130115
topics
420312

Hơn 760.000 người chết vì nCoV trên toàn cầu

15/08/2020 06:49

Thế giới ghi nhận hơn 21,3 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 762.000 người chết, WHO kêu gọi các nước kiểm soát lây nhiễm cộng đồng để ngăn Covid-19.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 21.321.277 ca nhiễm và 762.179 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 270.909 và 9.849 ca sau 24 giờ, trong khi 14.122.473 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Y tá tại khoa chăm sóc tích cực của một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13/8. Ảnh: AFP.
Y tá tại khoa chăm sóc tích cực của một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13/8. Ảnh: AFP

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.472.782 ca nhiễm và 171.439 người chết, tăng lần lượt 57.116 và 1.024 ca so với một ngày trước đó. Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins nhận định vaccine do nước này phát triển khó có thể được cấp phép trước tháng 11.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ liên bang sẽ cung cấp tới 125 triệu khẩu trang có thể tái sử dụng cho các học khu trên khắp Mỹ, đồng thời thúc giục các bang cho phép học sinh quay lại trường, bất chấp cảnh báo cần thận trọng của giới chức y tế. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trẻ em nhiễm nCoV ít có triệu chứng nặng, nhưng nguyên cứu mới cho thấy nhóm này vẫn có khả năng lây truyền virus.

Trong khi đó, Thống đốc California Gavin Newsom thông báo hơn 96% trường ở California sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trực tuyến.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 106.523 sau khi ghi nhận thêm 959 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 45.899 trong 24 giờ qua, lên 3.275.520. Cuối tuần qua, nước này đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới ghi nhận hơn 100.000 người chết.

Với hơn 14.000 người chết, bang Rio là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai của đại dịch ở Brazil, sau Sao Paulo. Bất chấp tình hình nghiêm trọng, đám đông vẫn đổ tới những bãi biển nổi tiếng trong thành phố để tắm nắng hay chơi bóng trên cát.

Nhằm ngăn nCoV lây lan, Thị trưởng Rio de Janeiro Marcelo Crivella tuyên bố những người tới bãi biển phải giãn cách xã hội và đặt chỗ trước trên bãi cát thông qua ứng dụng, dù biện pháp này được cho là sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, báo cáo 505.751 ca nhiễm và 55.293 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 7.371 và 627 trường hợp.

Bất chấp những con số vẫn gia tăng, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell bày tỏ lạc quan rằng sự kiểm soát đại dịch đã tốt hơn. “Đại dịch vẫn tồn tại, nhưng nó bắt đầu chậm lại hồi tháng 7”, ông nói. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chính phủ Mexico mắc nhiều sai lầm khi xử lý khủng hoảng.

Mexico cho biết họ và Argentina đặt mục tiêu cung cấp vaccine cho châu Mỹ Latinh, hiện là khu vực có số ca nhiễm và ca tử vong nhất thế giới vào đầu năm tới.

Chile ghi nhận 382.111 ca nhiễm và 10.340 ca tử vong, tăng lần lượt 2.077 và 41 trường hợp so với hôm trước.

Chile sẽ gỡ phong tỏa với trung tâm thủ đô từ 17/8, sau khi đã gỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam hai tuần trước.. Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở trong nhà bất cứ khi nào có thể, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay. Người dân có thể rời khỏi nhà vào các ngày trong tuần mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây. Họ có thể tụ tập nhóm nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có thể dần mở cửa trở lại.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 579.140 ca nhiễm và 11.556 ca tử vong, tăng lần lượt 6.275 và 286 ca.

Trung tâm tài chính Gauteng cùng hai tỉnh phát triển du lịch là Tây Cape và Đông Cape đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mạnh mẽ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize tuần trước cho biết ba điểm nóng này đang dần hạ nhiệt trong những tuần gần đây, dù chưa rõ đỉnh dịch tại nước này đã qua hay chưa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 114 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 15.498. Số ca nhiễm tăng thêm 5.065, lên 912.823. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Nga ngày 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một vaccine Covid-19, chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko hôm 12/8 nói lô vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng trong hai tuần tới.

Nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã “đốt cháy giai đoạn” dưới áp lực từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, Nga nói hoài nghi về vaccine này là “vô căn cứ”.

Tây Ban Nha ghi nhận 358.843 ca nhiễm, tăng 2.987 trường hợp trong khi ca tử vong tăng 12 ca lên 28.617. Sau một thời gian yên bình, nước này lại đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới ở châu Âu trong hai tuần qua sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Hôm 7/8, giới chức áp lệnh phong tỏa thị trấn Aranda de Duero, cách thủ đô Madrid khoảng 150 km về phía bắc, bao gồm khoảng 32.000 dân nhằm ngăn nCoV lây lan. Một số khu vực khác của Tây Ban Nha cũng phong tỏa một phần, bao gồm xứ Basque và các vùng Catalonia, Aragon.

