HQ Việt Nam sẽ xây dựng hạm đội mạnh, hiện đại từ tàu chiến Hàn Quốc: Lột xác toàn diện?
Liên tiếp trong 2 năm 2017, 2018, HQ Việt Nam đã tiếp nhận đưa vào trang bị 2 tàu hộ vệ săn ngầm số hiệu 18 và 20 thuộc lớp Pohang phiên bản Flight III khá hiện đại từ Hàn Quốc.
Sức mạnh mới của HQ Việt Nam từ những con tàu chiến Hàn Quốc
Trong những năm qua, Hải quân nhân dân Việt Nam đã được đầu tư, xây dựng đội tàu chiến đấu mặt nước hiện đại như: Các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, tàu tên lửa tấn công nhanh Đề án 1241.8 lớp Molniya,…
Nhưng, với vùng biển quản lý rộng, Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn cần trang bị thêm nhiều tàu chiến đấu nhằm có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Việc mua sắm hay đóng mới các tàu chiến đòi hỏi rất nhiều kinh phí và thời gian. Có thể lấy ví dụ như các tàu hộ vệ tên lửa, thời gian từ khi đóng đến bàn giao mất trung bình 5 năm và chi phí cho mỗi tàu là không hề rẻ.
Việc trong những năm qua, chúng ta nhận các tàu chiến từ Hàn Quốc đã mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển đội tàu chiến mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đó là tiếp nhận tàu chiến cũ từ Hàn Quốc hoặc các quốc gia khác.
Với Hàn Quốc, 2 con tàu mà bạn chuyển giao cho ta là rất quý. Mặc dù đã trải qua thời gian hoạt động khá dài trong biên chế Hải quân Hàn Quốc (trung bình 30 năm) nhưng, khi được đưa vào biên chế của Hải quân nhân dân Việt Nam, những tàu này vẫn còn khả năng hoạt động và chiến đấu tốt.
Đây là những con tàu có kích thước và lượng giãn nước tương đối lớn, trang bị nhiều loại vũ khí mạnh. Đặc biệt, chúng ta sau khi tiếp nhận đã có những hoán cải (như lắp giá phóng tên lửa phòng không ở tàu 18) nhằm tăng sức mạnh chiến đấu cho 2 tàu này.
Minh chứng cho điều này là tàu 18 (lớp Pohang) thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân đã tham gia cuộc diễn tập hàng hải giữa ASEAN và Mỹ vào hồi đầu tháng 09 vừa qua.
Lắp tên lửa chống hạm cực mạnh lên tàu Pohang
Các tàu lớp Pohang còn có khả năng nâng cấp và lắp đặt thêm tên lửa chống hạm, giúp chúng lột xác toàn diện, tăng cường thêm sức mạnh, chẳng thua kém gì nếu không nói là uy lực hơn nhiều so với nguyên bản trước khi được chuyển giao.
Do đó, nếu lựa chọn phương án tiếp nhận thêm các tàu chiến cũ từ Hàn Quốc, sau đó chúng ta tự nâng cấp hỏa lực mạnh thêm cho tàu sẽ là giải pháp giúp tăng cường nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng đội tàu chiến mặt nước của HQ Việt Nam.
Với tàu hộ vệ lớp Pohang, hiện Hải quân Hàn Quốc còn duy trì 14 tàu và tất cả đều là các phiên bản mới hơn so với 2 tàu chuyển giao cho ta, gồm 8 tàu thuộc phiên bản Flight IV và 6 tàu phiên bản Flight V.
Khác với phiên bản Flight III chỉ chuyên cho nhiệm vụ chống ngầm, phiên bản Flight IV và V của tàu hộ vệ lớp Pohang được thiết kế đa năng hơn, lắp đặt cả tên lửa chống hạm và ngư lôi.
Trong những năm vừa qua và sắp tới, các tàu Pohang đã và sẽ bị loại biên khỏi Hải quân Hàn Quốc do chúng được thay thế bằng các tàu hiện đại hơn như lớp Incheon và Daegu. Như vậy, 14 tàu lớp Pohang còn lại của Hàn Quốc cũng sẽ lần lượt được loại biên trong vài năm sắp tới, khi chúng đã phục vụ từ đủ 30 năm trở lên.
Và giống như những người tiền nhiệm của mình, phần lớn số tàu hộ vệ lớp Pohang phiên bản Flight IV và V khả năng cao cũng sẽ được Hàn Quốc chuyển giao cho hải quân các nước khác, ngoài một số chiếc phía bạn có thế sẽ giữ lại dùng cho huấn luyện hoặc đánh chìm để làm các nhiệm vụ khác nhau.
Như vậy, với thiện chí và mối quan hệ rất tốt đẹp giữa 2 nước hiện nay, nếu Việt Nam đề nghị thì chúng ta hoàn toàn có cơ hội có thể nhận thêm một số tàu lớp Pohang nữa từ Hàn Quốc.
Với các tàu lớp Pohang tiếp nhận thêm, do là phiên bản đã trang bị tên lửa chống hạm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nâng cấp tên lửa chống hạm (có thể là loại Kh-35 Uran-E hoặc KCT-15) lên các tàu này, thay thế cho các bệ phóng mà phía bạn nhiều khả năng sẽ gỡ bỏ trước khi chuyển giao.
Chế tuyệt tác vũ khí, Công nghiệp quốc phòng VN “đứng trên vai người khổng lồ” Israel Mang rocket và bay cực thấp, trực thăng Nga thách thức mọi âm mưu phá hoại lệnh ngừng bắn “Sói Kavkaz” cả gan trêu “Gấu Nga” ở Syria: Đặt trong tầm ngắm cần thẳng tay tiêu diệt
Bên cạnh tàu lớp Pohang, Hải quân Hàn Quốc cũng đang loại biên lớp tàu lớn hơn là khinh hạm lớp Ulsan. Trước đây, Hàn Quốc đã ngỏ ý chuyển giao 1 tàu lớp Ulsan đã loại biên cho Hải quân Argentina.
Tuy nhiên, vừa qua phía Argentina đã từ chối với lý do họ gặp khó khăn trong việc bảo dưỡng hệ thống động cơ trên tàu do không hiện có loại tương tự trong Hải quân Argentina. Đây cũng sẽ là 1 lớp tàu mà Việt Nam ta có thể cân nhắc lựa chọn tiếp nhận.
Với việc tiếp nhận thêm tàu từ Hàn Quốc và sau đó nâng cấp thêm hỏa lực, Hải quân Việt Nam sẽ nhanh chóng sở hữu thêm các tàu mặt nước có hỏa lực mạnh với chi phí chấp nhận được, do các tàu lớp Pohang thường được Hàn Quốc chuyển giao miễn phí cho nước ngoài.
Chúng ta – nước tiếp nhận chỉ phải trả chi phí tân trang lại tàu trước khi chuyển giao, thấp hơn rất nhiều so với mua tàu mới tương tự và sau đó có thể nâng cấp hỏa lực và các khí tài theo yêu cầu sử dụng của mình.
Ly Vy /Soha News