128026
category
458650

Kẻ nào đã cung cấp thông tin cá nhân của dân?

20/12/2020 05:28

Tôi nhận được cuộc gọi vào trưa thứ bảy từ số điện thoại lạ, dòng chữ “Bộ Công an” hiện lên màn hình.

“Xin chào anh Vũ Hồng Thanh, chúng tôi gọi cho anh từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03, Bộ Công an. Tôi là Hoàng, Nguyễn Đại Hoàng, điều tra viên. Liên quan đến một vụ án kinh tế, chúng tôi đề nghị anh hợp tác ngay nhằm xác minh thông tin”, giọng đàn ông tỏ ra rất nghiêm túc.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo qua điện thoại, bằng công nghệ cao, báo chí, ngành chức năng cảnh báo nhiều, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì, “điều tra viên” đọc vanh vách: “số chứng minh thư nhân dân của anh là”, “quê quán của anh là”, “địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của anh là”. Rồi tới tên bố tôi, mẹ, vợ, thông tin chính xác đến 99%. Tôi trả lời “vâng” theo quán tính.

Đầu dây bên kia nói tiếp: “hiện tài khoản ngân hàng của anh có số…, tại ngân hàng…, đang liên quan trực tiếp đến một vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Tôi thông báo cho anh biết tài khoản của anh sẽ bị phong tỏa và khóa vĩnh viễn trong vòng 15 phút 30 giây nữa. Để đảm bảo quyền lợi cho anh, đề nghị giữ bí mật thông tin trên và chuyển toàn bộ số tiền có giá trị hai trăm chín mươi lăm triệu sáu trăm ba mươi ngàn đồng vào số tài khoản…”.

Tôi bắt đầu mất bình tĩnh. Đó chính là số tiền tôi có trong tài khoản. “Dạ, vâng, cảm ơn anh” – “Chúng tôi sẽ gọi lại cho anh trong 15 phút nữa để thông báo việc của anh đã hoàn thành chưa”, người kia nói. Đầu óc quay cuồng, tôi như bị thôi miên, mở ứng dụng trên điện thoại di động và bắt đầu chuyển tiền.

Bỗng tiếng chuông cửa vang lên, tôi chạy xuống tầng một mở cổng. Bác tổ phó dân phố gửi giấy đi họp cuối năm. Giật mình, tôi nhớ đến các vụ án lừa đảo qua điện thoại và mạng đã được đọc trong tài liệu tập huấn về an ninh bảo mật ngân hàng.

Tôi quyết định đợi xem anh ta sẽ làm gì. Đúng 15 phút sau, số điện thoại kia hiện lên, “chúng tôi chưa thấy anh chuyển tiền vào số tài khoản”. Tôi trả lời rằng hiện mạng ngân hàng đang bị lỗi. Để làm rõ các thông tin, mời họ qua địa chỉ nhà tôi làm việc kèm theo quyết định điều tra liên quan. Đầu dây bên kia vội dập máy. Tôi gọi lại, thuê bao đã không liên lạc được.

Không may mắn như tôi, bố của chị bạn bị mất hàng trăm triệu đồng bởi thủ đoạn này. Không hiểu sao, bọn tội phạm biết ông cụ sống một mình, chúng đã giả danh cán bộ công an và thông báo rằng các con ông dính vào vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Để thoát khỏi vụ việc, chúng yêu cầu cụ chuyển toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm mang tên cụ vào tài khoản khác.

Tâm lý bị bất ngờ, lo sợ và thương con khiến cụ ông ngay lập tức chuyển toàn bộ số tiền tích cóp cho người lạ. Chuyển xong, ông mới ngớ người, gọi điện cho các con thì đã muộn. Gia đình đã trình báo công an. Sau hơn hai năm, công an thông báo bắt được đường dây lừa đảo. Tiền thu lại được chỉ bằng một phần mười số đã mất.

Làm cách nào tội phạm có được thông tin cá nhân chi tiết tới mức không phải mọi người trong gia đình chúng tôi đều biết? Đã có lý giải của một số cơ quan, tổ chức rằng do tin tặc, phần mềm gián điệp. Nếu thế, phải có các lỗ hổng đâu đó để kẻ xấu có thể “đào”. Ngoài ra, do sự vô tình hay cố ý làm lộ thông tin của ai đó nắm trong tay các nguồn dữ liệu khách hàng; hay chính tại tôi, trong một lần mua sắm nào đó, đã cung cấp thông tin cho ai khác?

Bộ Công an cho biết, công an cả nước đã ghi nhận 540 vụ lừa đảo qua hình thức gọi điện giả danh cơ quan thực thi pháp luật từ đầu năm 2020 đến nay với số tiền bị chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ đầu năm đã có khoảng 4 nghìn vụ việc liên quan đến tấn công an ninh mạng và ngân hàng. Ví dụ như khách hàng của ngân hàng bị lừa mất tiền qua tài khoản do kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc gửi liên kết giả mạo nhà băng.

Những kẻ gọi điện mạo danh công an, người của viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện, hải quan để chiếm đoạt tài sản tiếp tục hoành hành vào cuối năm. Sự thiếu bảo mật thông tin từ nguồn nào đó cộng với tâm lý bất ngờ, lo lắng trong một số trường hợp của người bị hại giúp loại tội phạm này vẫn còn đất diễn.

Chẳng riêng cuộc điện thoại lừa đảo trên, hàng ngày, tôi chịu đựng cả chục cuộc gọi các loại. Từ “mời anh đầu tư với lãi suất hấp dẫn”, mời mua bảo hiểm, căn hộ cao cấp, tiền ảo, tập gym… từ sáng tới giờ ăn tối. Chưa kể đôi lúc còn phải nghe những lời chào mời không mấy vui vẻ và thiện chí. Nhiều lần, tôi vừa đặt vé máy bay xong đã nhận tin nhắn và điện thoại từ hãng dịch vụ ôtô mời mọc xe đưa đón sân bay. Chúng không phải các cuộc gọi lừa đảo, nhưng cũng đều là hệ quả của việc công dân bị lộ thông tin cá nhân.

Quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nằm rải rác trong một số văn bản pháp luật. Chế tài nặng nhất là phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán, trao đổi, cho hoặc công khai thông tin riêng của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, hợp đồng thỏa thuận cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, sức khỏe… cũng đều có cam kết về việc bảo mật thông tin cho người dùng.

Thông tin cá nhân là tài sản thân nhân quan trọng và nhạy cảm. Và trong nhiều tình huống, người dân là bên yếu thế hơn trong các giao dịch cả ở dịch vụ công lẫn tư khi tên, ngày sinh, địa chỉ, số căn cước, số điện thoại là một phần của giao dịch. Các thiết chế hiện hành chưa dễ dàng giúp chúng ta biết được thông tin của mình đã được trao đổi, giao dịch hay rò rỉ ở đâu, phải khiếu nại ai, ai sẽ chịu trách nhiệm khi có thiệt hại.

Tôi đành “tự bảo vệ” bằng cách không nghe các cuộc gọi từ số lạ, mặc dù đó là một giải pháp cực đoan.

Vũ Hồng Thanh

Đọc nhiều