128027
category
508755

Hú vía, thấy mìn chống tăng lại tưởng “thớt nghiến” và chuyện dùng xe M113 kéo pháo 155mm

02/04/2021 20:08

Chợt thấy ở phía trước có những vật trông giống như cái thớt của các bà nội trợ, Hùng nghĩ, với xe M113 thì chướng ngại vật này là chuyện nhỏ nên giữ nguyên tốc độ…

Hú vía, thấy mìn chống tăng lại tưởng "thớt nghiến" và chuyện dùng xe M113 kéo pháo 155mm

Trước Tết Nguyên Đán 1975, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Mặt trận chỉ thị cho Trung đoàn xe tăng 273 cử 5 chiến sĩ lái xe tăng sang phối thuộc với Trung đoàn 95, trong đó có Giáp Ngọc Hùng, quê Bắc Giang và Ngô Thọ Lợi, quê Thanh Hóa.

Mìn chống tăng lại tưởng là “thớt nghiến”

Trong chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn bộ binh 95 có nhiệm vụ đánh cắt đường 19 để tạo thế. Dự kiến trong chiến đấu sẽ thu được xe tăng, thiết giáp địch. Nhiệm vụ của 5 chiến sĩ xe tăng tăng cường sang đó để giúp đơn vị tiến hành thu hồi số tăng thiết giáp này.

Ngày 04/03/1975, Trung đoàn nổ súng đánh cứ điểm Azun trên đường 19. Trận này ta đã thắng giòn giã nhưng nhóm lính xe tăng vẫn chưa có việc vì không thu được chiếc xe nào.

Khoảng một tuần sau do bị bộ đội ta truy kích và đường 19 đã bị ta phá, 8 xe M113 tháo chạy và bị sa lầy. Tổ lính xe tăng được triệu đến kiểm tra. Sau khi khảo sát cặn kẽ thì thấy rằng chỉ có 1 xe còn sử dụng được nhưng đang bị sa lầy rất nặng.

Để cứu kéo xe, đơn vị cử thêm hơn chục người nữa đến giúp cánh lính xe tăng. Phương tiện chỉ có cuốc, xẻng và sức người. Hì hục mất hơn 2 ngày mới tạm ổn. Lái xe Giáp Ngọc Hùng đề nghị: “Để tôi lái!”. Anh vào xe, nổ máy rồi từ từ nhỏ ga cho xe nhích dần lùi lại thoát khỏi vũng lầy truớc sự vui mừng của mọi người.

Có chuyện buồn cười là khi xe chạy trên đường 19, lần đầu tiên trong đời lái xe được chạy trên đường trải nhựa bằng phẳng, rộng rãi nên Hùng cứ thoải mái chạy “mát chân ga”.

Chợt thấy ở phía trước có những vật trông giống như cái thớt của các bà nội trợ, Hùng nghĩ, với xe thiết giáp M113 thì chướng ngại vật này là chuyện nhỏ nên giữ nguyên tốc độ…

Chỉ khi đến gần Hùng mới nghĩ lại “khi chưa biết nó là vật gì thì không nên nghiến qua”. Vậy là anh kéo cần lái lượn tránh hết bên này tới bên kia. Anh em bộ binh ngồi trên xe bị xô dạt, nghiêng ngả hết sang phải lại sang trái nhưng vẫn cười, lại còn vỗ tay ầm ĩ.

Thấy lạ, Hùng dừng xe, tắt máy và hỏi: “Có chuyện gì mà vui thế, các đồng chí?”. Mấy anh em bộ binh tranh nhau trả lời: “Đồng chí tránh mìn chống tăng siêu quá”. Hùng giật mình hỏi lại: “Mìn nào? Ở đâu?”. Thế là họ chỉ mấy cái “thớt nghiến” trên mặt đường: “Kia kìa! Đồng chí vừa tránh đấy thôi”.

Bấy giờ, Hùng mới nhìn kỹ. Thì ra đó là những quả mìn chống tăng. Thật là hú vía!

