Kẻ khóc, người cười với chính sách siết tín dụng BĐS
Chính sách siết tín dụng bất động sản (BĐS) trong thời gian qua đã khiến không ít nhà đầu tư “khóc ròng”, thậm chí phải chịu cảnh cắt lỗ do không được duyệt hồ sơ vay. Ở chiều ngược lại, nhiều công nhân, người lao động có thu nhập thấp lại khá mừng rỡ khi số lượng dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện để được hỗ trợ lãi suất ưu đãi từ ngân sách nhà nước.
Chính sách siết tín dụng BĐS đã bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu tháng 7 năm nay. Chính sách này đã phần nào tạo ra rào cản lớn cho các nhà đầu tư trong việc huy động vốn từ các room tín dụng của một số ngân hàng thương mại. Từ đó, khiến cho nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc duyệt hồ sơ vay và triển khai xây dựng các dự án BĐS, căn hộ đã lên kế hoạch.
Trong đó nhà đầu tư lướt sóng chính là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi thực tế thì sau khi chính sách siết tín dụng bất động sản có hiệu lực, thị trường nhà đất cũng bắt đầu rơi vào trạng thái trầm lắng và gần như đóng băng. Các giao dịch bất động sản giảm dần và không còn sôi động như giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng mua bất động sản hình thành trong tương lai để bán lướt kiếm chênh lệch dần rơi vào thế khó khi thị trường BĐS bị siết chặt khiến hàng không bán được. Trong khi các room tín dụng tại ngân hàng đã cạn kiệt hoặc bị kiểm soát chặt chẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư không còn nhận được sự hỗ trợ từ các nhà băng.
Nhiều khoản vay dù đã được hỗ trợ giải ngân được khoảng 50% nhưng vẫn bị từ chối do tình hình tín dụng bị siết chặt khiến các ngân hàng buộc phải tái thẩm định kỹ các hồ sơ vay. Đó là chưa kể BĐS hình thành tương lai không nằm trong danh sách ưu tiên hỗ trợ cho vay của Chính phủ vì thế mà khi room tín dụng bị đóng, các ngân hàng cũng bắt đầu gây áp lực lên các hồ sơ vay của nhà đầu tư. Không nhận được sự hỗ trợ từ các nhà băng, nhà đầu tư lướt sóng còn đứng trước nguy cơ phải bồi thường tiền phạt vi phạm hợp đồng với chủ đầu tư do đóng tiền chậm tiến độ và không bán lại được dự án cho người mua mới. Tuy nhiên trên thực tế việc Chính phủ thực hiện siết tín dụng BĐS là để giúp giảm thiểu tình trạng “bong bóng” nhà đất, đưa BĐS về đúng giá trị và xây dựng một môi trường phát triển bền vững, trong sạch hơn.
Trái ngược với tình cảnh dở khóc dở cười của các nhà đầu tư BĐS lướt sóng hiện nay, nhiều công nhân và người lao động có thu nhập thấp cho thấy sự mừng rỡ khi Bộ Xây dựng đã tiếp tục mở rộng phạm vi dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện để được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này không chỉ giúp gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho tầng lớp lao động nghèo mà còn thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc của Nhà nước đối với nhóm đối tượng này. Trước đó trong cuộc họp diễn ra vào tháng 8/2022, Thủ tướng đã nêu cao mục tiêu đến năm 2030 phải xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động nghèo.
Bên cạnh đó để giúp cho người lao động tiếp cận được với những dự án này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay nhằm mục đích phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó nhà ở xã hội là đối tượng nằm trong danh sách ưu tiên hỗ trợ cho vay của Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn chỉ 2%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại cả nước đã có 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ được Bộ Xây dựng xác định đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư nhu cầu vay vốn theo đề xuất khoảng hơn 1.420 tỷ đồng.
Chính vì thế, mặc dù Chính phủ đang thực hiện cơ chế thanh lọc thị trường BĐS bằng cách siết chặt các room tín dụng. Tuy nhiên điều này dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến người lao động. Bởi đối tượng mà họ đang nhắm đến là các dự án nhà ở xã hội cũng là đối tượng hiện đang được Chính phủ tích cực hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi bằng ngân sách nhà nước để giúp người lao động nghèo “an cư lạc nghiệp” và không còn phải lo về chỗ che nắng che mưa như trước.
Minh Thanh