28
category
409548

Huyền thoại về loài “cá nược thiêng” trên sông Mê Kông

14/07/2020 15:52

Truyền thuyết kể rằng loài cá nược hiểu được tiếng người. Cá nược giúp ngư dân đi đánh cá gặp nạn hoặc giúp ngư dân thu hoạch tôm cá.

Truyền thuyết kể rằng loài cá nược hiểu được tiếng người. Cá nược giúp ngư dân đi đánh cá gặp nạn hoặc giúp ngư dân thu hoạch tôm cá. Từ đó những tên gọi loài “cá thiêng” đã hình thành.

Huyền thoại về loài “cá nược thiêng” trên sông Mê Kông - Ảnh 1.
Sông Vàm Nao có người lưới dính Ông Nược, người ấy sợ hãi đến mức phải cạo đầu, bán xuồng.

Vận động viên “đáng yêu” trên sông

Người miền Tây thường gọi cá heo Irrawaddy là “ông” nược. Trước đây, cá nược thường bơi lội trên sông Tiền Giang và Hậu Giang, nhưng mật độ “đậm đặc” là tại sông Vàm Nao (An Giang). Người ta cho rằng thức ăn của cá nược là phiêu sinh, thủy sinh (rong cỏ), nhưng các ngư dân lại quả quyết thức ăn chính của cá nược là các loại cá nhỏ. Vì cá nược thuộc họ “cá voi biển” nên khá to, lưng màu nâu đen, bụng màu nhạt hơn, toàn thân trơn nhớt.

Những người đi sông, đi biển thường thấy cá nược đực to hơn so với cá nược cái. Con cá cái có 2 vú lớn mọc dưới vây trước. Con đực cũng có bộ phận sinh dục dài khoảng 5cm. Theo tìm hiểu, cá nược đẻ mỗi lần 1 con. Cá con mới đẻ đã trên 10kg, bú vú mẹ cho đến khi biết tự tìm thức ăn. Cá trưởng thành dài khoảng 2,5m, trọng lượng đạt đến 400kg. Loài cá nược thường sống hòa đồng với các loài sinh vật khác và rất hiền.

Huyền thoại về loài “cá nược thiêng” trên sông Mê Kông - Ảnh 2.
Loài cá nược trước đây thường bơi lội trên hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, nhưng mật độ đậm đặc phải nói là trên sông Vàm Nao.

Loài cá này còn tỏ ra rất thân thiện với người. Ông Ba Hải (một ngư dân đã bỏ nghề ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) kể: “Khoảng thời gian tôi học lớp nhì (lớp 4), vào lúc giữa trưa, bỗng 1 sinh vật to lớn nổi lên đưa cặp vú trắng phếu giữa dòng sông. Khi đó tôi và hàng chục đứa trẻ đang tắm sông.

Chúng tôi thấy vậy liền bơi ra và đùa giỡn, rồi một hồi hè nhau đếm: “1, 2, 3”, tiếp theo đồng thanh la lớn vài lần câu: “Ông Nược ơi! Đua! Đua!”. Chỉ 10 – 15 phút, 1 bầy cá nược xuất hiện (tất nhiên nhằm lúc chúng có quanh quẩn gần đó), “vận động viên” nào cũng trồi lên hụp xuống “đua tốc độ”, nhưng khá chậm chứ không nhanh như các loại cá khác. Thỉnh thoảng chúng lại nhảy lên khỏi mặt nước. Đám trẻ chúng tôi càng vỗ tay reo hò: “Ông Nược đua! Ông Nược đua!”, chúng càng hứng chí. Rất vui!”.

Theo ông Hải, các lão ngư ở An Giang thường kể cho con cháu nghe những giai thoại về loài cá dễ thương này. Những người sống nghề “bà cậu” (đánh bắt thủy sản) thường thầm vái “ông” nược độ để đánh bắt được thật nhiều cá. Phổ biến nhất là khi thấy biết có luồng cá rất nhiều đang di chuyển, nhưng không nhằm vào lưới đang giăng, ngư dân thường gây tiếng động bằng cách vỗ tay (hoặc gõ khua trên mạn thuyền) và la lớn vài ba lần giữa thinh không: “Lùa cá vô lưới dùm ông nược ơi!”.

Huyền thoại về loài “cá nược thiêng” trên sông Mê Kông - Ảnh 3.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp trao đổi câu chuyện “loài cá thiêng” với PV.

“Thật kỳ diệu, dù đang lặn sâu dưới nước chúng cũng nghe được tiếng người! Mỗi lần nhờ đến, “Ông Nược” đều giúp bằng cách vừa lội ven theo đàn cá vừa nhảy tung lên phun nước xối xả lùa cá vô lưới”, ông kể. Những câu chuyện như trên được kể lại từ những người cao tuổi này đến những người cao tuổi khác chứ không riêng ông Hải…

Ông Năm Chức (80 tuổi, ngụ xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), cho biết, trước có bầy cá nược hay qua lại khúc sông ở cửa nhà ông, ông thường chọc ghẹo chúng: “Nược ơi, đua”. Lát sau, cả bầy cá nược nhào lộn. “Tui càng vỗ tay, bầy cá càng nhào lộn dữ hơn. Tui nhớ khoảng năm 1970, tui đang cùng mấy anh em dỡ chà bắt cá trên sông Vàm Nao thì nghe tụi nhỏ reo lên: “Ông nược, đua! Ông nược, đua!”. Tụi tui liền mừng rỡ, đồng thanh la lên: “Lùa cá vô lưới, lùa cá vô lưới ông nược ơi!”.