Đức coi gần như toàn bộ Tây Ban Nha là khu vực có nguy cơ Covid-19 và khuyến cáo người dân không nên đến đây. Đức từ 14/8 xét nghiệm PRC tất cả người đến từ Tây Ban Nha. Trong khi đó, Tây Ban Nha nói việc xuất hiện các cụm dịch mới là điều bình thường.

Anh báo cáo thêm 1.440 ca nhiễm nCoV, con số cao nhất trong ngày được ghi nhận kể từ hôm 21/6, nâng tổng số ca nhiễm lên 316.367, trong đó 41.358 người chết. Theo báo cáo của viện Khoa học Y khoa Anh, trong trường hợp xấu nhất, làn sóng Covid-19 thứ hai có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9/2020 tới tháng 6/2021.

Các biện pháp hạn chế gần đây được tái áp đặt tại một số địa phương ở miền trung và miền bắc nước Anh cùng thành phố Aberdeen của Scotland, nơi những quán rượu và nhà hàng phải đóng cửa, trong khi lệnh hạn chế đi lại được gia hạn.

Tuy nhiên, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch, trẻ em Scotland hôm 11/8 trở lại trường học lần đầu tiên sau 5 tháng, trong bối cảnh các lãnh đạo khắp nước Anh đang cố gắng tái mở cửa ngành giáo dục. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông “rất ấn tượng” với sự chuẩn bị để ngăn chặn virus trong các lớp học

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, ghi nhận thêm 169 người chết, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 19.331. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.501, lên tổng cộng 338.825 ca. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 tại Trung Đông, với những số liệu bị nghi ngờ về tính chính xác.

Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 65.609 ca nhiễm và 990 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.525.222 và 49.134.

Thủ tướng Narendra Modi hôm 11/8 kêu gọi các lãnh đạo địa phương tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, trong bối cảnh giới chuyên gia lo lắng hệ thống y tế vốn chịu nhiều gánh nặng không thể đối phó được đại dịch khi virus tràn lan trong cộng đồng.

Những ngày gần đây, nhiều chính trị gia Ấn Độ bị nhiễm nCoV, bao gồm cựu tổng thống Pranab Mukherjee, người đang phải thở máy sau khi phẫu thuật.

Trung Quốc báo cáo 22 ca mới, gồm 14 ca ngoại nhập. Nước này ghi nhận tổng cộng 84.808 ca nhiễm, trong đó 4.634 người chết. Trong những ngày gần đây, Trung Quốc liên tục phát hiện nCoV trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 153.660 ca nhiễm và 2.442 ca tử vong, tăng lần lượt 6.216 và 16 ca. Thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vòng hai tuần từ 4/8 đến 18/8 do số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng sau khi hạn chế được nới lỏng hồi tháng 6.

Philippines hôm 14/8 cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ Brazil sau khi hai thành phố Trung Quốc phát hiện nCoV trên hàng đông lạnh, bao gồm cánh gà từ Brazil. Họ không cho biết lệnh này kéo dài bao lâu. Brazil chiếm khoảng 20% lượng thịt gia cầm nhập khẩu của Philippines.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 135.123 ca nhiễm, tăng 2.307 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.021 người chết, tăng 53 ca.

Thủ đô Jakarta kéo dài hạn chế xã hội đến 27/8, yêu cầu nhà hàng, nơi thờ tự và giao thông công cộng hoạt động với công suất hạn chế.

Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, mở cửa trở lại từ hôm 31/7 cho du khách trong nước và lên kế hoạch đón du khách nước ngoài, có thể vào 11/9.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 55.580 người nhiễm, tăng 83 ca. 27 người chết vì nCoV. Tuần trước họ đã hoàn thành xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá và đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/8 nhận định chưa bằng chứng nào cho thấy Covid-19 có thể lây lan qua thực phẩm hoặc bao bì đóng gói. WHO cũng kêu gọi người dân thôi lo lắng về việc virus xâm nhập vào các dây chuyền sản xuất thức ăn.

“Mọi người không nên e sợ thực phẩm, các bao gói, công đoạn chế biến hoặc giao thương (có thể làm bùng phát Covid-19). Không có bằng chứng cho thấy thức ăn đóng vai trò trong quá trình truyền virus. Người dân nên cảm thấy thoải mái và an toàn”, tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

(Theo AFP/Reuters)

Đọc nhiều