8
category
330265

Hướng đến sự hiệu quả, chuyên nghiệp chứ không thể để xảy ra tình trạng giá “camera trên trời”

28/10/2019 17:03

Thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm sự việc HĐND tỉnh Vĩnh Long vừa thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long” cho phép lắp 114 camera với tổng kinh phí hơn 199,1 tỷ đồng. Liệu tỉnh nghèo như Vĩnh Long việc chi đến 200 tỷ đồng để lắp 114 camera như trên có hợp lý?

Sự việc này khiến dư luận hết sức băn khoăn, bởi trong tổng số gần 200 tỷ, chi phí lắp đặt mỗi chiếc camera là bao nhiêu, những hạng mục gì khác?

Mới đây, để giải thích và làm rõ vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã có cuộc họp và thông tin để người dân biết. Theo dự án, địa phương sẽ trích ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác là 199,1 tỷ đồng để lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí (trong đó 63 vị trí với 67 camera giám sát an ninh trật tự; 16 vị trí với 47 camera xử lý vi phạm giao thông đường bộ) và 3 trung tâm quản lý điều hành đặt tại Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh và Công an TP Vĩnh Long.

Thông tin tỉnh Vĩnh Long chi gần 200 tỷ đồng lắp đặt camera gây chú ý trong dư luận những ngày qua.
Thông tin tỉnh Vĩnh Long chi gần 200 tỷ đồng lắp đặt camera gây chú ý trong dư luận những ngày qua.

Trong tổng mức đầu tư 199,1 tỷ đồng bao gồm nhiều chi phí khác không phải riêng việc mua camera. Trong đó, xây dựng là hơn 16,3 tỷ đồng; thiết bị là hơn 151,5 tỷ đồng; hơn 1,7 tỷ đồng cho quản lý dự án; hơn 2,1 tỷ đồng tư vấn đầu tư xây dựng; dự phòng gần 15 tỷ đồng và chi phí khác là hơn 12,4 tỷ đồng.

Khi trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Vĩnh Long Trương Đặng Vĩnh Phúc thông tin, trong dự án lắp 114 camera với giá 199,1 tỷ đồng, kinh phí tốn kém nhất là hệ thống 47 thiết bị giám sát tự động chiếm hết 94 tỷ đồng; xây dựng 16,3 tỷ; 67 camera giám sát an ninh trật tự chiếm 16,3 tỷ. Trung tâm điều hành tại Công an tỉnh 33,6 tỷ, trung tâm điều hành tại Phòng CSGT là 3,3 tỷ.

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc có 2 loại camera trong dự án này. Cụ thể, trong 67 camera giám sát an ninh trật tự có 4 cái giá 56,4 triệu/cái và 63 cái giá 124,5 triệu/cái.

Tuy nhiên nếu làm một phép tính đơn giản, trong 67 camera giám sát an ninh trật tự chiếm 16,3 tỷ nhưng nếu theo giá ông Phúc nói ở trên chỉ có giá 8,06 tỷ đồng (cụ thể 4 chiếc có giá 56,4 triệu tổng là 225,6 triệu, 63 chiếc có giá 124,5 triệu tổng bằng 7,84 tỷ đồng). Dư luận đặt câu hỏi, số tiền còn lại chi vào những hạng mục gì liên quan 67 camera giám sát an ninh trật tự để lên con số 16.3 tỷ như ông Phúc nói ở trên, trong khi kinh phí xây dựng đã được tính riêng.

Trong khi đó, 47 thiết bị giám sát tự động chiếm hết 94 tỷ đồng với giá trung bình lên đến 2 tỷ đồng/thiết bị cũng được coi là quá cao.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 22/10, ông Nguyễn Bách Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhấn mạnh: “Các ngành chức năng cần làm rõ tính hiệu quả và tính cấp thiết cũng như số lượng camera và số tiền phải cụ thể từng giai đoạn, từng danh mục. Các ngành chức năng chưa làm rõ cho xã hội, người dân hiểu rằng, một cái camera 125 triệu đồng thì 114 cái cũng hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt cần nói rõ, trung tâm quản lý điều hành lắp đặt cái gì, hiện đại như thế nào, hạ tầng của đường truyền ra sao?”.

Không thể phủ nhận lợi ích của camera đối với công tác quản lý trật tự công cộng. Nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai hàng loạt dự án từ xã hội hóa đến vốn ngân sách để đầu tư gắn camera. Điển hình đó có thể được kể đến như Hà Nội, Quảng Ninh.

Hệ thống camera giúp cơ quan quản lý nhà nước truy tìm tội phạm, hỗ trợ xác minh các sự việc xảy ra để đưa ra giải pháp, cách khắc phục nhanh chóng. Việc các sở, ban, ngành của địa phương sử dụng camera cho các mục đích cộng đồng sẽ đem lại lợi ích rất lớn.