Đang giỡn với tụi nhóc, cả đàn cá nược quay ngược lại chỗ tui và quần thảo quanh đoạn sông gần đống chà. Đến khi tôm cá sợ chạy hết vào chà thì tụi tui mới bắt hết”, ông Năm Chức kể rồi thở dài: “Nhưng bây giờ không còn những hoạt cảnh cá nược nhào lộn như ngày xưa nữa rồi”.

Loài cá nược “dễ thương” được tôn thờ

Vì sống ở sông trong môi trường sông chật hẹp nên cá nược có vóc dáng khiêm tốn hơn, chỉ bằng khoảng 1/5 cùng loài ở biển. Nhiều ngư dân vẫn tin rằng loài cá này có “cốt người”, chúng sống rất hiền hòa và hiểu được tiếng người. Dân thương hồ đang chơi vơi giữa sông mà gặp sóng to gió lớn, ghe sắp bị chìm, người ta hay la lớn cầu cứu: “Bớ ông nược! Mau mau cứu ghe chìm! Ghe chìm! Bớ Ông Nược!”… thì y như rằng “ông nược” sẽ nổi lên tựa lưng vào ghe dìu đưa vô bờ! “Kịp thời cứu mạng trong những lúc thập tử nhất sinh như vậy thì còn ân nghĩa nào bằng! Chính vì vậy bà con rất yêu kính, bất luận cá cái hay cá đực đều gọi chung là ông nược”, một lão ngư nói. Tuy nhiên, có người cho rằng, đó chỉ là đặc tính của cá nược khi sóng to gió lớn hay dựa vào ghe để tránh…

Trong đánh bắt thủy sản, nếu “ông nược” mắc lưới, ngư dân liền nhanh chóng cắt lưới để thả. Họ còn cho đây là điều không may nên mua nhang đèn, lễ vật để xin lỗi “ông”, van vái “Bà Cậu” thông cảm vì đây là việc hoàn toàn ngoài ý muốn. “Khoảng 20 năm về trước, ở sông Vàm Nao có người thả lưới dính “ông nược”, người ấy sợ hãi đến mức phải cạo đầu, bán xuồng và… giải nghệ! Vậy mà người ấy vẫn bị ám ảnh, không làm ăn gì được, nghèo khó ngót 8 năm mới cất đầu lên nổi! Mấy lần thấy xác cá chết nổi trên sông, người dân liền làm lễ cúng vái, sau đó mang đi chôn cất rất long trọng. Ngư dân vùng sông Hậu luôn xem loài cá này là cá thiêng”, một lão ngư ở Phú Tân nhận xét.

“Nam Hải Tướng quân Ngọc lân tôn thần”

Ông Nguyễn Hữu Hiệp (79 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) – nhà Nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết: “Với ngư dân người Việt thế hệ trước, cá nược được xem là “ân nhân” nên họ không chỉ xem nó như 1 loài cá quý mà ở nhiều miền biển người ta còn hiểu là “nhân ngư”, tôn xưng là “thần”, lập đền thờ gọi “Đền Nam Hải tướng quân”.

Huyền thoại về loài “cá nược thiêng” trên sông Mê Kông - Ảnh 4.
Những người sống nghề Bà Cậu thường thầm vái “Ông Nược” độ đánh bắt được thật nhiều cá.

Sách Gia Định thành thông chí chép: Thần là con cá nhân ngư, không có vảy, đầu tròn trơn láng, đỉnh trán có lỗ phun nước ra như mưa, môi voi, đuôi tôm, dài đến 2,3 trượng, ưa nhảy bơi trên mặt biển. Ngư phủ giăng lưới cá, thường hô là thần mà cầu khấn thì nhân ngư đuổi bầy cá chạy cả vào lưới. Ngư phủ rất cảm ơn, có khi nhân ngư lầm vào trong lưới, thì ngư phủ mở một mặt lưới kêu mà dẫn ra, nhân ngư ắt theo cửa lưới ấy mà ra! Lại những ghe thuyền trong biển gặp lúc gió sóng nguy hiểm, thường thấy nhân ngư dìu đỡ thân ghe bảo vệ vào bờ yên ổn.

Còn nếu ghe bị chìm thì nhân ngư đưa người lên bờ, sự hộ trợ hiển nhiên rõ rệt. Nhưng chỉ có trong Nam từ Linh Giang đến Hà Tiên có sự linh ứng cứu vớt mau chóng mà thôi, còn các biển khác không có. Có lẽ vì núi biển phương Nam hun đúc thiêng liêng được âm phù mặc trợ để bảo hộ sinh dân của ta vậy chăng? Triều đình đã phong tặng làm “Nam Hải Tướng quân Ngọc lân tôn thần”, kê vào tự điển.

Cá ấy rủi ro mà bị ác ngư khác đánh chết nổi trên mặt bể thì dân miền biển góp tiền mua hàng, vải đồ liệm rồi lựa một người đàn anh trong ngư hộ đứng làm chủ tang, đào đất chôn cất cẩn thận, và dựng đền ở ngay bên mộ. Những chỗ có chôn cá ấy thì dân chỗ ấy được nhiều lợi may mắn, còn chỗ tuy không chôn cũng đều lập đền thờ, dọc theo miền biển đều như thế cả”.

Đó là chuyện của ngày trước, nay hầu hết bà con đã chuyển nghề. Hơn nữa cá nược trên sông Vàm Nao cũng không còn. Những hình ảnh về loài cá nược là chuyện đã lùi vào ký ức. Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) đã đưa con vật này vào trong sách Đỏ. Mới đây, một ngư dân ở Bến Tre vừa đánh lưới dính 1 cá nược, nhưng tiếc rằng sau đó đã chết.

Tô Văn/TTDS

Đọc nhiều