8
category
345753

Hơn 50% lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

28/12/2019 12:23

Trong lúc Bộ Luật Lao động sửa đổi theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động trên cả nước, một khảo sát mới nhất cho thấy, có tới 50% người lao động được hỏi trả lời không muốn tăng.

laodong
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Tăng độ tuổi nghỉ hưu là một lộ trình chậm

Vì sao tăng tuổi hưu?

Về quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội (cơ quan soạn thảo dự luật) đưa ra 3 lý do: Dân số Việt Nam đang già hóa, tương lai thiếu lao động là nhãn tiền; vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH); khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam là cao.

Hiện nay, mức tuổi nghỉ hưu trung bình của Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia có tuổi thọ cao nhất trong khu vực. Lao động nam sau khi nghỉ hưu có tuổi thọ trung bình là 78 tuổi và nữ là 79,5 tuổi. Bởi vậy, việc điều chỉnh tuổi hưu theo xu hướng tăng cũng là điều dễ hiểu nhằm đối phó với quá trình già hoá dân số đang diễn ra khá nhanh cũng như việc cân đối quỹ BHXH trong tương lai.

Tăng tuổi hưu: Người trẻ có lo khó tìm việc, người già muốn nghỉ ngơi

Số đông những người trẻ hoạt động trong các ngành nghề lao động trí óc đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Bạn Quỳnh Thương (21 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi là sinh viên sắp ra trường. Tôi thấy công việc ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ cần người có năng lực, dù có tăng tuổi nghỉ hưu đi chăng nữa, sinh viên mới ra trường có năng lực cũng vẫn có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Còn nếu xem tăng tuổi hưu là “chiếm việc của người trẻ” thì người trẻ nên nhìn nhận vấn đề theo cách thêm thử thách để cố gắng. Bởi vì việc tăng tuổi và tìm việc là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn. Tại sao chúng ta không nghĩ để người trẻ cạnh tranh với nhau mà lại đi so đo thêm 2-3 năm của người già?“.

ahuu
Nhiều lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp ở tuổi ngoài 40 đã xuất hiện bệnh nghề nghiệp nên muốn được nghỉ hưu sớm.

Bạn Nguyệt Hà ( sinh viên năm 3 Đại học Y) chia sẻ: “Tôi nghĩ tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Đặc biệt với ngành y thì học lâu mà tay nghề cần nhiều thời gian để trau dồi. Cho nên nếu nghỉ hưu sớm thì tuổi nghề ngắn, hơi thiệt thòi và đến tuổi đó rất nhiều người có tay nghề lâu năm đang muốn cống hiến, đang muốn làm việc đến khi không thể làm nữa thì họ mới nghỉ. Ngành y rất cần những người lành nghề để truyền đạt kiến thức mà họ góp nhặt được từ lâm sàng, tức là kiến thức học được trên rất rất nhiều bệnh nhân”.

Bạn Nguyễn Đức (21 tuổi, Cầu Giấy) chỉ ra sự bất cập: Với điều kiện sức khỏe, thể chất của người Việt hiện nay thì việc nâng tuổi về hưu của cả nam và nữ là không hợp lý. Đến tuổi 55, hầu hết cán bộ thực sự làm việc đã mệt mỏi, hiệu quả lao động không cao. Việc nâng tuổi chỉ nghĩ đến vấn đề kinh tế mà chưa quan tâm đến sức khỏe người lao động và các vấn đề xã hội phát sinh như bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp…

Tuy nhiên, với những người lao động trực tiếp trong các ngành nghề nặng nhọc thì cho rằng, dự kiến tăng tuổi hưu là không phù hợp, nên giữ như hiện nay. Không ít ý kiến băn khoăn, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm cơ hội việc làm của họ…

Chị Thu Hà (40 tuổi), nhân viên của một công ty ở Thanh Hoá cho biết, công việc của chị khá vất vả, ngoài việc phải lao động trong môi trường nhiều độc hại thì việc thường xuyên phải đứng làm ca kíp cũng rất nặng nhọc. Chị cho biết, nhiều đồng nghiệp trong công ty chị chỉ chờ đủ 20 năm đóng BHXH để xin nghỉ hưu do không đủ sức khoẻ để làm việc tiếp. “Công nhân nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại chỉ 40 tuổi sức khoẻ đã giảm sút đi nhiều. Bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ nên đủ thời gian đóng BHXH tôi cũng xin nghỉ hưu sớm”, chị kể.

Cô giáo Đào Thị Minh Hoài (45 tuổi), giáo viên tiểu học, vào nghề đã 25 năm. Theo quy định hiện hành thì cô còn 10 năm nữa là về hưu và có 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục. Cô Hoài không ủng hộ khi biết tin chuẩn bị tăng tuổi nghỉ hưu từ 3 – 5 năm với giáo viên nữ bởi nhiều lý do. Cô cho rằng, dù thể trạng và tuổi thọ người Việt hiện nay tăng lên nhưng chất lượng sống thấp, môi trường càng ngày càng ô nhiễm, thực phẩm bẩn bủa vây, nguy cơ bệnh tật và ung thư cao. Nhiều giáo viên bước qua độ tuổi 40 sức khỏe đã giảm sút, có ngày đứng dạy 4-5 tiết liên tục, đến năm 40 tuổi, nhiều người đã ngã bệnh về xương, khớp, viên họng mãn tính.

Người có năng lực, còn khả năng đóng góp thì có thể làm tiếp nhưng không giữ chức vụ mà nhường vị trí cho lớp trẻ năng động hơn. “Cống hiến một thời gian dài rồi thì nên về nghỉ ngơi, chăm sóc con cháu, để cho lớp trẻ có cơ hội vào biên chế hoặc ký hợp đồng dài hạn”, cô nói.

Nếu tăng thì phải xem xét tính chất công việc

Ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, bạn Hồng Nhung (22 tuổi, Hà Nội) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là có cơ sở vì tuổi thọ của người Việt ngày càng cao. Do tuổi thọ tăng nên có thể tăng tuổi nghỉ hưu tuy nhiên chỉ nên tăng thêm khoảng 2 tuổi và tuổi nghỉ hưu của nữ nên quy định bằng với nam giới. “Tôi đồng ý nhưng phải xem xét tính chất công việc như lao động trí óc hay lao động chân tay. Tuỳ theo từng ngành có thể quy định tuổi nghỉ hưu sao cho phù hợp. Nam giáo viên có thể nghỉ hưu khi 65 tuổi, nữ 60 tuổi nhưng công nhân nhà máy, thì nên nghỉ sớm hơn. Hiện nay, với quy định nghỉ hưu như trong luật thực sự chưa tận dụng hết khả năng lao động vì nhiều người còn có đủ sức khoẻ và trí tuệ minh mẫn để làm việc”, Nhung nói.

Theo chị, có ý kiến lo ngại người cao tuổi làm việc lâu năm có thể sẽ làm giảm cơ hội cho người trẻ thì cũng không phải hoàn toàn phụ thuộc vào việc quy định độ tuổi nghỉ hưu. Vì nếu người trẻ có kiến thức, kĩ năng đáp ứng với các công việc cụ thể thì không có lí do gì phải e ngại hay sợ mất cơ hội. Không thể phủ nhân hiện tượng con ông cháu cha, một người làm quan cả họ được nhờ’ trong xã hội ta hiện nay nhưng không thể khẳng định 100% đó là hệ quả của việc tăng độ tuổi lao động.

Quỳnh Quỳnh

Đọc nhiều