419
category
445614

Kẻ nghiện ngập không xứng đáng trở thành “người bệnh”

Như Yên 03/11/2020 15:24

Gần đây, vụ nữ sinh ngân hàng bị sát hại khiến nhiều người phẫn nộ về hành vi mất nhân tính của những kẻ thủ ác. Hung thủ đã bị bắt sẽ được xử lý theo quy định của Pháp luật nhưng nỗi đau, sự tiếc nuối của gia đình nạn nhân thì sẽ vẫn còn mãi. Chúng ta lại đặt ra câu hỏi làm cách nào để bảo vệ phụ nữ tốt hơn khi mà nạn nhân của đa số những vụ cướp của, giết người đều là phái yếu.

Cần xử lý nghiêm khắc hơn trong việc sử dụng ma túy

Từ lâu, vấn nạn buôn bán và sử dụng các chất ma túy đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội, ngoài việc bắt giữ những kẻ đầu sỏ trong đường dây vận chuyển và buôn bán hàng trắng thì vẫn cần lắm những biện pháp xử lý hình sự thích đáng những kẻ đang sử dụng. Có thể thấy, các em học sinh nữ chân yếu, tay mềm luôn là mục tiêu của những kẻ phạm tội. Ai cũng biết rằng những kẻ nghiện ngập sức “trói gà không chặt” thì chỉ có thể nhắm vào các đối tượng yếu thế hơn để cướp bóc. Thậm chí khi đã lên cơn nghiện, thuốc đã ngấm vào người rồi thì dù chỉ có một ít của cải chúng cũng sẵn sàng ra tay sát hại nạn nhân.

Nói một cách đơn giản, nếu một người bình thường chỉ có ý định cướp của thì nạn nhân chỉ tổn thất về tài sản. Nhưng đối với những kẻ nghiện ngập, một khi đã đến “cử thuốc” mà không có thì bằng mọi giá dù là cướp của, giết người bọn chúng chẳng mảy may lo sợ. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành, người nghiện được coi là người bệnh nên không vi phạm pháp luật về hình sự, vì vậy cũng không có nhiều chế tài để quản lý chặt hơn. Mặt khác, chưa có nhiều những đánh giá, tổng kết về những biện pháp, hiệu quả trong quản lý người nghiện, người cai nghiện, người tái nghiện trong cộng đồng. Mong rằng, qua những vụ án do người nghiện gây ra thời gian qua, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những biện pháp quản lý người nghiện, người sau cai nghiện, người tái nghiện chặt chẽ, hiệu quả hơn, từ đó có thể để ngăn chặn tội ác tương tự.

Cần phải nhìn nhận rõ vấn đề, có cầu ắt sẽ có cung, nếu chỉ xử lý những người vận chuyển và mua bán ma túy thì chỉ mới chặn được ngọn ngành chứ cái gốc rễ bên trong vẫn còn đó. Khi vẫn còn người có nhu cầu sử dụng ma túy thì vẫn sẽ có người kinh doanh vì ai cũng hiểu được lợi nhuận mà thứ “vàng trắng” này mang lại. Thế nên, việc ban hành luật về xử lý người sử dụng các chất ma túy là vô cùng cần thiết. Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự (Điều 199). Thực tế cho thấy, khi xử lý hình sự về tội này đã có tác dụng răn đe tốt, nếu được tiếp tục duy trì thì có thể sẽ không có thêm nhiều vụ cướp của giết người thương tâm.

Hơn nữa, từ sau vụ nữ sinh Học viện ngân hàng bị sát hại, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khẳng định dự luật Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất bổ sung các chế tài cả về việc vận chuyển, buôn bán và sử dụng chất ma túy. Bộ Công an xác định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, là nguyên nhân gây ra các loại tội phạm khác. Trên 50% người bị giam giữ trong trại giam của Bộ Công an liên quan đến ma túy. Hy vọng dự luật sẽ nhanh chóng được thông qua phù hợp với thực tiễn phòng chống ma túy và có chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Phụ nữ – Đối tượng dễ dàng tấn công

Không chỉ riêng gì ở Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới cũng đang rất nỗ lực trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi các cuộc tấn công, xâm hại tình dục và nạn cướp giật. Một tên cướp, đặc biệt là tên nghiện sẽ không bao giờ đầu hàng cho dù cảnh sát đang chạy thục mạng đuổi theo hắn và hét “Đứng lại! Không được chạy!”. Và không phải lúc nào mọi người cũng có mặt kịp thời và sẵn sàng đưa một cánh tay ra để giúp đỡ các chị em khi gặp hiểm nguy. Vì vậy, tốt nhất, mỗi chị em chúng ta nên trang bị cho mình một số kiến thức kỹ năng phòng vệ cho bản thân để tự mình tìm lấy cơ hội thoát thân trong những trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra.