Hú vía, thấy mìn chống tăng lại tưởng thớt nghiến và chuyện dùng xe M113 kéo pháo 155mm - Ảnh 3.
Xe thiết giáp M113 bị bộ đội ta tiêu diệt hoặc thu giữ làm chiến lợi phẩm rất nhiều.

Cứ phải thử thì mới biết

Ngày 17/03/1975, Trung đoàn 95 tiến vào giải phóng thị xã Pleiku. Ở đó ít hôm đến cuối tháng 03/1975 đơn vị nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Bình Khê (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bây giờ). Giáp Ngọc Hùng và Ngô Thọ Lợi được giao nhiệm vụ đi kéo khẩu pháo 155 mm chiến lợi phẩm đi tham gia chiến đấu.

Khi đánh chiếc xe M113 đến nơi, một đồng chí pháo binh hỏi: “Các đồng chí có kéo được không?”. Nhìn khẩu pháo 155 mm to như con voi với cái nòng dày bịch, hai anh em ước tính nó cũng phải cỡ 5 đến 6 tấn nên có phần lưỡng lự.

Sở dĩ họ lưỡng lự là bởi xe bọc thép M113 tự trọng chỉ có hơn 12 tấn. Khi kéo vật nặng lại đi đường đèo dốc rất dễ bị quán tính của vật kéo theo làm xe chạy lệch đường, không theo ý muốn.

Hộp số của xe lại là số tự động, khi đủ tốc độ nó tự động nhảy lên số cao hơn cũng dễ xảy ra nguy hiểm khi kéo vật nặng. Ngoài ra, xe không có bàn đạp hãm (phanh), khi muốn dừng xe phải dừng bằng cần lái sợ không an toàn.

Tuy nhiên, trước sự đòi hỏi của bên pháo binh, Ngô Thọ Lợi gật đầu: “Kéo được không à? Cứ phải thử mới biết!”.

Thật may, ở đuôi xe thiết giáp M113 có một móc cáp kéo vừa với cái khuy tròn ở càng pháo nên kết nối khá chặt chẽ.

Sau khi móc pháo vào đuôi xe M113, họ tiến hành chạy thử một đoạn ngắn thấy cũng ổn nên quả quyết: “Sẽ kéo được!”. Và tất cả lên đường.

Lúc đầu, chạy trên đường bằng, lại ban ngày nên mọi chuyện khá ổn, tốc độ cũng khá cao. Anh em pháo binh phấn khởi lắm.

Tuy nhiên, khi phải đi qua các đoạn đường đèo dốc mới thấy khó khăn. Khi lên dốc, do trọng tải nặng nên xe ì ạch mãi mới lên được. Nhưng nguy hiểm nhất là khi xuống dốc, quán tính của khẩu pháo lớn làm cho nhiều lúc xe như ngoài tầm kiểm soát của lái xe.

Mức độ nguy hiểm tăng lên khi trời tối bởi lái xe không thể quan sát được xa. Chính vì vậy, khi đi quan đèo An Khê, Giáp Ngọc Hùng đã suýt đưa cả xe, pháo xuống vực nếu không dùng hết sức bình sinh để giật hai cần lái lại.

Xuống hết đèo An Khê, đến lượt Ngô Thọ Lợi vào lái xe. Đã có kinh nghiệm rồi nên Lợi điều khiển xe khá ngon lành và kéo pháo vào trận địa trước giờ quy định. Họ đã hoàn thành xuất sức nhiệm vụ của mình trong lời khen ngợi của anh em bộ binh và pháo binh.

Tuy vậy, khi chỉ còn hai anh em thì họ bảo nhau: “Mình cũng liều thật đấy! Mà nhiệt tình cộng với sự ngu dốt có khi thành phá hoại. May mà liều nhưng có cơ sở”.

Nhưng chả lẽ lại từ chối kéo pháo vì chưa được hoc à?

Nguyễn Khắc Nguyệt

Đọc nhiều