều người nước ngoài phải “ồ lên” khi sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từ chính quyền và người dân. Một lời hiệu triệu của Chính phủ “toàn dân chống dịch”, “chống dịch như chống giặc” là từ biên cương, đến nội ô, ngoại thành công an, quân đội tỏa ra mọi ngóc ngách tuần tra, truy vết. Cùng lúc hệ thống camera “chạy bằng cơm” kích hoạt, chỉ cần người dân phát hiện ai đó trốn cách ly, người nước ngoài nhập cảnh chui thì xác định công an nhanh chóng có mặt “bế đi”. Người dân có gì góp đó, một thùng mì, một ký gạo hay tiền mua vắc-xin được nguyên góp trong tích tắc.

Các cán bộ chiến sĩ Việt Nam có mặt tại Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Đối với bất kỳ quốc gia nào, nhân tố con người luôn là trung tâm. Đại hội XIII của Đảng đã xác định phương hướng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”. Đại hội XIII cũng xác định rõ: “Bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng”.

Và những điều trên, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra ngày 28-3, cũng đã được Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khái quát trong chuyên đề “Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia”; Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang cũng nêu rõ “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”. Cả hai vị Tướng đều nói đến tư duy mới, nhận thức mới, trong đó nhân tố con người, an ninh con người được đặt làm trung tâm của mọi hoạt động.

Trong đó cốt lõi vấn đề: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Phải chuyển từ tư duy thụ động, bó hẹp, khép kín, biệt lập sang tư duy chủ động, hợp tác và phát triển. Phải bảo vệ an ninh quốc gia từ xa, từ sớm, tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia, bảo vệ an ninh không gian, vùng trời quốc gia, bảo vệ an ninh dưới lòng đất quốc gia” được Đại tướng Tô Lâm xác định rõ biên độ và định hình. Điều này hoàn toàn phù hợp trong thời đại mới, và cũng chính những định hướng đúng trong công tác tác chiến, tham mưu đã giúp Việt Nam tránh được những cuộc cách mạng màu, âm mưu kích động người dân Việt Nam lao vào con đường tăm tối của những kẻ nhân danh đấu tranh “dân chủ, nhân quyền”, tránh được những thảm họa như Myanmar hiện nay, mất an ninh, mất độc lập và trượt dài trong “bóng đêm” – trở thành con cờ, con rối cho ngoại bang.

Cuối cùng, một quốc gia không thống nhất, chính quyền – nhân dân – lực lượng vũ trang không đứng cùng một chiến tuyến, thì quốc gia không thế mạnh. Một quốc gia không xác định được vị thế của mình, không có mục tiêu chung và không có lực lượng vũ trang – chẳng khác nào cây tre không có lõi, chỉ cần một trận phong ba diễn ra thì tất cả ngã sạp xuống, ngóc đầu không nổi.

Thái Thanh

Đọc nhiều