Ở trong vụ án của nữ sinh học viện ngân hàng, nạn nhân có vai trò trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện ở khâu làm nảy sinh ý định phạm tội và giúp cho tội phạm được thực hiện thuận lợi. Nếu nạn nhân không đứng ở khu vực vắng người qua lại và không để lộ tài sản (điện thoại di động) thì có thể đã không dẫn đến cái chết thương tâm. Cơ bản, hai thủ phạm vốn dĩ không có ý định cướp của nhưng trong tình huống “miếng mồi ngon trước mặt” thì ai mà không nảy sinh ý đồ xấu. Giá như nạn nhân có ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm và biết cách tự bảo vệ bản thân trước kẻ xấu thì mọi chuyện có lẽ đã khác.

Khu vực nữ sinh bị sát hại vô cùng vắng vẻ

Lật lại các vụ án trước đây, như vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị bắt cóc, cưỡng hiếp và sát hại dã man đã từng một thời gây rúng động xã hội. Mặc dù nguyên nhân có xuất phát từ việc mẹ của nữ sinh giao gà với những kẻ thủ ác đi chăng nữa thì nếu em ấy không đi đến nơi vắng vẻ một mình thì đã không có những chuyện đáng tiếc xảy ra. Cả người lớn và chính bản thân các nữ sinh vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mình trước các tình huống xấu nhất có thể xảy đến.

Thật ra, tôi thấy trẻ em Việt Nam từ nhỏ được giáo dục phải lễ phép, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo. Hầu như rất hiếm khi dạy các bé cách phòng vệ và để đề phòng trước kẻ xấu. Đa số những nạn nhân trong các vụ án cướp của giết người là phụ nữ, trẻ em và người già. Về người già và trẻ em là những đối tượng yếu thế và cần có người bên cạnh chăm sóc, những trường hợp này khó mà chống đối hay tự vệ được. Riêng về phụ nữ, trước giờ luôn được nhận định là phái yếu, luôn cần được bảo vệ. Tôi cảm thấy ý kiến này chỉ đúng ở một phần nào đó, phụ nữ vẫn có thể tự bảo vệ được bản thân mình khỏi các tình huống xấu nếu được hướng dẫn trước đó. Vậy tại sao chúng ta lại không dạy phụ nữ cách phòng vệ?

Một số người đặt ra câu hỏi phải hướng dẫn phụ nữ bắt đầu từ đâu? Trước tiên, tôi nghĩ mọi người ai cũng nên học bơi vì trong một vài trường hợp cấp bách bạn bắt buộc phải nhảy xuống nước để chạy thoát thân. Thêm nữa, nên tổ chức thêm nhiều buổi huấn luyện các thế võ phòng vệ đơn giản để có thể chống trả. Nhưng đây chỉ là trong các trường hợp xấu nhất. Nếu tội phạm chỉ có ý định cướp của thì riêng cá nhân tôi nghĩ nên đưa tài sản cho chúng và rời đi. Bọn cướp lúc nào cũng mang theo vũ khí trong người, đặc biệt những kẻ nghiện có khả năng cao lây nhiễm HIV chỉ bằng một ống kim tiêm. Cách tốt nhất vẫn là bảo vệ tính mạng của bản thân, tài sản cũng chỉ là vật ngoài thân mà thôi!

Vì vậy, gia đình, nhà trường, các cơ quan pháp luật cần thường xuyên quan tâm, giáo dục ý thức pháp luật, ý thức cảnh giác, không xuất hiện tại khu vực vắng vẻ khi trời tối, không để lộ ra tài sản, những kỹ năng ứng phó (tri hô, kêu cứu, bỏ chạy, tự vệ). Nhưng hơn hết, bản thân mỗi người nhất là các bạn nữ phải tự có ý thức bảo vệ bản thân mình hơn, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu thực hiện hành vi phạm tội. Một xã hội nhất định phải có người tốt kẻ xấu, mặc dù kẻ phạm tội sẽ bị pháp luật trừng phạt thích đáng, đừng để mình trở thành nạn nhân một cách oan uổng nhé.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều