Thư viện kinh tế JD SUPRA: Việt Nam đã vươn xa thế nào sau “Đổi mới”?
Mới đây, JD SUPRA – Cổng thư viện thông tin nổi tiếng uy tín trên thế giới đã đăng tải một bài viết với tựa đề “Công cuộc đổi mới và hiện đại nền kinh tế của Việt Nam”. Có thể coi đây như một bài viết tổng quan khá đầy đủ và chi tiết, giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về quá trình hình thành và xây mô hình kinh tế mới ở Việt Nam.
Công cuộc đổi mới kinh tế chính thức được bắt đầu ở Việt Nam vào năm 1986, khi mô hình kinh tế thời bấy giờ đã có dấu hiệu lạc hậu và trì trệ. Nhận thức này đã trở thành một bước ngoặt, thúc đẩy các nhà lãnh đạo Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế và thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu hiện đại hóa.
Năm 1991, khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2019 cả nước có 343 khu công nghiệp và khu kinh tế được thành lập. Năm 2020, Việt Nam nhận được 28,53 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên thành 74 tỷ USD. Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và nhận thấy nguồn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập và hợp thức hóa vùng kinh tế trọng điểm”, lần lượt là Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc (NKEZ), Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (CKEZ) và Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam (SKEZ).
Mỗi khu vực này đều có đặc điểm riêng, ưu đãi riêng và môi trường riêng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài cho sản xuất. NKEZ nằm trong phạm vi địa lý gần với Trung Quốc , thuận tiện cho việc nhập khẩu hàng hóa với chi phí rẻ. CKEZ có lợi thế phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm và kinh tế biển. SKEZ là trung tâm hàng đầu trong phát triển công nghiệp bao gồm thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ viễn thông và các lĩnh vực truyền thống như cao su, nhựa, dệt may… Đặc khu này cũng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất trong ba đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Các đối tác thương mại lớn hiện nay có vai trò rất lớn trong việc thúc đầy phát triển kinh tế của Việt Nam
Không có gì phải bàn cãi khi Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu về thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020 và chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng xuất khẩu nhiều nhất vẫn là máy móc thiết bị, tiếp theo là dệt may và cuối cùng là linh kiện điện tử. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều tỷ USD gỗ, cao su và thủy sản nhất từ Việt Nam.
Chiều ngược lại, năm ngoái Việt Nam đã chi 15,27 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 11,4% so với năm 2020 và chiếm 4,6% kim ngạch cả nước. VinFast – nhà sản xuất xe SUV điện lớn nhất của Việt Nam, mới đây đã thông báo rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina trong năm 2022. Hoạt động này sẽ đưa Việt Nam lên bản đồ sản xuất ô tô toàn cầu và củng cố hơn nữa mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam với tư cách là đối tác thương mại.
Đối tác tiếp theo phải kể đến đó là Đức. Hiện nay, Đức là đại diện của EU với sự hiện diện của hàng loạt tập đoàn đoàn ô tô đa quốc gia tại Việt Nam. Daimler AG hiện có một nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh để lắp ráp các mẫu xe Mercedes-Benz. Peugeot thông qua liên doanh với Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải hiện đã đạt công suất trung bình 20.000 xe/năm, phục vụ cả nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Năm 2013, hãng này cũng bắt đầu xuất khẩu xe Mazda, phụ kiện và phụ tùng sang một số thị trường lớn trên thế giới.
Cuối cùng là Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Bất chấp dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2021 vẫn đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, lớn nhất vẫn là điện thoại và linh kiện. Đáng chú ý, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất hàng nông sản của Việt Nam như: thủy sản, gạo, trái cây và các sản phẩm rắn như cao su, gang, sắt thép…
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh
Qua 35 năm, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, như cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ… luôn duy trì ở mức cao. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng có bước tiến lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; xuất siêu 19,1 tỷ USD – cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.
Những nỗ lực đổi mới trong 35 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD. Ngoài ra, tại Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp… Nhìn chung, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển mạnh mẽ.
Hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế ngày càng được nâng cao
35 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Đến nay, đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế – thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…
Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc… đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 – 2017, Hội đồng kinh tế – xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 – 2018.
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận 3 trọng trách: Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19 và những thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ… song Việt Nam đã hoàn thành tốt cả ba trọng trách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Lan Hoa (Theo JD SUPRA)