Tuy nhiên, trước khi đầu tư, nên có phân tích, đánh giá chi tiết nhu cầu gắn camera tại từng vị trí, với những tính năng phù hợp. Ở một số địa phương đầu tư gắn camera theo phong trào thì hết sức lãng phí, khi ngân sách còn nhiều khó khăn. Vì thế, cần quy định cụ thể về việc bảo mật, phân tích, xử lý, chia sẻ dữ liệu từ các hệ thống camera an ninh giữa các lực lượng chức năng.

Hiện nay, mỗi dự án camera do các đơn vị riêng biệt triển khai, mang tính đơn lẻ, không có tiêu chuẩn chung nên không kết nối được với nhau, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. Có nơi cần camera an ninh, nơi khác cần camera giám sát để phạt nguội, có nơi chỉ cần camera để giám sát, có nơi cần tất cả các tính năng này…

Như cách tính “sơ sơ” thì Vĩnh Long cần 200 tỷ cho 114 chiếc camera, trong khi trước đó Cần Thơ dự chi 250 tỷ đồng lắp camera giao thông với số vốn khoảng 250 tỷ đồng, có thể nói “rẻ nhất” là tỉnh Quảng Trị với 72 trạm camera giám sát an ninh trật tự an toàn giao thông trên toàn tỉnh, mà tổng mức đầu tư của dự án là gần 15 tỉ đồng.

Có thể khẳng định một điều rằng nếu như camera sản xuất ở Trung Quốc thì giá thành không cao, nhưng sản xuất ở các nước châu Âu thì giá thành lại vô cùng cao. Hơn nữa, cũng tùy vào tính năng của camera, nếu camera chỉ quan sát giá thành rất rẻ, nhưng camera đo đếm lưu lượng giao thông hay nhận diện biển số thì giá thành lại đắt. Để thấy, giá cả còn tùy thuộc vào tính năng cũng như nơi sản xuất.

Vì thế để ngăn “Hội chứng…camera” và đạt hiệu quả cao hơn thì trung ương cần có đơn vị đứng ra trực tiếp để thảo luận về quy chuẩn và tiêu chuẩn phù hợp. Không thể để xảy ra tình trạng giá “camera trên trời”, nhưng khi đi vào hoạt động thì lại không mang lại hiệu quả, tình trạng tai nạn giao thông, vi phạm giao thông và an ninh trật tự không giảm. Đến khi đó camera lại trở thành tình trạng chỉ để “làm cảnh”.

Nếu lắp đặt hệ thống camera giám sát mà giao thông tốt lên, ý thức của người dân được nâng cao thì đó là việc tốt. Tuy camera thì không thể thay hoàn toàn người CSGT nhưng nó cũng gần như vậy, thậm chí nó còn xử lý công bằng, nghiêm minh hơn, vì máy móc thì không kiêng nể ai, không phân biệt đối tượng để mà xử lý, sai thì xử phạt
Công an đứng ngoài đường sẽ giảm, từ đó sẽ không phải lo gánh nặng bảo hiểm xã hội, trong khi, máy móc hỏng thì sửa. Mặt khác, nếu dùng lực lượng công an nhiều như vậy thì hiệu quả sẽ không cao, tính công bằng, minh bạch không có, khi máy móc hư hỏng thì thôi, mua cái khác để thay, hoặc trích tiền xử phạt để mua sắm lại. Ở đây là khoản đầu tư có lợi, phải bỏ ra thì sẽ thu hồi lại được.

Nhưng tất nhiên về phía tỉnh Vĩnh Long cũng phải tính toán, vì so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thì tỉnh này được xem như là tỉnh nghèo của khu vực. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có hơn 7.360 hộ nghèo, gần 12.550 hộ cận nghèo. Năm 2018, tỉnh này thu ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng chi hơn 7.300 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2019, tỉnh Vĩnh Long thu ngân sách được 2.933 tỷ đồng, nếu trừ nguồn thu từ đất, xổ số kiến thiết và cổ tức thì tỉnh thu được khoảng 1.819 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ dẫn báo cáo kiểm toán nhiều năm về việc chi ngân sách Nhà nước của các địa phương thì vấn đề chi sai mục đích, chi không đúng quy định của luật ngân sách vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy kỷ cương tài chính cần phải nghiêm túc, các địa phương và cả Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để xử lý tình trạng này.
“Ngân sách là đóng góp từ tiền thuế của dân, trong bối cảnh bội chi mà chi tiêu không đúng, mỗi chỗ một ít, không “thắt lưng buộc bụng”. Như tôi từng nói tàu đắm vì lỗ rò nhỏ vì chủ quan, khó phát hiện, dẫn đến nguy hiểm” – ông Hạ phân tích.

Trước hết những người đứng đầu phải biết chắt chiu, căn cơ khi sử dụng đồng tiền đóng góp của nhân dân làm sao đầu tư vào đúng mục đích, đúng địa chỉ, hiệu quả nhất. Như vậy mới đúng quy định của pháp luật và được lòng dân.

Phạm Minh Hà

Đọc nhiều