Hướng đi nào cho Việt Nam khi nội bộ nước Anh xung khắc

Huy Hoàng 03/10/2022 14:42

Xuất khẩu của Việt Nam vào Vương Quốc Anh đã tăng tốc kể từ sau khi cả hai ký kết hiệp định thương mại tự do UKVFTA. Thế nhưng, xung khắc trong cách điều hành của Chính phủ Anh và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) mới đây có thể khiến thị trường nước này trở nên bất định hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu…

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ở London

Sau khi trở thành tân Thủ tướng nước Anh, bà Liz Truss đã ban hành một chính sách lớn chưa từng có. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ tung một gói cứu trợ năng lượng khổng lồ song song với việc cắt giảm thuế cho doanh nghiệp với trị giá 45 tỷ bảng Anh (tương đương 48 tỷ USD). Kế hoạch này cũng bao gồm cả giảm thuế cho nhóm có thu nhập cao nhất. Theo suy luận của Chính phủ Anh, việc cắt giảm thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp sẽ kích hoạt sự bùng nổ đầu tư và khởi động lại nền kinh tế, vốn đang trì trệ sau một loạt cú sốc lớn từ hậu Brexit, chiến tranh Nga – Ukraine và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)…

Vấn đề là để thực thi chính sách trên, Chính phủ Anh sẽ cần vay thêm tiền. Và để có thể vay tiền, Chính phủ Anh sẽ phải phát hành thêm nhiều “trái phiếu chính phủ”. Tuy nhiên, việc này đã gây tác dụng phụ, do trước đó kinh tế Anh đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cú sốc sau khi rời EU. Lạm phát của Anh hiện đang cao nhất trong khối G7 và có thể tăng cao hơn nữa trong năm tới nếu giá khí đốt tự nhiên vẫn tăng. Giống với phần còn lại của châu Âu, Anh cũng đang đứng trước bờ vực suy thoái. Triển vọng kinh tế nước Anh vốn đã đang trong tình hình không lạc quan, nên kế hoạch của bà Truss về việc chính phủ sẽ vay thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế đã hoàn toàn bị phản tác dụng.

Tình hình còn có thể xấu hơn khi lạm phát tại Anh hiện nay vẫn đang ở mức cao, BoE sẽ phải tăng mạnh lãi suất để hãm phanh lạm phát. Và điều này sẽ buộc nước Anh đánh đổi một cuộc suy thoái để đạt được mục tiêu. Vấn đề là BoE sẽ mạnh tay tới đâu? Nhiều nhà kinh tế kêu gọi BoE cần công bố ngay một đợt tăng lãi suất khẩn cấp với bước nhảy 1 điểm phần trăm trước cuộc họp chính sách định kỳ vào ngày 3/11 tới, còn Chính phủ Anh thì nên hoãn ngay kế hoạch giảm thuế của mình.

Biểu tình rầm rộ ở Anh vì chi phí sinh hoạt tăng cao

Nếu thực sự BoE hành động mạnh tay với lãi suất trong kỳ họp 3/11 tới, giá trị đồng bảng sẽ bám đuôi được USD, qua đó có thể giảm bớt đà tăng dữ dội của đồng USD, cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá lên nhiều đồng tiền khác, trong đó có VND.

Tuy nhiên, viễn cảnh suy thoái ở nước Anh đã tới gần, ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam là chắc chắn có. Ít hay nhiều sẽ còn tùy vào sự linh hoạt trong cách điều hành chính sách tài khóa và chính tiền tệ của các quan chức nước Anh tới đây. Song, việc ảnh hưởng sẽ phân hóa, do Việt Nam có nhiều loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường. Trong đó, mặt hàng gỗ sẽ bị ảnh hưởng khá lớn, còn lại cà phê, dệt may, hàng điện tử sẽ bị tác động ít hơn.

Xuất khẩu nhìn chung sẽ chịu ảnh hưởng nhưng vẫn còn lạc quan do Việt Nam và Vương Quốc Anh đã ký kết hiệp định thương mại tự do UKVFTA, tạo điều kiện về thuế và lợi thế về giá bán cho các mặt hàng từ Việt Nam. Do đó, cần sớm có giải pháp để giải bài toán chi phí logistic cho doanh nghiệp trong nước, chỉ như vậy thì giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam mới tạo được sự cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia khác.

Huy Hoàng

Đọc nhiều